Những đứa trẻ đầu trần, chân đất làm quen với viên phấn, bút chì
Là một trong những điển hình cá nhân gây nhiều ấn tượng đẹp đẽ, ấm áp và nhận được nhiều cảm phục của các đại biểu trong Đại hội thi đua quyết thắng lực lượng Bộ đội Biên phòng lần thứ IX giai đoạn 2014 - 2019 vừa tổ chức tại Hà Nội, Đại uý Phục cười tươi: "Đợt này tôi đang được đơn vị cấp trên tạo điều kiện cho đi học nâng cao nghiệp vụ 6 tháng, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tôi kết thúc khoá học này rồi. Mỗi lần học trò gọi điện hay nhắn tin hỏi thăm, có cả hờn dỗi vì lâu tôi không về đứng lớp, nghĩ mà thấy xót lòng, tôi không nỡ lòng xa các em, xa lớp học đầy yêu thương ấy".
Đại uý Phục cho biết, Hòn Chuối là một hòn đảo cách đất liền khoảng 18 hải lý. Ở đây có 54 hộ/173 khẩu, trong đó có 08 hộ/20 khẩu là người dân tộc Khmer sinh sống. Có 3 lực lượng đứng chân đó là: Đồn Biên phòng Hòn Chuối, Trạm Ra đa 615 Hải Quân và Trạm Hải Đăng. Trên đảo không có điện, đường, trường, trạm và nước ngọt sinh hoạt, đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, đặc biệt là trẻ em không được đến trường tiếp cận với con chữ. Từ thực trạng trên, thực hiện chủ trương của Đảng ủy - Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và cấp ủy, chỉ huy đơn vị về việc nâng cao chất lượng trường lớp, xóa mù chữ cho trẻ em nghèo trên đảo. "Tôi xung phong kế thừa những đồng chí trước đó, tham gia tổ chức thực hiện và đứng lớp giảng dạy".
Cho đến bây giờ, Đại uý Phục vẫn nhớ ngày đầu tiên đứng lớp dịp hè năm 2009, thầy bỡ ngỡ, trò lại càng bỡ ngỡ hơn từ viên phấn đến cây thước kẻ, bút chì… tất cả đều lạ lẫm với những đứa trẻ chỉ quen đầu trần, chân đất. "Ban đầu, lớp học chỉ có vài em theo học, tôi cùng đồng đội phải mất gần một năm kiên trì mới vận động được hết tất cả các em trong độ tuổi đến trường trên đảo theo lớp học" - Đại uý Phục nhớ lại.
Thêm nữa, phòng học thì tạm bợ, xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Mùa khô thì nắng nóng như đổ lửa, mùa mưa thì trong lớp cũng như ngoài trời do bị dột nát, cơ sở vật chất thiếu thốn. Đại uý Phục tâm sự: "Lúc ấy, đại đa số các em đều không biết đọc, biết viết, độ tuổi, nhận thức không đồng đều… nhưng bằng niềm tin, ý chí, nghị lực và trách nhiệm của một người lính, cũng như sự quan tâm, động viên của cấp ủy, chỉ huy đơn vị, tôi xác định rằng: Việc dạy chữ gắn liền với việc xây dựng phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tạo sự đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa nhân dân với lực lượng Bộ đội Biên phòng. Vì vậy, tôi càng quyết tâm hơn, trước hết tập trung điều chỉnh, chia lớp học thành nhiều nhóm khác nhau trong cùng một gian phòng, soạn giáo án giảng dạy và lớp học ghép cũng được bắt đầu hình thành từ đó".
Cảm phục trước sự hy sinh thầm lặng của người phụ nữ ở quê nhà
Đại uý Trần Bình Phục vui vẻ kể: "Năm đầu, tôi vừa dạy chữ và tập trung khắc phục, sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất trong lớp và dần dần lớp học đi vào nề nếp ổn định hơn. Để đến được lớp, các em hàng ngày phải leo 303 bậc thang dốc thẳng đứng, điều kiện địa hình thời tiết khắc nghiệt, các em đi lại không đảm bảo an toàn, nhất là vào mùa mưa. Chính vì vậy, tôi phải chủ động đến tận nhà ở để đón các em đi học và đưa về sau những buổi tan trường". "Để các em có điều kiện tham gia học tập, tôi đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm ủng hộ về cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, tặng quần áo, sách vở, dụng cụ học tập trị giá hàng chục triệu đồng" - Đại uý Phục bộc bạch tâm huyết của mình dành cho học trò.
Vậy là đến năm 2016, được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí vận động của Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Cà Mau, sự giúp sức của lực lượng Thanh niên tình nguyện, ngôi trường trị giá 500 triệu đồng được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết cơ bản trường và lớp học trên đảo.
Đại uý Phục cho biết: Với sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và tình thương, trách nhiệm của bản thân, trong nhiều năm qua, lớp học được duy trì đều đặn, hiệu quả. Các em theo học tăng từng năm (Tổng số có 44 em theo học). Hiện tại còn 23 em với nhiều lớp khác nhau cụ thể: có 01 em lớp 7; 02 em lớp 6; 04 em lớp 5; 02 em lớp 4; 02 em lớp 3; 01 em lớp 2 số còn lại là lớp 1 và tập làm quen với chữ cái. Đến nay có 100% các em trong độ tuổi đến trường đều được đi học, biết đọc, biết viết. Cũng từ lớp học nơi đảo xa này, đã có 21 em được chuyển vào đất liền để tiếp tục học tập, đặc biệt có 04 em đã tốt nghiệp Đại học ra trường và có việc làm ổn định, đó là những tấm gương để các em còn lại noi theo.
Khi được hỏi những khó khăn hiện nay, Đại uý Phục chẳng nói gì về hoàn cảnh của mình, mà chỉ lo lắng với mối duyên với học trò nghèo trên đảo: "Mấy tháng nay không được đứng lớp dạy các trò, thấy nhớ, thấy thương các bé quá. Dẫu đơn vị đã cử người khác thay, nhưng tình thầy trò chúng tôi gắn bó từ ngày đầu đến nay, làm sao dễ phai được?". "Nếu có một ước mơ, nếu được Thủ trưởng giao nhiệm vụ tiếp tục đứng lớp cho các em sau đợt đi học này, tôi lại muốn được về với các em, được truyền dạy từng cái chữ, bài toán đến cho các em trên đảo nhỏ. Tôi muốn nhìn thấy các em trưởng thành hơn nữa từ những con chữ của tôi" - Đại uý Phục nghẹn ngào, cay cay khoé mắt trong niềm tự hào của người lính mang quân hàm xanh đầy tâm huyết và tình yêu thương dành cho các em nhỏ.
Đã nhiều lần được cấp trên vinh danh với thành tích thầy giáo quân hàm xanh của mình, nhưng Đại uý Phục vẫn bộc bạch: "Để tôi có được ngày hôm nay, có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, sau lưng tôi chắc chắn có bóng dáng gia đình làm chỗ dựa rất lớn về tinh thần. Với tôi, dù là mẹ, là vợ, là con, nhưng người phụ nữ quanh tôi đều rất thiệt thòi khi có chồng, con là bộ đội, nhất là như tôi lại làm nhiệm vụ biên phòng ở đảo xa nhưng nhờ những người phụ nữ này, chúng tôi mới vững bước mỗi ngày ở biên giới, hải đảo".
Đại uý Phục giải thích thêm: "Dẫu chúng tôi có chịu bao gian khổ, khó khăn, hy sinh... khi làm nhiệm vụ, nhưng cũng không so sánh được với sự hy sinh thầm lặng của người phụ nữ ở quê nhà. Bởi với chúng tôi, hy sinh vì đất nước, vì người dân là trách nhiệm của người lính ở biên giới, hải đảo, còn sự hy sinh của người phụ nữ quê nhà chẳng thể nào đo đếm. Nhờ có sự động viên, khích lệ, tình cảm sẻ chia của người phụ nữ ở quê nhà luôn làm chúng tôi ấm lòng, là sức mạnh để chúng tôi vững chắc tay súng, chiến đấu vì sự bình yên của đất nước".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn