Thầy Văn Như Cương trong mắt đồng nghiệp

19:05 | 18/11/2017;
Nhắc đến những ký ức về thầy Văn Như Cương, đồng nghiệp đều không cầm được nước mắt. Rất nhiều kỷ niệm khiến họ không thể nào quên. Trên hết, họ khắc cốt ghi tâm những điều mà thầy truyền thụ, coi đó như là “kim chỉ nam" trong sự nghiệp trồng người.

20/11 đầu tiên không có thầy…

Bên lề triển lãm “Dấu ấn” diễn ra sáng 18/11 ở trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều, Hà Nội), chúng tôi được gặp và lắng nghe nhiều câu chuyện đầy cảm xúc của các đồng nghiệp đã đồng hành cùng cố nhà giáo Văn Như Cương trong một thời gian dài. Họ là người đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng và làm nên thương hiệu ngôi trường danh tiếng này.

Cứ nhắc đến thầy Cương là cô Nguyễn Kim Cúc lại chực trào nước mắt. Những ký ức cô kể về thầy cũng vì thế mà bị ngắt quãng do không ít lần nữ giáo viên cố gắng kìm nén xúc động. Bởi đây là năm đầu tiên, cô và đồng nghiệp đón 20/11 mà không có thầy ở bên…

Cô Nguyễn Kim Cúc nhận lời mời của thầy Cương về làm việc tại trường cách đây 28 năm, khi trường vừa thành lập và cũng là thời điểm cô đang dạy môn Địa lý ở trường THPT Kim Liên (Hà Nội). Trường Kim Liên khi ấy rất nổi danh, nên việc thay đổi công việc, với cô Cúc mà nói là một quyết định khá ngoạn mục. Tuy nhiên, cảm giác ban đầu hoàn toàn xóa bỏ, thậm chí với nữ giáo viên, được làm việc cùng thầy Cương là sự may mắn lớn.

Cô Nguyễn Kim Cúc (cầm micro) hồi tưởng về cố nhà giáo Văn Như Cương. Ảnh: D.H

“Mỗi giờ dạy của thầy đều có thể gọi là bùng nổ vào thời đó. Thầy để cho học sinh tự do phát triển tài năng, trí tuệ, thúc đẩy các em tranh luận về cách giải toán một cách bình đẳng. Thầy còn rất thích đá bóng nữa! Tôi nhớ, mỗi lần thầy ra sân hò hét, chạy nhảy trên sân cùng học trò, lúc đó thầy như bạn của các em vậy!” - nữ giáo viên hồi tưởng.

Tất cả mọi bài học đọng lại trong cô Kim Cúc, chính là học từ thầy cách quan tâm học trò. Cách quan tâm đặc biệt ấy khiến học trò luôn đón nhận rất hào hứng, chân thành.

Có lẽ, đây cũng là cảm xúc của cô Phạm Thanh Việt - một trong những giáo viên thế hệ đầu của trường Lương Thế Vinh. Sự quan tâm của thầy dành cho bản thân cô, dành cho cả con và cháu nội của cô khiến cô nhớ mãi vì xúc động.

Nhưng nhớ nhất trong cô là ký ức chủ nhiệm lớp học sinh đặc biệt do chính thầy Cương giao phó. Các em rất cá biệt, nghịch ngợm nên cô thấy áp lực. Chính thầy đã xóa tan những áp lực đó theo cách rất riêng của mình.

“Trong tất cả các giờ sinh hoạt chủ nhiệm, thầy đều có mặt bên cạnh tôi để quan sát, lắng nghe cô nhận xét từng học sinh. Sau đó thầy cùng tôi đưa ra những lời khuyên, thúc đẩy học sinh giúp các em tiến bộ hơn. Họp phụ huynh cũng vậy, có lẽ lớp tôi là lớp duy nhất được thầy ưu ái khi cùng tham gia họp phụ huynh. Thầy muốn lắng nghe chia sẻ của chính cha mẹ các em, từ đó đưa ra những phối hợp tốt nhất trong việc dạy dỗ các em học sinh cá biệt này” - nữ giáo viên kể lại.

Hình ảnh về người thầy giáo có nhân cách lớn tại triển lãm "Dấu ấn". Ảnh: D.H
 

Cách làm giáo dục vô tư và trong sáng

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng - một trong những giáo viên trẻ của trường THPT Lương Thế Vinh có niềm may mắn nhân đôi khi vừa được làm học sinh vừa được làm đồng nghiệp của cố nhà giáo Văn Như Cương. Thầy chia sẻ, chính cố nhà giáo có vị trí ảnh hưởng không nhỏ trong những giai đoạn mang tính bước ngoặt của cuộc đời mình.

Tốt nghiệp THCS với kết quả xuất sắc, thầy Trần Mạnh Tùng khi đó được Hiệu trưởng của trường giới thiệu về thầy Văn Như Cương cùng ngôi trường dân lập đầu tiên của cả nước. Thế là mặc gia đình, hàng xóm can ngăn và không có bất kỳ người quen nào ở Hà Nội, thầy Tùng vẫn quyết định thi vào Lương Thế Vinh.

Thầy Trần Mạnh Tùng giữ lời hứa trước anh linh nhà giáo Văn Như Cương sẽ giữ vững thương hiệu trường Lương Thế Vinh. Ảnh: D.H

Học sinh lớp chọn trong 3 năm THPT, với thầy đây là một quyết định sáng suốt. Là học sinh giỏi lớp chọn, có cơ hội lựa chọn nhiều ĐH tốt, nhưng thầy Văn Như Cương một lần nữa lại tác động đến bước đi của học trò Trần Thanh Tùng khi đó.

“Trong lúc đang băn khoăn chọn trường, chính bài thơ xúc động của thầy đã trở thành động lực lớn để tôi thi vào ngành Sư phạm.

Các em vào đại học thầy vui

Duy chút băn khoăn chút ngậm ngùi

Ít em mong muốn vào sư phạm

Ai sẽ thay thầy lúc mấy mươi!” - thầy Tùng bùi ngùi nhớ lại.

Trong ký ức của thầy Tùng, nhà giáo Văn Như Cương là một người dẫn đường tinh anh và đầy dũng cảm. “Với kiến thức uyên bác, với cách làm giáo dục vô tư và trong sáng của thầy, đã một lần nữa tiếp tục dẫn dắt và định hướng tôi trong suốt thời gian tôi đi dạy từ năm 2001 đến bây giờ” - thầy Tùng khẳng định.

Đứng trước bức tượng của cố nhà giáo Văn Như Cương, thầy Tùng muốn nhắn nhủ với người thầy mà mình rất mực quý trọng rằng, dù thầy không còn ở đây nữa nhưng trí tuệ trong sáng, phương pháp làm giáo dục rất vô tư, rất có tâm của thầy chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến bản thân thầy và nhiều thế hệ giáo viên, học sinh trường Lương Thế Vinh, bây giờ và về sau. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn