Pu Hao cái bản nhỏ của bà con người Mông nằm sâu trong khe núi. Hơn trăm nóc nhà của bà con người Mông đã trải qua quá nhiều chuyện đau thương từ việc trồng thuốc phiện đến chuyện truyền đạo trái phép năm nào. Sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của các chiến sĩ biên phòng, Pu Hao mới dần ổn định trở lại.
Sống trong cảnh nghèo khó, nên tỷ lệ người dân nơi đây biết chữ còn khiêm tốn, đặc biệt là chị em phụ nữ ở độ tuổi từ 20 đến 50. Giúp phụ nữ nơi đây xóa mù chữ đã được Đồn biên phòng Mường Lạn thực hiện trong thời gian dài. Các lớp xóa mù chữ liên tục được mở ra nhằm đưa ánh sáng đến với Pu Hao.
Ngày lên nương, tối đi học lớp xóa mù chữ
Trước khi mở lớp, chiến sĩ biên phòng đồn Mường Lạn đã đến từng nhà, động viên từng người chưa biết chữ đến lớp. Tất cả những phụ nữ, đàn ông chưa biết đọc, biết viết đều được tuyên truyền và động viên đi học.
Bao đời bà con người Mông sống nơi rừng hoang, núi thẳm, nhiều người đã không được học hành. Giờ thấy cán bộ đến bảo đi học, họ còn e ngại. Nói như ông Giàng A Dê, Trưởng bản Pu Hao: "Cuộc sống khó khăn quá. Cả ngày chỉ nghĩ đến chuyện kiếm cái ăn, mấy người lo chuyện đi học".
Những bỡ ngỡ và e ngại ban đầu của nhiều học viên đã làm mẹ, làm bà cũng dần qua đi. Lớp học mở gần bản. Thầy giáo là chiến sĩ biên phòng, trung úy Vì Văn Liêm. Hình ảnh phụ nữ người Mông đêm cầm đèn pin đi học ở Pu Hao trong suốt mấy tháng trời không còn là chuyện lạ ở nơi miền sơn cước này.
Mấy chục học sinh đến lớp ở độ tuổi từ 15 đến 50 tuổi. Buổi đầu ngồi học, Trung úy Liêm đã phải hướng dẫn và giải thích rất nhiều. May mà trung úy Liêm cũng nói được tiếng Mông, nên việc dạy chữ diễn ra thuận lợi hơn.
Nội dung của buổi học, Trung úy Liêm dạy chị em đọc từng chữ cái. Khi họ đã dần quen với mặt chữ, anh tiếp tục dạy họ cách viết chữ. Đến lớp, nhiều chị em còn nói tiếng phổ thông chưa rõ. Vậy mà chỉ sau vài buổi, cái lớp học vốn có nhiều thành phần đặc biệt này lại diễn ra sôi nổi. Chị em tự tin phát âm, đôi tay vốn quen làm nương làm rẫy, nay đã bước đầu viết được từng chữ cái.
Chị Vàng Thị Dính năm nay đã gần 50 tuổi, nhưng rất kiên trì đến lớp. Từ hôm lớp học mở ra, chị Dính chưa bỏ buổi nào. Ngày trước, chị Dính đến tuổi cập kê rồi lấy chồng sinh con đẻ cái. Chị chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mình đến trường để học chữ. Khi cán bộ biên phòng đến vận động, chị mới mạnh dạn đăng ký tham gia lớp học.
Giờ đây chị đã biết đọc, biết viết và tự tin giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Chị Dính chia sẻ, biết được cái chữ, mình nói và nghe được tiếng phổ thông, mang con gà, con lợn ra chợ, mình biết mặc cả. Giờ mình còn nghe được đài và xem ti vi, mình hiểu được các nội dung mà chương trình đưa ra. Không ngờ biết được cái chữ, mình nhận lại nhiều lợi ích đến thế.
Cũng giống như chị Dính mấy chục học viên của lớp đều là phụ nữ người Mông. Bao đời họ sống vất vả, không có cơ hội được đi học. Nay lớp học mở ra nhằm xóa mù chữ cho chị em. Phụ nữ người Mông ở Pu Hoa đã không quản ngại gian khó, ngày ngày họ thu xếp việc nương, việc gia đình đến lớp đều đặn. Các chiến sĩ biên phòng đã làm được việc vô cùng ý nghĩa dành cho bà con vùng cao ở Pu Hao.
Cái chữ đuổi đói nghèo và lạc hậu
Những năm trước đây, đồn biên phòng Pu Hao đều có kế hoạch mở lớp xóa mù chữ cho bà con người Khơ Mú, người Mông. Vào dịp hè, khi học sinh nghỉ học, các chiến sĩ mượn tạm cơ sở giáo dục tại địa phương để vận động chị em phụ nữ đi xóa mù chữ.
Không phải lúc nào lớp học cũng có đủ học sinh, vì nhiều phụ nữ còn bận chuyện gia đình chưa đến lớp được. Hơn nữa, ở Mường Lạn có nhiều bản sâu, bản xa, có bản cách trung tâm xã tới 25km. Do vậy, phụ nữ ở những bản này còn gặp khó khăn khi xóa mù chữ.
Không quản ngại đường xá xa xôi, cán bộ và chiến sĩ đồn biên phòng Mường Lạn và thầy giáo Liêm nêu quyết tâm, dù khó đến mấy cũng phải mang được cái chữ đến với bà con vùng cao. Đến nay, đồn Mường Lạn đã mở được 7 lớp xóa mù chữ cho 237 học viện. Các học viên đến lớp được dạy đọc, viết và nghe hiểu. Đến nay, tất cả các học viên này đã "tốt nghiệp".
Người gắn bó với lớp học nhiều nhất là Trung úy Vì Văn Liêm. Anh cũng là người dân tộc, công tác tại đồn. Dạy học vốn không phải là nghề của anh, nhưng vì đam mê với việc xóa mù chữ cho bà con mà anh tận tình theo lớp đến cùng.
Trung úy Liêm chia sẻ, mỗi một lớp học tốt nghiệp, tôi còn vui hơn cả những học sinh của mình. Những công sức mà mình bỏ ra đã mang lại hiệu quả. Bà con biết chữ, cái đói, cái nghèo và sự lạc hậu sẽ dần bị đẩy lùi ở nơi biên viễn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn