Thắp sáng hi vọng cho con

17:15 | 07/08/2015;
Trên đường đưa con đi nút mạch để tiện cho phẫu thuật, bỗng dưng máu trong miệng Trần Văn Lợi, con anh Trần Văn Hưng (ở xóm 7, xã Tân Sơn, Quỳnh Lưu, Nghệ An), ộc ra, người tím tái. Lúc ấy, anh Hưng tưởng như không còn hy vọng nhưng....

Từ nhỏ, Lợi đã có một cái bớt nhỏ bên má phải nhưng nhạt màu. Chỉ khi nào Lợi khóc hoặc cáu kỉnh thì cái bớt đó mới đỏ lên. Bố mẹ cho Lợi đi khám bệnh, bác sĩ nói đây chỉ là u máu thường, khi nào có điều kiện thì làm thẩm mỹ laser. Đột nhiên, mấy hôm cuối tháng 5 vừa qua, khi Lợi đang dang dở kỳ thi hết lớp 11, 2 chiếc răng hàm bên mọc cái bớt lung lay, chảy máu. Lợi vẫn cố cho hết năm học. Sau khi bế giảng, hai cha con đưa nhau đi khám. Nghe tin bác sĩ ở địa phương giới thiệu con ra Hà Nội khám ở Bệnh viện K, chị Hoàng Thị Hoan, mẹ Lợi rụng rời chân tay, nằm bẹp không dậy nổi.

Sau đó, anh Hưng được người nhà tư vấn nên kiểm tra tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương tại Hà Nội trước, vì bệnh của Lợi nằm ở vùng mặt, nếu đúng là thể ác tính thì chuyển sang Bệnh viện K cũng chưa muộn. Các bác sĩ tại Bệnh viện Răng hàm mặt chẩn đoán Lợi bị u máu xương hàm thể thông động tĩnh mạch, phải phẫu thuật cắt bỏ khối u. Lợi được giới thiệu sang Bệnh viện Bạch Mai làm thêm kỹ thuật nút mạch, giúp giảm mất máu trong quá trình mổ sau này. Thế nhưng đi được nửa đường thì Lợi bất ngờ bị chảy máu ồ ạt từ trong miệng do khối u bị vỡ. Nhìn thấy con máu mê đầm đìa cả người, anh Hưng bủn rủn chân tay. Rẽ vào một quán nước mua túi đá, lấy chiếc khăn bông to trong túi đồ đạc, anh bọc đá quanh mặt con cầm máu. Trở về Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, các bác sĩ xác định Lợi đã mất khoảng 2 lít máu nên quyết định mổ cấp cứu bệnh nhân, bởi nếu không, việc mất máu sẽ đe dọa tính mạng của Lợi. TS Lê Ngọc Tuyến, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt của bệnh viện đã trực tiếp thực hiện phẫu thuật loại bỏ khối u máu lẫn trong xương, cắt 1/2 xương hàm của Lợi, đồng thời kíp gây mê do bác sĩ Nguyễn Quang Bình, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho ca mổ kéo dài hơn 3,5 giờ.

Anh Hưng chăm sóc con sau ca phẫu thuật kịp thời cứu mạng sống của cháu Lợi

Trong khi con mổ, lòng anh Hưng như lửa đốt, bởi lúc ký giấy cam kết mổ, anh bị ám ảnh bởi hình ảnh máu trào ra từ miệng con. Thế rồi, ca mổ kết thúc, bác sĩ phẫu thuật ra khỏi phòng, nói: “Cháu đã được cứu sống”. Anh Hưng thở phào nhưng phải đến ngày hôm sau, khi Lợi ra khỏi phòng hậu phẫu, nghe gọi tên biết gật đầu, anh mới thực sự tin là con còn sống. Tiếng nói của Lợi còn rất yếu ớt, phải ghé sát tai, anh Hưng mới nghe được câu nói “than phiền”: “Con mất răng hàm rồi”.

Nhớ lời bác sĩ Tuyến dặn, anh Hưng giải thích cho con: “Khối u vỡ, tính mạng của con lúc đó bị đe dọa từng giây, nếu không được phẫu thuật cấp cứu để cầm máu. Khi máu chảy nhiều trong miệng, có thể gây bít tắc đường thở, cũng dễ dẫn đến tử vong. Rất may là con đã được mổ cấp cứu kịp thời nên được cứu sống. Việc mất răng thì sau này, khi bình phục, có thể phẫu thuật tạo hình lại bên xương hàm, phục hồi lại chức năng ăn nhai và nói”.

Còn đó âu lo

Theo bác sĩ Tuyến, bệnh nhân Lợi bị khối u lớn nên phải cắt cả răng hàm. Bệnh nhân cần được tiếp tục theo dõi xem có bị tái phát hoặc bệnh có tiến triển hay không. Do bị cắt răng, sau này quá trình ăn nhai của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều, bởi toàn bộ quá trình ăn nhai của con người thực hiện nhờ hàm trên và hàm dưới có thể cắn khít với nhau hay không. Khi một bên xương hàm dưới bị mất, hiệu quả nhai của bên còn lại cũng bị ảnh hưởng. Lợi sẽ phải ăn đồ mềm, cho đến khi quay lại bệnh viện phục hình xương hàm dưới. Sau đó, trên cơ sở xương hàm dưới được phục hình, bệnh viện sẽ thực hiện cấy ghép răng trên xương ghép, hay đơn giản hơn là làm hàm răng giả tháo lắp. Nếu lựa chọn ghép xương và cấy ghép implant trên xương ghép thì đây là kỹ thuật phục hình nha khoa hiện nhất hiện nay. Tuy nhiên, chị phí khá lớn bởi mỗi chiếc răng phục hình cần 10 – 20 triệu đồng. Bệnh nhân cần ghép tối thiểu khoảng 4 chiếc răng thay thế cho răng đã mất.

Tuy có thẻ BHYT nhưng do phải chi trả một phần nên anh Hưng vẫn canh cánh vì kinh tế gia đình không biết có đủ để chữa chạy cho con? Gia đình anh làm ruộng, cả nhà chỉ có 4 sào lúa nên chỉ đủ ăn, trong khi vợ anh lại hay đau yếu. Anh Hưng bảo, trước mắt còn rất nhiều khó khăn nhưng điều quan trọng nhất là cháu đã được cứu sống. “Hôm đưa cháu đi, tôi xác định dù phải bán nhà cũng chấp nhận nhưng hay cháu đã qua cơn nguy kịch, trong khi nhà vẫn còn đó. Vì thế, nếu chi phí cho quá trình phục hình khuôn mặt của cháu sau này mà gia đình không kham nổi, tôi sẽ bán nhà đắp niềm hi vọng cho cháu, bởi cuộc đời của nó còn dài”, anh Hưng tâm sự.  

Với trường hợp bệnh nhân cấp cứu như Trần Văn Lợi, mỗi năm Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương tiếp nhận 1-2 ca, còn lại, đa phần bệnh nhân đến khám sớm. Bằng kỹ thuật tao hình xương hàm từ vạt xương mác, bệnh viện đã thực hiện trên 100 ca phẫu thuật từ năm 2006 đến nay với tỉ lệ thành công từ 95% đến 97%. Bệnh viện từng tạo hình thành công cho bệnh nhân mất cả hàm dưới sau khi phẫu thuật xương hàm bằng kỹ thuật này. Sau phẫu thuật, các chức năng ăn nhai, nói của người bệnh được phục hồi hoàn toàn.

 

TS Lê Ngọc Tuyến, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt (Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương):

U máu dễ phát hiện, 90% trường hợp bệnh nhân có biểu hiện bệnh từ khi sinh ra đến 3 tuổi. Tuy nhiên, các dạng u máu nằm sâu trong vùng hàm mặt (trong xương hàm trên, hàm dưới, dưới lưỡi) khó phát hiện. Khi biểu hiện bệnh ra ngoài thì thường các khối u này đã to, chảy máu nên rất nguy hiểm. Trường hợp của bệnh nhân Lợi là vì dụ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn