Thầy giáo ở TPHCM gợi ý kinh nghiệm luyện thi và cấu trúc đề Toán vào lớp 10

22:58 | 01/03/2023;
Ngoài việc học những kiến thức ở trường với các dạng đề ôn tập theo hướng ra đề cũ, học sinh nên chủ động tìm và đọc thêm những kiến thức liên quan đến thực tiễn áp dụng trong cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2023 dự kiến sẽ diễn ra vào các ngày 6 và 7/6. Trước đó, TPHCM đã ban hành cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10. Học sinh vẫn thi 3 môn Toán, Ngữ văn (mỗi môn 120 phút) và môn Tiếng Anh (90 phút). Kết quả thi là tổng điểm 3 môn không nhân hệ số. So với kỳ thi năm trước, cấu trúc và độ phân hoá đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 cơ bản không thay đổi. 

Năm nay, TPHCM có hơn 100.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được tổ chức với mục tiêu tuyển khoảng 70% học sinh vào học lớp 10 THPT công lập, 30% còn lại sẽ được phân luồng theo các hướng như THPT ngoài công lập, trung tâm GDTNN-GDTX, trường cao đẳng, trung cấp nghề…

Để đạt được kết quả thi tốt nhất trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới, các bạn học sinh chắc chắn sẽ cần trang bị cho mình đầy đủ kiến thức cơ bản về các môn thi. Tuy nhiên, kiến thức thôi là chưa đủ, muốn điểm số cải thiện hiệu quả, cần phải có phương pháp ôn luyện hợp lý. 

Với riêng môn Toán, theo thầy Đặng Hoàng Dư, giáo viên ở TPHCM, học sinh cần học chắc, nắm vững kiến thức trên lớp kết hợp với những dạng Toán có trong đề thi tuyển sinh lớp 9 lên 10 để rèn luyện ngay từ đầu.

Thầy giáo ở TP.HCM gợi ý kinh nghiệm luyện thi và cấu trúc đề Toán vào lớp 10 - Ảnh 1.

Thầy Đặng Hoàng Dư.

Thầy Dư khuyên học sinh nên tranh thủ thời gian ôn tập những bài tập trong sách giáo khoa, rèn luyện bài ở nhà ít nhất 1 giờ mỗi ngày. Nên có sổ tay hệ thống kiến thức phần công thức Hình học và Đại số và những kinh nghiệm kĩ năng cần có để kỳ thi tuyển diễn ra suôn sẻ.

Đồng thời, học sinh nên tranh thủ rút gọn chương trình sách giáo khoa lớp 9, tổ chức tự luyện đề ở nhà từ tầm giữa tháng 3 đến thi ít nhất tầm 2 tháng. Lúc này, các em sẽ quen với các dạng Toán có trong đề thi tuyển, rút ra được nhiều kinh nghiệm và tự cũng cố những sai sót khi làm bài.

Ngoài việc học những kiến thức trên trường với các nội dung ôn tập theo hướng ra đề cũ, học sinh nên chủ động tìm và đọc thêm những kiến thức liên quan đến thực tiễn áp dụng trong cuộc sống. Thầy Dư cho rằng, đó là cách ra đề của Sở GD-ĐT TPHCM trong các năm gần đây.

Cấu trúc đề thi môn Toán 3 năm gần nhất

Thầy Dư chỉ ra cấu trúc 3 năm gần đây nhất theo chương trình mới của Sở để học sinh tham khảo:

Đề thi gồm 8 câu:

Câu 1 (1,5 điểm): Nghiêng về phần kĩ năng xử lý nhanh.

Vẽ Parapol (P) và đường thẳng d trên cùng hệ tọa độ.

Tìm tọa độ giao điểm của đường thẳng d và parabol (P) (thường cho nhất).

Tìm điểm hoặc viết phương trình đường thẳng...

Câu 2: (1,0 điểm) Cho phương trình bậc 2. Tính giá trị biểu thức theo vi ét (thường cho).

Biện luận m để phương trình có nghiệm thỏa yêu cầu bài Toán (ít cho).

Câu 3: (1,0 điểm) Toán thực tế áp dụng công thức cho sẵn (từ thực tiễn có trên các phương tiện báo đài)...

Câu 4: (0,75 điểm) Các bài Toán về mua sắm thực tế liên quan đến %, giúp học sinh rèn luyện được tư duy thực tiễn từ bài học vào cuộc sống (giảm giá, khuyến mãi...), Toán lãi suất ngân hàng...

Câu 5: (1,0 điểm) Dạng Toán về dữ liệu hàm số y = ax +b. (Xây dựng các bài toán thực tế liên quan đến xác định hàm số y = ax +b và đi tính toán những giá trị tương ứng)

Câu 6: (1,0 điểm) Dạng Toán liên quan đến bài hình không gian (Khối nón, khối trụ, khối cầu, hình hộp, hình chóp...). Dạng Toán này học sinh chỉ cần nắm được công thức và thay số.

Câu 7: (0,75, điểm) Đề sẽ cho những dạng Toán về tư duy, logic (đây là dạng câu hỏi phân loại). Học sinh chỉ cần nắm kiến thức và đọc kĩ đề thì hoàn toàn có thể làm được bài thi.

Câu 8: (3,0 điểm) Hình học gồm 3 câu a, b, c mỗi câu có 2 ý, mỗi ý là một câu nhỏ. Dạng đề thường là chứng minh tứ giác nội tiếp, chứng minh vuông góc song song, và đẳng thức theo yêu cầu bài Toán.

Tóm lại:

Muốn làm bài thi đạt kết quả cao nhất, theo thầy Dư, học sinh cần:

1. Phải ôn thi thật sớm chuẩn bị trước chứ không để gần thi mới ôn sẽ không kịp.

2. Phải nắm vững cấu trúc ôn thi THPT 9 lên 10 theo tham vấn ở trên.

3. Có một chiến thuật ôn thi, làm bài thi vững vàng và kinh nghiệm kĩ năng giải đề.

4. Tham khảo thêm các nguồn tài liệu từ trên mạng báo đài...

5. Cần có chế độ và thời gian học tập tổ chức ôn thi hợp lý nhất có thể.

6. Không được chủ quan học tủ.

7. Khi kết thúc phần làm bài thi đừng vội nộp bài mà hãy cẩn thận xem lại từng câu và từng phép Toán, kiểm tra thật kĩ bằng máy tính casio trong từng phép Toán dù là đơn giản nhất.

8. Đem đồng hồ canh phân bố thời gian thi một cách hợp lý để tránh việc không kịp thời gian.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn