Thật may khi mẹ vẫn ở bên mình

19:30 | 10/01/2022;
Thật may vì mẹ vẫn còn ở bên mình. Biết đâu sau này khi về già, mình cũng khó tính như mẹ. Lúc ấy, các con có lẽ cũng muốn tăng xông vì mình...

Mẹ tôi đã cao tuổi và đang ở thời kỳ chuyển nhiều bệnh của người già khiến tôi vô cùng mệt mỏi. Ở cạnh mẹ 24/7 khiến tôi trải qua những thứ cảm xúc không mấy dễ chịu của việc chăm sóc người già. Điều đầu tiên tôi phải chịu đựng chính là những cuộc gọi bất thình lình. Mẹ tôi có thể quên bất cứ thứ gì. Nhiều lần bà đến nhà hàng mà không mang theo ví. Dù đang ở đâu, tôi vẫn phải có nhiệm vụ thanh toán cho mẹ.

Nhưng đôi khi, mẹ làm tôi khó chịu hơn khi... giả vờ quên. Có lần, mẹ đã "quên" gậy khi tôi đưa mẹ đi chơi. Mẹ không muốn mọi người nghĩ mình đã già. Chính mẹ đã thú nhận với tôi điều này. Một thứ cảm xúc khó chịu khác mà tôi thường gặp phải khi chăm sóc mẹ chính là sự thất vọng.

Gần đây, tôi đã cố gắng tìm cho mẹ một bác sĩ chỉnh hình mới vì mẹ nói mẹ không thích vị bác sĩ trước đó. Vất vả lắm tôi mới tìm được người phù hợp, mẹ lại nói rằng mẹ không đau vai mà đau ở vùng chậu. Vô cùng thất vọng, nhưng tôi vẫn tỏ ra bình tĩnh và kiên nhẫn. "Được rồi mẹ, chúng ta sẽ xem xét và cân nhắc lại chuyện này" - tôi đã thốt ra câu ấy và hủy cuộc hẹn với bác sĩ.

Nhưng thất vọng chưa là gì so với cảm giác phẫn uất. Mẹ tôi đã qua tuổi làm việc để kiếm sống, vì vậy mẹ luôn ưu tiên sự tự phát. Là một người mẹ đơn thân, để có thể tồn tại với công việc văn phòng bình thường trong 30 năm mà vẫn đảm bảo nuôi được 3 đứa con khôn lớn, tôi đã phải lập kế hoạch, tổ chức, sắp xếp mọi thứ. Nhưng mẹ tôi không hiểu điều này, bà mua sắm khá tùy tiện và thường mang về nhà những thứ mà không ai có nhu cầu sử dụng.

Một thứ cảm xúc xấu xí đã hình thành trong tôi khi phải dành một nửa thời gian trong ngày để chăm sóc mẹ. Tôi đã có thể kiếm được gấp đôi thu nhập hiện tại nếu dành thời gian đó để làm việc khác. Dù tôi biết mình rất yêu mẹ, nhưng có những lúc tôi phải đối mặt với sự thật nghiệt ngã rằng tôi không thích ở bên cạnh mẹ. Thay vì có một cuộc trò chuyện thực sự, tôi thường sắm vai một người con giả tạo, phục tùng và vâng lời cho... xong nghĩa vụ.

Cuối cùng, tôi vẫn phải chấp nhận sự thật rằng mình không thể tiếp tục chăm sóc mẹ được nữa. Tôi đã phải trích ra một khoản trong quỹ tiết kiệm của mình để thuê người giúp việc bán thời gian. Nhưng giải pháp này cũng khá bất tiện, bởi người giúp việc thường không xuất hiện đúng giờ. Thậm chí có hôm cô ấy hủy hẹn vào phút cuối khiến tôi muốn tăng xông. Các kế hoạch liên tục thay đổi làm mẹ tôi phát cáu và không ngừng mắng chửi tôi.

Không còn cách nào khác, tôi đành nghĩ đến giải pháp cuối cùng: chấp nhận chi thêm một khoản tiền để thuê một người giúp việc toàn thời gian và có tính tổ chức cao hơn. Nhưng mẹ không hài lòng với bất cứ ai được tôi đưa về. Người thì mẹ chê "tầm phào", người thì "bừa bộn", người thì "hay buôn chuyện điện thoại",... Thực tế, tôi thấy họ đều ở mức chấp nhận được, chỉ là mẹ tôi luôn cố gắng đưa ra quyết định để giúp mẹ cảm thấy mình đang kiểm soát được tình hình, và quan trọng là mẹ còn... sống và còn đầy sức mạnh.

"Mẹ không muốn trở thành gánh nặng cho con...". Khi tỉnh táo, mẹ tôi thường nói như vậy. Nhưng đó chỉ là cách mẹ bắt đầu một chuỗi những lời phàn nàn. Bạn thân nhất của tôi có một người mẹ gần bằng tuổi mẹ tôi, sống độc lập và kiểm soát tốt mọi việc cá nhân. Tôi nghe nói bác ấy vừa bán nhà, thu dọn đồ đạc và chuyển vào viện dưỡng lão mà không hề bàn trước với con gái. Điều này khiến bạn tôi vô cùng buồn và hụt hẫng. Nghĩ đến câu chuyện ấy, tôi lại tự an ủi bản thân: "Không sao, thật may vì mẹ vẫn còn ở bên mình. Biết đâu sau này khi về già, mình cũng khó tính như mẹ. Lúc ấy, các con có lẽ cũng muốn tăng xông vì mình". Ý nghĩ này giúp tôi phấn chấn lên một chút và cảm thấy ít ra mình không đơn độc trong các phản ứng của mình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn