Men theo quốc lộ 20, vượt qua tán rừng già thuộc vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng khoảng 40km, chúng tôi mới đến được nơi sinh sống của đồng bào Arem. Cái bản nhỏ nằm lọt thỏm giữa thung lũng, bốn bề là rừng già bao phủ. Con đường bê tông phẳng lì chạy dọc theo bản Arem. Hai bên đường là những ngôi nhà gỗ lợp tôn xinh xắn. Những năm trước đây, khi con đường bê tông lên xã chưa hoàn thiện, nơi này gần như biệt lập với cuộc sống bên ngoài. Nay đường xá đến bản Arem đã được hoàn thiện, cuộc sống của người Arem bắt đầu có sự thay đổi rõ rệt.
Già làng Đinh Rầu nói tiếng phổ thông còn lơ lớ, nhưng chính ông là người đã mạnh dạn cùng bà con rời bỏ cuộc sống ở rừng để định cư tại xã Tân Trạch. Sự đổi thay trong gia đình ông Đinh Rầu và những người dân Arem nơi đây là cả một hành trình dài và gian khổ. Ngồi bên bếp lửa, nói về cuộc sống của dân tộc mình, ông Rầu như trở lại mấy mươi năm về trước.
Ông Rầu kể chậm rãi, người Arem ở Tân Trạch được coi là tộc người phát hiện muộn nhất ở Việt Nam. Năm 1956, khi đó cả tộc người đang đứng bên bờ vực của sự diệt vong, chỉ còn 18 người. Trước đây, người Arem vốn là một tộc người có tên tuổi, cư trú tập trung ở hai nơi có các tên gọi Rục hay Bòn Bòn. Nhưng do chiến tranh, để tránh bom rơi, đạn lạc, họ đã bỏ bản, lui vào trong rừng già của dải Trường Sơn náu thân. Vì cuộc lánh nạn này cho nên điều kiện sinh sống hết sức khó khăn và dẫn đến suy kiệt dần. Năm 1956, lúc được phát hiện ra, người Arem đã và đang sống một cuộc sống hết sức nguyên thủy như ở hang, mặc quần áo vỏ cây và đồ ăn, thức uống chủ yếu không qua đun nấu.
Bộ đội biên phòng vận động họ rời bỏ cuộc sống nơi rừng già về định canh, định cư tại bản Arem bây giờ. Vốn đã quen sống dựa vào rừng, thời gian đầu, họ vẫn cứ vào rừng ở, chứ nhất định không chịu ở nhà do bộ đội làm cho. "Nhờ cái bộ đội, cái cán bộ kiên trì vận động, người Arem mới thoát khỏi kiếp nạn diệt vong", ông Rầu nhớ lại.
Bộ đội biên phòng dạy họ ăn chín uống xôi, trồng lúa nương, nuôi con lợn, con gà, thay vì vào rừng săn bắn. Suốt mấy chục năm trôi qua, cuộc sống của bà con người dân tộc Arem mới dần ổn định. Đến nay, xã Tân Trạch đã có 100 hộ, trong đó có 86 hộ là người Arem và 14 hộ là người dân tộc Vân Kiều. Họ chung sống hòa hợp.
Một sự thay đổi rõ nhất trong cuộc sống của người Arem là họ đã đoạn tiệt với những hủ tục lạc hậu như mẹ chết chôn theo cả con, ngủ ngồi, ở rừng...
Người Arem có cách gọi nhau đã thành mặc định, con trai sinh ra mặc nhiên mang họ Đinh và con gái gọi mang họ Y. Nhà chị Y Ru ở giữa bản. Mấy đứa con của chị đã đi học và biết được cái chữ. Chị đã nói được tiếng phổ thông. Trước đây chị cũng đã từng đi học lớp xóa mù chữ do các chiến sĩ biên phòng mở tại bản. Y Ru bảo, mình từ rừng về, phải học nhiều thứ lắm. Từ việc ăn chín, uống sôi, đến việc đi ngủ phải mắc màn và nằm trên giường, chứ không ngủ ngồi như trước. Nhà Y Ru vẫn còn thiếu ăn, nhưng năm nào cũng nhận được gạo cứu đói của nhà nước.
Cuộc sống của người Arem hiện vẫn đang còn rất nhiều khó khăn. Toàn xã vẫn còn tới trên 80% hộ nghèo. Theo ông Đinh Lầu, Chủ tịch UBND xã Tân Trạch, nhà cửa, trường, trạm ở nơi này đều được Nhà nước và các tổ chức cá nhân xây dựng giúp.
Hầu hết các hộ gia đình trồng lúa nương. Họ thu hoạch lúa và chế biến thức ăn đều làm thủ công, máy móc đã bắt đầu được đưa về, nhưng còn rất hạn chế.
Điều mừng nhất trong câu chuyện của chúng tôi với ông Đinh Lầu, Chủ tịch UBND xã Tân Trạch là người Arem đã biết rời bản đi làm ăn xa. Nhiều gia đình có xe máy. Họ đã cho con em họ đi học cấp II rồi cấp III. "Nhiều hộ dân được tiếp cận với các chương trình hỗ trợ bò giống sinh sản, dê, lợn và các mô hình sản xuất mới. Từ đó đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn từ 20 đến 50 con. Toàn xã hiện có khoảng 35% số hộ có ít nhất 1 điện thoại, 23% số hộ có xe máy, 24% số hộ có tivi…", ông Đinh Lầu cho biết thêm.
Một tin vui nữa vừa đến với bà con người Arem là dự án kéo điện lưới Quốc gia đã được khởi công vào tháng 6/2022 để kéo điện đến 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch. Chỉ vài mùa trăng nữa thôi là người Arem sẽ có điện. Khi điện lưới về với bà con, bản làng sẽ được thắp sáng. Máy móc sẽ được đưa vào sản xuất và phục vụ đời sống người Arem.
Trong câu chuyện với vị chủ tịch xã, chúng tôi đã dần cảm nhận được sự đổi thay ở đất này. Do sinh sống ở vùng lõi của vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, nên nơi đây có tiềm năng để phát triển du lịch. Nếu được đầu tư bài bản, họ có thể biến những căn nhà gỗ của mình thành những homestay độc đáo.
Dự án kéo điện lưới quốc gia đến 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch có quy mô khoảng 52km đường dây trung áp (trong đó, đường dây đi ngầm khoảng 20km, đường dây đi trên không khoảng 32km) và khoảng 11km đường dây hạ áp, 3 trạm biến áp có công suất 22/0,4kV-50kVA và 3 trạm biến áp có công suất 22/0,4kV-100kVA.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn