Thấu hiểu và chấp nhận sự khác biệt của 'những đứa trẻ không bình thường'

10:51 | 06/09/2018;
Hầu hết cha mẹ đều muốn những đứa trẻ mình sinh ra đều được bình thường về mặt sinh lý cũng như tâm lý để dễ dàng hòa nhập và thiết lập các mối quan hệ với mọi người, nhất là đối với các bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế rằng đâu phải tất cả mọi người đều có ngoại hình, nói năng hoặc hành động giống nhau.
Có trẻ mắc chứng khó đọc, khó viết, khó tính toán...; có vấn đề về thể chất và tâm lý, thị giác hoặc thính giác kém, có khuynh hướng giới tính khác biệt... nên chúng đã có những hành vi thể hiện ra ngoài “không giống ai”. Vì thế, nếu bậc cha mẹ nào có con mang những biểu hiện như thế, cần thấu hiểu để giúp chúng vượt qua nỗi cô đơn, lo lắng, để tìm thấy niềm vui và thành công trong cuộc sống.
 
150119125804-fail-03-full-169.jpg
Ảnh minh họa

 

Cậu bé Đan Khôi lên 7 tuổi (Bình Thạnh, TP.HCM) đi học luôn bị bạn tẩy chay vì có những biểu hiện kỳ cục, hay giật đồ của bạn mà không nói năng gì, tự nhiên đang ngồi chơi với bạn lại khóc la ầm ĩ... Vì những hành vi khác người đó nên Khôi mặc dù học tập các môn ở lớp không đến nỗi nào nhưng thường bị bạn bè hắt hủi, xa lánh. Cô giáo dù rất cố gắng giúp em hòa nhập với các bạn nhưng chỉ được một lúc là đâu lại vào đó, Khôi chỉ biết thu mình ngồi một góc lớp trông rất đáng thương.
 
Tuy nhiên, phụ huynh bé Đan Khôi rất băn khoăn vì con luôn tránh né các mối quan hệ, sẵn sàng gây chuyện với bất cứ ai muốn đến gần. Dường như Khôi luôn tỏ ra khó chịu và gắt gỏng, luôn cố tình làm cho người khác phải tránh xa vì những hành vi lập dị.
 
Để kéo một đứa trẻ có biểu hiện thu mình, chỉ biết yêu bản thân, có những hành vi khiến bạn bè đồng trang lứa ngại đến gần là một quá trình lâu dài, cha mẹ cần hết sức kiên trì và có phương pháp khéo léo, phù hợp. Dưới góc độ tâm lý trẻ em, với những đứa con có hành vi khác biệt, cha mẹ cần tuân thủ một số khâu tác động sau đây:
 
Luôn gần gũi và đồng cảm với trẻ: Đối với một đứa trẻ có nhiều hành vi khác biệt, luôn rất cần sự chia sẻ và đồng cảm từ phía gia đình. Chẳng hạn nói với trẻ rằng: “Mẹ biết con chán nản là mình khó làm cho tất cả hài lòng, con lại là một đứa trẻ cá tính nên việc gần gũi với các bạn là có khó khăn. Con sẽ còn gặp nhiều trở ngại nữa nhưng mẹ con mình hãy cùng nhau cố gắng”; “Khi đến gần các bạn, con hay quát tháo ầm ĩ, con chưa tuân theo luật chơi, nếu con muốn các bạn quý mến và chia sẻ với con, con cần phải ứng xử nhẹ nhàng hơn”.
 
a1.jpg
Ảnh minh họa

 

Thường xuyên nói với trẻ rằng, cha mẹ luôn cổ vũ cho những sự thay đổi tích cực của con và con luôn có được sự yêu thương, nâng đỡ vô điều kiện.
 
Vun đắp sở trường của trẻ: Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có những thế mạnh của bản thân, cha mẹ hãy phát hiện sớm và bồi dưỡng để con phát triển những tiềm năng của mình. Hãy quan tâm đến những điểm nổi bật của trẻ, nuôi dưỡng và vun đắp để nó trở thành một hướng đi cho con bạn tạo được thiện cảm và sự ghi nhận của càng nhiều người càng tốt.
 
Khi trẻ khẳng định được tài năng, trẻ sẽ tự tin hơn khi hòa nhập với mọi người. Đó cũng là cơ hội để trẻ thiết lập mối quan hệ với người khác thuận lợi hơn.
 
Rèn cho trẻ kỹ năng hòa nhập: Cho dù trẻ có muốn làm cho mình càng khác biệt so với bạn bè thì cha mẹ cần nói cho trẻ hiểu việc để mọi người xa lánh, tẩy chay thật là đáng buồn. Hãy chú ý ấn tượng về cách ứng xử và trang phục bên ngoài là hai điều cần cùng trẻ thay đổi cho phù hợp.
 
4abb1d7347ea296aa19a5554d3cda833-39590.jpg
Ảnh minh họa

 

Một đứa trẻ cá tính, luôn muốn tạo sự khác biệt so với người khác suy cho cùng chẳng có gì sai nhưng cha mẹ dạy cho trẻ kỹ năng hòa nhập là điều nên làm để trẻ có thể phát triển một nhân cách toàn diện về mặt thể chất cũng như tâm hồn.
 
Cho con được tham gia các mối quan hệ trong cộng đồng: Nhiều nghiên cứu tâm lý trẻ em cho thấy, những đứa trẻ có biểu hiện cá tính, lập dị thường vướng phải các trở ngại nghiêm trọng trong cuộc sống, chẳng hạn kỹ năng giao tiếp hạn chế, mắc chứng khó học các môn,... Chúng sẽ mạnh dạn hơn nếu có cơ hội tham gia các hoạt động từ thiện trong xã hội. Gia đình nên cho trẻ tham gia cùng với một số trẻ có những điểm khác biệt về tính cách, hành vi... Từ đó, trẻ sẽ nhận ra những bất lợi khi có những hành vi dị biệt.
          
Dạy con qua những tấm gương: Dù có tính cách khác biệt nhưng trẻ vẫn luôn được cha mẹ yêu thương và che chở. Không cổ xúy cho hành động khác biệt, nhưng cha mẹ luôn thể hiện lòng bao dung, độ lượng bằng cách chấp nhận tất cả mọi điểm mạnh và hạn chế của con. Cha mẹ khéo léo kể chuyện và lồng những tấm gương những người vốn có những hành vi dị biệt, nhưng đã biết thay đổi để hòa nhập và đã gặt hái những thành công trong cuộc sống.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn