Bá Thước là một trong những huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Nhờ sự quan tâm của các ban, ngành nên cơ sở vật chất của trường học nơi đây đang dần được cải thiện. Theo ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng Giáo dục huyện Bá Thước, Thanh Hóa cho biết: "Toàn tỉnh Thanh Hóa có 62 thầy là giáo viên mầm non. Riêng huyện Bá Thước có lượng giáo viên mầm non là nam, chiếm tỉ lệ cao nhất tỉnh Thanh Hóa, hiện nay là 18 thầy. Việc có thêm các thầy trong trường, cũng là nâng cao nhận thức cho những người làm công tác giáo dục cần xóa bỏ định kiến giới. Đó là điều mà tôi thấy rất cần thiết".
Ông Nhiên chia sẻ, có nhiều thầy rất gắn bó với nghề như thầy Lương Văn Sắng với 33 năm (Trường mầm non Văn Nho); thầy Hà Văn Hặc với 31 năm (trường mầm non Văn Nho); thầy Hà Văn Đức với 28 năm (Trường mầm non Kỳ Tân); thầy Trịnh Hồng Quân - Hiệu trưởng Trường mầm non Thành Sơn với 17 năm công tác; thầy Bùi Văn Anh với 5 năm (Trường mầm non Hạ Trung); thầy Lê Văn Toàn với 4 năm (Trường mầm non Điền Hạ)…
Khó khăn ở bậc mầm non không chỉ là dạy, mà còn phải nuôi dưỡng và chăm sóc từng việc ăn, ngủ, chải tóc, quần áo, vệ sinh cho các cháu ... Việc nào cũng cần giáo viên phải theo sát. "Tâm của mình trong sáng, tâm của mình yêu thương trẻ giống như với con của mình, thì mình cảm giác công việc này cũng giống như dạy cấp học phổ thông. Giải tỏa được tâm lý thì sẽ gắn bó được với nghề", thầy Bùi Văn Anh chia sẻ.
Nhiều gia đình nghèo còn thuộc diện khó khăn, nên các thầy phải vất vả đến tận nhà để vận động và giúp đỡ để đưa nhiều bé đến lớp. "Các thầy nhiệt tình còn làm được việc khó khăn hơn như vậy, thì tại sao mình không làm được. Khó đến mấy cũng phải đưa các con đến trường để có con chữ, không có chữ thì khổ lắm", chị Hà Thị Công, phụ huynh người dân tộc Mường chia sẻ. Do không có phương tiện đi lại, xa trường, từ trường về nhà phải đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ, để đỡ vất vả đi lại nên một số phụ huynh gói cơm theo để ăn trưa. Đợi đến chiều, con học xong, đưa con về.
Thầy Trịnh Hồng Quân, 17 năm công tác - Hiệu trưởng Trường mầm non Thành Sơn cho biết: "Khi đăng ký dự thi, tôi vào phòng thi, liền bị giám thị đuổi ra ngoài. Chắc là giám thị tưởng là các thành phần nào ở ngoài đi vào phòng thi để quấy rối. Lúc đấy, tôi phải lấy thẻ dự thi ra thì giám thị hành lang mới cho vào".
Còn thầy Bùi Văn Anh, 5 năm công tác ở Trường Hạ Trung chia sẻ: "Ngày trước đi học, các bạn trêu mình là bông hoa kỳ dị nhất. Có người thì hỏi, sao đàn ông sức dài, vai rộng lại đi chọn cái nghề này?"
Thầy giáo Lương Văn Sắng, 33 năm công tác, Trường mầm non Văn Nho chia sẻ: "Mình bỏ qua cái sự gièm pha, chế giễu để chấp nhận đến dạy học cho các cháu. Ngày đó rất nhiều người đang còn thất học, đặc biệt là các cháu ở lứa tuổi mẫu giáo chưa hề được đi học".
Giáo dục mầm non là vất vả nhất, so với các bậc học và lương cũng thấp nhất. Chính vì vậy, ngoài giờ dạy, các thầy thường tranh thủ làm thêm các nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập như chuyển cá tươi, cá khô...
"Không có việc đồng áng, không có việc chăn nuôi thì khả năng không ổn định được cuộc sống. Mình đã chọn nghề rồi, nghề cũng chọn người, biết thế nào là đủ thì sẽ tự khắc vui", thầy Bùi Văn Anh chia sẻ.
Vượt qua đinh kiến giới bằng trái tim nhiệt huyết, tinh thần học tập không ngừng nghỉ, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Những người thầy như thế đã tạo ra động lực, để các em học sinh nghèo vùng cao nơi đây kiên trì tới trường lớp, tiếp thu kiến thức để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Thực tế vẫn còn hiện tượng định kiến về giới trong bộ phận người dân, kể cả cán bộ công chức, viên chức Nhà nước. Ngành Giáo dục không phải ngoại lệ khi nhiều người "mặc định" cho rằng nam giới không thể dạy hát, dạy múa, cũng như sợ các thầy không biết chăm trẻ"
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ GD&ĐT
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn