Chúng ta thường xuyên nói về bình đẳng giới, thế nhưng việc thực hiện điều này rất mờ nhạt. Bất bình đẳng giới còn tồn tại rất nhiều trong xã hội. Có 2 mức nhận thức về bình đẳng giới. Đó là hiểu được bản chất của bình đẳng giới và thực hiện bình đẳng giới trong cuộc sống một cách thường xuyên, lâu dài. Nhiều người hiểu được lý thuyết như phải chia sẻ với phụ nữ, tôn trọng phụ nữ nhưng không thực hiện được.
Điều này được thể hiện rất rõ trong gia đình. Trong phim ảnh, quảng cáo và trong nhiều gia đình luôn là hình ảnh người vợ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, làm việc nhà, còn người chồng ngồi xem ti vi, đọc báo. Đặc biệt, hình ảnh này xuất hiện nhiều trên truyền thông càng củng cố định kiến giới.
Bình đẳng giới nghĩa là sự sẻ chia công việc trên cơ sở phù hợp với năng lực chuyên môn và sức khoẻ của từng người (không phân biệt là nam hay nữ). Trong gia đình, vợ và chồng cùng nhau nấu cơm, làm việc nhà. Nếu vợ nấu cơm thì chồng, con nhặt rau, bóc tỏi, rửa bát... Không có chuyện vợ giỏi nấu cơm thì việc bếp núc đều đến tay vợ, còn chồng ngồi chơi, chờ đến giờ ăn. Vợ và chồng đều có thể làm công việc của nhau, đều có thể quét nhà, dạy con học... Không có chuyện dạy con học chỉ là việc của người mẹ. Người mẹ giỏi môn nào thì có thể đảm nhiệm việc dạy con môn học đó. Người bố cũng như vậy.
Hay trong một số gia đình, việc con dâu về nhà chồng không biết làm việc nhà thì được gọi là không bình thường, là vô giáo dục, là không chấp nhận được. Trong dịp Tết, người phụ nữ vô cùng vất vả với việc mua bán, dọn dẹp, trang trí nhà cửa, lo làm cỗ... Lẽ ra, người đàn ông, những đứa con đều phải tham gia những công việc này cùng người phụ nữ. Hoặc việc phân chia tài sản ở nhiều gia đình cũng thể hiện định kiến giới. Nhiều gia đình không chia hoặc chia rất ít tài sản cho con gái. Phần lớn tài sản, họ dành cho con trai.
Để thay đổi định kiến giới, giáo dục từ trong gia đình là rất quan trọng. Ngay từ khi còn nhỏ, đứa trẻ phải được sống trong môi trường gia đình bình đẳng. Ở đó, bố mẹ là tấm gương để con nhìn vào. Bố chia sẻ công việc nhà với mẹ. Bố tôn trọng mẹ. Bên cạnh đó, giáo dục nhà trường cũng rất quan trọng. Có thể đưa vấn đề bình đẳng giới vào môn Giáo dục công dân để dạy học sinh. Đặc biệt, ở trường, thầy cô phải hiểu và dạy cho học sinh rằng bạn nam và bạn nữ đều công bằng trong mọi việc.
Ngoài ra, truyền thông cũng là một yếu tố quan trọng để thay đổi định kiến giới. Thực tế, trong nhiều cuộc phỏng vấn, không ít nhà báo vẫn có những câu hỏi mang tính định kiến giới như: "Tại sao chị là phụ nữ mà chị vẫn có thể làm tốt công việc này?"...
Khi cả nam và nữ đều hiểu và thực hành bình đẳng giới thì chủ đề này mới thực sự bền vững. Đặc biệt, phụ nữ, thường được coi là bên bị ảnh hưởng bởi bất bình đẳng, khi hiểu được quyền của mình, giá trị của bình đẳng giới, họ sẽ mạnh mẽ hơn trong việc đòi quyền được đối xử bình đẳng và sẽ không chấp nhận sự bất bình đẳng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn