Giờ tan làm hôm nay của bạn thế nào? Có phải bạn đã uể oải bước vào thang máy, đi như một cỗ máy vô hồn ra bãi gửi xe, rồi lái xe về nhà trong vô thức, chẳng thèm để ý đến cảnh vật hai bên đường?
Công việc mà bạn từng thấy hấp dẫn, giờ đây, chỉ đem lại cho bạn sự mệt mỏi. Bạn cáu gắt với đồng nghiệp, bực dọc với cả cấp trên và cấp dưới. Bạn làm thêm giờ nhưng năng suất làm việc thì không tăng, và cả lương cũng thế.
Cuối cùng, trong đầu bạn lúc nào cũng thường trực một ý nghĩ muốn nghỉ việc.
Nếu có tất cả các triệu chứng kể trên, rất có thể, bạn đang mắc phải hội chứng kiệt sức ở công sở. Đây cũng là chủ đề của Ngày Sức khỏe Tinh thần Thế giới, 10/10 năm nay. World Mental Health Day 2024, khi cả thế giới nói về sức khỏe tinh thần ở nơi làm việc, ít nhất bạn sẽ thấy mình không hề cô đơn.
Đây là tình trạng xảy ra khi bạn phải đối mặt với áp lực công việc trong thời gian dài, trong khi nguồn lực về tinh thần và thể chất của bạn không đáp ứng kịp.
Ví dụ, bạn phải đối mặt với một khối lượng lớn công việc, chạy "deadline" liên tục, trong khi công ty không cung cấp cho bạn đủ thiết bị, nhân lực cũng như tài chính để hỗ trợ bạn làm những công việc đó. Một mình bạn phải vắt kiệt sức lực của mình để đảm đương tất cả.
Trong trường hợp này, không chỉ có năng lượng làm việc của bạn nhanh chóng cạn kiệt, mà nó còn khiến bạn có thái độ hoài nghi và tiêu cực với công việc, bên cạnh sự giảm sút rõ ràng của năng suất lao động.
Bạn không thể làm được nhiều việc hơn, trong khi yêu cầu đặt ra cho bạn là phải làm nhiều việc hơn.
Nói cách khác, những người bị kiệt sức ở công sở sẽ không có khả năng và cũng không muốn làm việc hết mình. Kiệt sức có thể xảy ra ở bất kỳ công việc nào, không phân biệt công việc trí não hay chân tay, trong văn phòng hay ngoài công trường.
Bất kể công việc nào đòi hỏi nhu cầu cao nhưng bạn chỉ có nguồn lực hạn chế đều có thể dẫn tới chứng kiệt sức. Cộng thêm với áp lực công việc là các xung đột, căng thẳng ở công sở, vai trò mơ hồ và con đường thăng tiến không rõ ràng cũng có thể gây ra tình trạng kiệt sức.
Một báo cáo của tổ chức Mental Health UK cho biết có tới 91% người lao động cảm thấy mình bị kiệt sức tại một thời điểm nào đó trong đời. Khoảng 20% lao động từng phải xin nghỉ làm vì điều đó.
Kiệt sức gây ra hậu quả nghiêm trọng, chủ yếu là đối với những người bị ảnh hưởng. Nó tác động đến từng người theo những cách khác nhau. Nhưng ngay cả những trường hợp kiệt sức dạng nhẹ cũng có thể kéo dài trong nhiều năm, và có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực về sức khỏe.
Các nghiên cứu cho thấy hội chứng kiệt sức ở công sở có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn lo âu, trầm cảm, thậm chí là bệnh tim mạch, tiểu đường type 2 và làm tăng tỷ lệ tử vong sớm vì mọi nguyên nhân.
Kiệt sức cũng ảnh hưởng tới chính các công ty, tổ chức vì nó tác động tiêu cực đến khả năng sáng tạo, dẫn đến tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên cao hơn, tình trạng vắng mặt tăng và hiệu suất công việc giảm sút.
Các triệu chứng của kiệt sức ở công sở rất đa dạng, và chúng thường khác nhau ở mỗi người. Nhưng có một điểm chung, mọi người thường không tự nhận ra rằng họ đã kiệt sức cho đến khi họ không chỉ mệt mỏi mà còn không còn sức để hoạt động.
Một trong những dấu hiệu tinh tế chỉ ra tình trạng kiệt sức và phân biệt nó với trạng thái mệt mỏi thông thường đó là người bị kiệt sức sẽ bị choáng ngợp ngay cả với những nhiệm vụ nhỏ đơn giản. Ví dụ, nếu ở văn phòng bạn phải đi photo một loại giấy tờ nào đó, nhưng bạn thấy ngay cả việc đứng dậy khỏi ghế, đi tới máy photo thôi đã vất vả rồi. Thì rất có thể, bạn đang bị kiệt sức.
Những người bị kiệt sức ở công sở thường không thể phục hồi năng lượng của họ ngay lập tức. Trong khi tình trạng mệt mỏi và uể oải thông thường có thể bị đánh tan chỉ bằng một cốc cà phê, trà sữa hoặc một giấc ngủ trưa. Thì với tình trạng kiệt sức, tất cả những liều "doping" đó đều không còn hiệu quả.
Kết quả là những người bị kiệt sức ở công sở thường xa lánh công việc, phải tự đấu tranh với sự nghi ngờ và thái độ hoài nghi. Họ tích tụ dần các suy nghĩ tiêu cực về công việc, thái độ tiêu cực với đồng nghiệp của mình.
Để biết bản thân bạn có đang rơi vào tình trạng kiệt sức hay không, hãy tự hỏi mình những câu hỏi như:
1. Bạn có thường nói về công việc của mình với người khác theo hướng tiêu cực không?
2. Bạn có xu hướng chỉ làm việc một cách máy móc cho xong mà ít động não suy nghĩ hay không?
3. Đôi khi, bạn có cảm thấy cơ thể mình hình như bị ốm khi phải làm việc hay không?
4. Bạn có bao giờ cảm thấy mệt mỏi, ngay cả khi chưa đến giờ vào làm hay không?
5. Bạn có thường cảm thấy mệt mỏi và uể oải sau giờ làm việc hay không?
Nếu có quá nửa các câu trả lời là "Có", thì rất có thể, bạn đã mắc hội chứng kiệt sức ở công sở.
Tin tốt là một khi bạn nhận diện được ra tình trạng kiệt sức của mình, bạn sẽ có thể khắc phục được nó, phục hồi và tìm lại nguồn năng lượng làm việc cho mình.
Giống như trong định nghĩa, kiệt sức xảy ra khi phải đối mặt với áp lực công việc trong thời gian dài, trong khi nguồn lực về tinh thần và thể chất của bạn không đáp ứng kịp. Có một số cách sẽ giúp bạn thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này.
Đầu tiên, nếu có thể thì bạn nên giảm áp lực công việc xuống. Giảm áp lực công việc liên quan đến việc giảm cường độ áp lực, giảm thời gian chịu đựng áp lực hoặc cả hai. Bạn có thể đề bạt với cấp trên điều đó, hoặc nhờ tới sự giúp đỡ của đồng nghiệp để chia sẻ bớt gánh nặng công việc cho mình, trong một thời gian, cho đến khi bạn phục hồi.
Những người quản lý nếu hiểu về tình trạng kiệt sức chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho bạn, bởi họ biết một nhân viên làm việc khi đang kiệt sức sẽ không đạt được hiệu quả tốt.
Thứ hai, nếu không thể giảm áp lực công việc, bạn có thể yêu cầu quản lý gia tăng nguồn lực cho bạn để đáp ứng với các yêu cầu quá tải đó. Nguồn lực có thể bao gồm nhân lực, vật lực, công cụ làm việc, thậm chí tiền lương.
Ví dụ, đổi một chiếc máy tính mới, card đồ họa mới sẽ là những công cụ cần thiết cho một designer, trong khi một trợ lý sẽ là nhân lực cần thiết cho một người chạy sự kiện.
Cuối cùng, nếu ngay cả khi khối lượng công việc không thể giảm và nguồn lực không thể tăng lên, bạn vẫn có thể quản lý tình trạng kiệt sức của mình bằng cách tự tạo ra các nguồn lực tinh thần. Tự động viên, tự tìm kiếm ý nghĩa cho các công việc mình làm là những thủ thuật nhỏ giúp bạn vượt qua tình trạng kiệt sức, ít nhất là tạm thời.
Các nhà nghiên cứu gọi đó là hoạt động "chế tác công việc", hay biến một công việc vốn nhàm chán trở thành có ý nghĩa. Ví dụ, một đầu bếp có thể tự thấy mình đang không chỉ cung cấp bữa ăn, mà cả niềm vui cho khách hàng khi trang trí món ăn của họ đẹp mắt.
Một tài xế xe bus có thể nói chuyện với hành khách trên chuyến xe của mình để giảm bớt áp lực, họ có thể chia sẻ những kinh nghiệm cuộc sống của mình hay đơn giản giới thiệu cho khách du lịch những địa điểm tham quan thú vị trong thành phố…
Quan trọng hơn cả, Ngày Sức khỏe Tinh thần Thế giới, 10/10 năm nay kêu gọi tất cả - không chỉ các cá nhân mà còn là các công ty và tổ chức - nâng cao sự hiểu biết của mình về tình trạng kiệt sức ở công sở.
Chính các công ty và tổ chức cũng cần giúp nhân viên của mình quản lý và thoát ra khỏi tình trạng này. Họ sẽ được lợi cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, vì khi nhân viên được hỗ trợ tốt hơn về mặt tinh thần, họ sẽ làm việc hiệu quả hơn, sáng tạo hơn và có động lực hơn.
Chú trọng đến sức khỏe tinh thần cũng sẽ giúp các công ty giảm thiểu tỷ lệ nghỉ việc, giữ chân nhân tài và xây dựng một tổ chức vững mạnh, phát triển bền vững.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn