Hợp tác xã (HTX) miến dong Tài Hoan, tỉnh Bắc Kạn sản xuất hàng hóa cung cấp cho nhiều siêu thị trong nước và xuất khẩu. Với quy mô sản xuất 2,5 tấn/ngày, HTX đang cần mở rộng kinh doanh, tăng thu mua nguyên liệu nhưng lại thiếu vốn. "Chúng tôi đang rất cần một nguồn vốn ưu đãi nhất định để có thể mở rộng sản xuất, thu mua nguyên liệu của bà con, dự trữ sản lượng tốt nhất để sản xuất" - Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX miến dong Tài Hoan chia sẻ.
Tuy nhiên, theo chị Hoan, HTX rất khó tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng chủ yếu cho các công ty vay vốn, còn HTX là mô hình kinh tế tập thể, không có tài sản thế chấp, khó khăn trong vấn đề hoàn trả vốn…
HTX Tâm Ngọc (Hà Nội) với đa phần các thành viên là người khuyết tật, hiện đang canh tác hơn 12 ha bao gồm các loại cây ăn quả, hoa, rau sạch nhưng chủ lực là các loại cây thảo dược. Công việc trồng cây dược liệu, đóng gói các sản phẩm trà giúp các thành viên có thu nhập ổn định trung bình 4 triệu đồng/người/tháng tùy theo khả năng của từng người.
Chị Trần Thị Thuần - Giám đốc HTX Tâm Ngọc chia sẻ, tất cả nguồn vốn HTX đầu tư phát triển chuỗi dược liệu, ngành làm đẹp là do các thành viên tự bỏ ra hoặc vay người thân. "HTX đã từng làm thủ tục vay vốn ngân hàng nhưng quy trình rất phức tạp, mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, lĩnh vực HTX đầu tư là nông nghiệp được đánh giá là khó hấp dẫn ngân hàng vì rủi ro cao".
Chia sẻ về việc tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, một trong những khó khăn của hợp tác xã hiện nay chính là vấn đề vốn. Số liệu khảo sát trên 300 hợp tác xã thì đến 80% hợp tác xã phải vay ở thị trường phi chính sách và hệ thống tín dụng đen với lãi suất cao, thời gian ngắn, chủ yếu phục vụ cho đáo nợ, chờ vốn tín dụng.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã, trong đó có Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030".
Theo thống kê của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" tuy mới triển khai hơn 1 năm, song các cấp Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ thành lập mới 1.214 hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý với trên 20.000 thành viên và 12.000 tổ hợp tác với trên 32.000 thành viên, trong đó có trên 70% là hợp tác xã nông nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn; thu nhập bình quân của thành viên đạt trung bình trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt, Hội LHPN các cấp đã đẩy mạnh việc hỗ trợ phụ nữ tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế.
Vừa qua, Hội LHPN Việt Nam với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ký kết Chương trình phối hợp công tác về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2024 - 2027.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, trong những năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các ngân hàng khác quan tâm hỗ trợ vốn cho phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao quyền năng kinh tế cho chị em, từ đó nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần thực hiện bình đẳng giới; đồng thời yêu cầu Hội LHPN các huyện, thị xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để hội viên hiểu rõ các chính sách ưu đãi của ngân hàng; hướng dẫn hội viên sử dụng vốn đúng mục đích đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Đại diện Hội LHPN TP Thanh Hóa cũng cho hay: Một trong những hoạt động nổi bật của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh thời gian qua là hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Hội LHPN TP Thanh Hóa cho biết, thông qua các chương trình, dự án, Hội luôn tranh thủ các nguồn vốn, đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng và mở rộng nguồn ủy thác, tín dụng từ các ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, Quỹ TYM… Ngoài ra, các cấp hội đã hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể về cây con giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp các Hợp tác xã nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Hay như Hội LHPN tỉnh Phú Thọ trong hơn 1 năm triển khai Đề án đã tạo điều kiện để 24 lượt HTX, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ HTX của tỉnh, với tổng dư nợ đến nay là 5,4 tỷ đồng.
Hội LHPN tỉnh Quảng Nam đã tham mưu thực hiện Đề án lồng ghép với việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới của tỉnh. Theo đó, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ủy thác tín dụng với Ngân hàng Chính sách xã hội, phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cùng các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn tỉnh để tìm giải pháp hỗ trợ các HTX tiếp cận tín dụng. Hội LHPN tỉnh cũng quan tâm cung cấp kiến thức, năng lực, tính chủ động, sự nhanh nhạy của ban lãnh đạo HTX trong huy động vốn phục vụ sản xuất.
Nghiên cứu sản phẩm tín dụng phù hợp với kinh tế tập thể
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo nghiên cứu, triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của kinh tế tập thể, hợp tác xã, tăng cường kết nối để tháo gỡ khó khăn trong vay vốn. Ngoài ra, sẽ khảo sát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn để đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định tạo thuận lợi tăng cường tiếp cận tín dụng của người dân doanh nghiệp, hợp tác xã; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn