Tháo gỡ "nút thắt" chất lượng nguồn nhân lực và việc làm cho lao động nữ

10:30 | 01/11/2023;
Thảo luận về thực hiện kinh tế - xã hội tại hội trường, một số đại biểu Quốc hội kiến nghị cần đánh giá sâu hơn tác động của việc giảm số lượng việc làm, nhất là với những ngành có thu hút đông lực lượng lao động, lao động trẻ, lao động nữ.

Tại phiên thảo luận sáng 1/11, nhiều đại biểu bày tỏ thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội.

Liên quan tới vấn đề việc làm - một trong những chỉ tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, cho biết: Thời gian qua, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thấp hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Mặc dù vậy, số lao động đang có chiều hướng giảm. Trong số các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường phần lớn là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sử dụng nhiều người lao động, đặc biệt là lao động nữ như: Giày dép, dệt may, đồ gỗ, điện thoại và linh kiện…

Đại biểu Thu Thủy nhận định, số doanh nghiệp đang tăng về cơ học, nhưng thị trường lao động chưa bền vững. Theo đó, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục đánh giá các gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong phục hồi phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch, tiếp tục nghiên cứu chính sách giảm thuế, giãn nợ, bù đắp chi phí cho các doanh nghiệp, giảm khoản đóng góp cho doanh nghiệp như thuế, cho doanh nghiệp vay trả lương, hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà…

Ngoài ra, cần đánh giá kỹ hơn số liệu doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động để có giải pháp cụ thể trong đào tạo học nghề, hỗ trợ lao động trong tìm kiếm lĩnh vực việc làm phù hợp. Đặc biệt, cần đánh giá sâu hơn tác động của việc giảm số lượng việc làm, nhất là với những ngành thu hút đông lực lượng lao động, lao động trẻ, lao động nữ.

Để phát huy 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện hiệu quả đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, cần đa dạng hóa hợp lý cơ cấu ngành nghề, phương thức tổ chức, chương trình dạy học nhằm thu hút lao động trẻ tham gia học tập.

Tháo gỡ "nút thắt" chất lượng nguồn nhân lực và việc làm cho phụ nữ nông thôn - Ảnh 1.

Đại biểu Triệu Thị Huyền, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, thảo luận tại hội trường. Ảnh QH

Còn đại biểu Triệu Thị Huyền, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, cho rằng: Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên từ độ tuổi 15-24 tuổi trong quý 3 năm 2023 là 7,86%, trong đó tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,35%, nông thôn là 6,60%.

Đặc biệt, thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn là 13,5%, thành thị là 9,8%. Theo đại biểu Triệu Thị Huyền, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao sẽ làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội và đến chính thu nhập, đời sống của thanh niên và gia đình họ, gây áp lực cho an sinh xã hội.

Theo đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục có sự quan tâm đánh giá lại việc phân luồng học sinh. Cùng với đó đánh giá lại chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đại biểu cũng đề nghị tăng cường hơn nữa công tác dự báo nguồn nhân lực gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, đánh giá lại quá trình và kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề cho thanh niên; rà soát lại hiệu quả của các chính sách về việc làm cho thanh niên. Ban hành các chính sách hỗ trợ cho lao động ở trong khu vực phi chính thức...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn