Viện nghiên cứu y khoa Burkina Faso (RIHS) do Giáo sư sinh học Abdoulaye Diabate đứng đầu đang phát triển một kỹ thuật mới nhằm quét sạch các loài muỗi truyền bệnh, đặc biệt là sốt rét, bằng cách thay đổi gene của muỗi đực.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt rét là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Burkina Faso, nơi gần như toàn bộ 22 triệu dân, đặc biệt là trẻ em, có nguy cơ mắc bệnh. Dữ liệu gần đây từ văn phòng khu vực châu Phi của WHO cho thấy, bệnh sốt rét đã giết chết gần 19.000 người ở Burkina Faso vào năm 2021. Để đối phó với căn bệnh này, GS. Abdoulaye Diabate cùng các cộng sự đã tạo ra công nghệ chỉnh sửa gene. Thông thường, bệnh sốt rét lây truyền qua vết cắn của muỗi Anopheles cái bị nhiễm bệnh còn muỗi đực thì không, nên chỉnh sửa gene cho muỗi đực là có ý nghĩa. Với công nghệ gene, các loài muỗi cái truyền bệnh sẽ không thể sinh sản sau khi người ta thả những con đực đã được chỉnh sửa gene vô sinh vào môi trường. Từ đó, quần thể muỗi cái sẽ bị suy giảm và việc truyền bệnh sốt rét sẽ dừng lại.
Trước RIHS, có nhiều nơi thử nghiệm công nghệ này như Oxitec của Mỹ nhưng chỉnh sửa gene ở muỗi cái làm cho muỗi cái Aedes aegypti truyền bệnh sốt vàng da, virus sốt xuất huyết và zika chết. Hoặc năm 2016, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế triển khai kỹ thuật sử dụng tia X để khử trùng muỗi đực ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribe, nhằm giảm khả năng sinh sản của muỗi cái truyền virus Ebola.
Nghiên cứu của Diabate là một trong những nghiên cứu đầu tiên sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene để nhắm mục tiêu vào muỗi đực và được ứng dụng ngay tại châu Phi, nơi được xem là "rốn sốt rét".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn