Thật thú vị khi tự làm hoa đào, hoa mai trưng Tết

15:06 | 24/01/2017;
Năm hết Tết đến, thay vì những chậu hoa mai, hoa đào thật, rực rỡ nhưng mau tàn, nhiều bạn trẻ đã dành thời gian tự tay móc hoa bằng len để trưng quanh năm. Nhờ đó, không khí Xuân lúc nào cũng tràn ngập trong ngôi nhà yêu thương.

Sao cứ phải chơi hoa thật?

Sáng nay, cô gái trẻ Nguyễn Phương Thảo (Hà Nội) đến lớp học móc hoa Mai. Thảo sinh ra và lớn lên ở TPHCM nhưng đến năm 15 tuổi, cô theo gia đình chuyển ra Bắc. Tết đến, trong khi những người dân Hà Nội đi chọn Đào, cô và bố mẹ lại thèm lắm sắc vàng óng ánh của hoa Mai phương Nam.

“Nhưng giá bán một chậu hoa Mai ngoài Bắc không rẻ. Vì thế, bố mẹ mình chỉ dám đi “ngắm chùa” hoa Mai bày trong hội chợ rồi tiếc rẻ ra về. Hy vọng, sau khi học xong mình có thể móc được chậu hoa Mai báo Xuân về, giúp bố mẹ nguôi ngoai nỗi nhớ quê” - Thảo kể.

img_1181.JPG
Để có thể làm được một chậu hoa Mai đẹp, Thảo sẽ phải trải qua nhiều công đoạn và cần các nguyên liệu khác nhau như giấy hay ruy băng màu nâu để cuốn cành cây, len xanh làm lá, len vàng làm hoa, nụ. 

Với Thảo, làm hoa mai khó nhất ở khâu móc rồi kết thành 5 cánh hoa, tượng trưng cho ngũ phúc: Khoái lạc, hạnh phúc, trường thọ, thuận lợi, hòa bình, lại hợp âm dương ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hoả - Thổ. 

Cũng như Thảo, nhiều bạn trẻ khác, cả nam và nữ có chung mong muốn sẽ tự tay “hóa phép” các sợi len thành sản phẩm trang trí nhà trong dịp Tết. Bạn Nguyễn Thùy Dung (Q.1, TPHCM) khoe bức tranh làm từ len, đã được Dung “tăng tốc” hoàn tất để kịp treo trong nhà.

Từ bức tranh phong cảnh đã cũ, Dung giữ lại bộ khung, đóng đinh và đan len qua lại tạo thành nền rồi đính lên trên những bông hoa đỏ rực rỡ tượng trưng cho may mắn với chiếc khuy xinh xắn ở giữa giả làm nhụy. Dung sử dụng len xù màu xanh nước biển, đan thành những lọn mây trên trời xanh. Sau khoảng 2 tuần chăm chút, bức tranh Tết đã hoàn thành trong sự mãn nguyện của chủ nhân. Không gian nhà Dung bỗng trở nên mới lạ, đẹp mắt.

img_1342.JPG
Các sản phẩm đào hồng, mai vàng làm từ len
img_0617.JPG

Theo Đào Thủy Quỳnh (sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội), nếu như trước kia, bạn trẻ thích thêu chữ thập với các chữ Phúc, Lộc, Thọ, hình Công, Phượng… đón Tết thì năm nay, nhiều bạn lại đang chuyển hướng sang móc len. Chỉ với những sợi dây len nhiều màu cùng kim móc và đôi bàn tay khéo léo, bạn trẻ có thể thỏa sức sáng tạo ra rất nhiều sản phẩm handmade lạ mắt khác nhau.

Đó có thể là nhành hoa Đào phai, hoa Mai vàng, búp bê, dây đeo tay trang trí, vòng cổ may mắn, hay đặc biệt là hình chú gà con xinh xắn để làm quà mừng tuổi cho người thân, bạn bè lấy phước vì năm nay là năm Đinh Dậu. Đặc biệt, đồ len khá “lành”, nên gia chủ có thể thoải mái trưng ở mọi không gian trong nhà và cũng dễ dàng chọn nguyên liệu làm nên sản phẩm theo màu sắc yêu thích, hợp “mệnh” như đỏ, vàng, xanh…

Muốn có sắc xuân trong nhà, bạn trẻ không nhất thiết phải chơi hoa thật. Từ năm ngoái đến giờ, qua hơn 300 ngày mà chậu hoa Đào Quỳnh tự móc vẫn luôn khoe sắc. Năm nay, Quỳnh quyết định sẽ móc tiếp chậu hoa lan trắng nhỏ xinh, bày trên bàn tiếp khách bên cạnh giỏ hoa quả, hộp mứt Tết đỏ… chắc chắn sẽ rất sinh động và độc đáo, không lo đụng hàng như cắm hoa tươi.

Càng gần Tết, càng bận rộn móc hoa

Ở TPHCM, rất nhiều bạn trẻ biết tới lớp dạy đan móc và các sản phẩm từ len đan của chàng trai Hoàng Quang (quê Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Tuổi thơ của Quang là những tháng ngày đắm mình với các món ăn dân dã, bình dị của miền Tây Nam bộ. 

img_5270.JPG
Ngày còn nhỏ, Quang thường mon men vào bếp xem mẹ nấu ăn, không ngờ niềm đam mê đó lại lớn dần trong suy nghĩ.
135.JPG
 Tốt nghiệp THPT, Quang trở thành sinh viên ngành kỹ thuật nữ công - khoa công nghệ may và chế biến thực phẩm, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật. Trong một chuyến du lịch Đà Lạt, khi ngang qua quầy hàng móc len sợi của một bà cụ ven đường, trong đầu Quang chợt nảy ra ý nghĩ, tại sao mình không thử sáng tạo thật nhiều sản phẩm từ những sợi len.

Với vốn kiến thức “nữ công” đã học ở trường, Quang không ngừng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi từ sách báo trong và ngoài nước để tìm ra kỹ thuật móc len sợi từ chất liệu đơn thuần là len sợi đến cotton để sản phẩm làm ra phù hợp với khí hậu Việt Nam.

Bây giờ, Quang đã trở thành “phù thủy” móc hoa len với nhiều sản phẩm khác nhau như hoa cắm trang trí, thú và búp bê, sản phẩm thời trang, sản phẩm trang trí nội thất…

img_3459.JPG
img_3389.JPG
 Hoàng Quang và các học viên lớp móc.
img_3466.JPG

Quang cho biết, vào dịp Tết, trong mỗi gia đình Việt Nam đều được trang hoàng với hoa, đặc biệt là hoa Đào, hoa Mai, hoa cúc Vạn thọ… Do xu hướng hiện nay, không gian sống ngày một nhỏ lại và ngày Tết nhiều gia đình đi chơi xa, không có thời gian chăm sóc hoa thật nên lựa chọn bình hoa móc len là tối ưu và kinh tế, đồng thời hoa len cũng đạt thẩm mỹ cao.

Vì thế, từ trước Tết nhiều tháng, Quang đã phải sản xuất dự trữ trước các sản phẩm hoa len mới đáp ứng đủ lượng tiêu thụ hoa của khách hàng gấp nhiều lần bình thường. Giá mỗi bình hoa móc trung bình khoảng vài trăm ngàn đồng, không quá cao lại chơi được rất lâu, không lo héo, hỏng nên được nhiều người ưa chuộng, tìm mua trước mỗi dịp Tết và trong các dịp đặc biệt khác.

* Khi coi móc len sợi là nghề, thì dù nam hay nữ đều sẽ cố gắng làm tốt công việc của mình. Móc len sợi là môn học kỹ năng, làm nhiều sẽ quen tay nhưng không phải ai cũng có đủ niềm yêu thích, tính nhẫn nại, kiên trì chăm chút từng mũi móc.

* Móc len để tạo được tác phẩm đạt giá trị nghệ thuật cần 3 yếu tố là bố cục cân đối, màu sắc hài hòa và mũi móc phải đồng đều, mềm mịn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn