Các Mục tiêu Phát triển Bền vững bao gồm các vấn đề tác động đến cuộc sống của mọi người, ở mọi nơi - từ nghèo đói, bình đẳng tiền lương và sức khỏe đến biến đổi khí hậu, hòa bình và an ninh, tăng trưởng kinh tế. Bất bình đẳng giới đang kìm hãm sự tiến bộ trong tất cả các lĩnh vực này.
Theo Báo cáo Tổng quan về giới năm 2024, thế giới đang mất 10 nghìn tỷ USD mỗi năm do không đầu tư vào quyền của phụ nữ. Bất bình đẳng giới ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và mọi khía cạnh khác của phát triển bền vững. Mặc dù đã có một số tiến bộ nhưng tốc độ vẫn quá chậm và việc không thực hiện được quyền của phụ nữ phải trả giá rất đắt.
Dữ liệu mới nhất của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cho thấy, việc không đầu tư vào giáo dục và đào tạo cho những người trẻ tuổi, đặc biệt là trẻ em gái, khiến thế giới thiệt hại hơn 10 nghìn tỷ USD. Ở châu Phi cận Sahara, chi phí tăng lên tới 210 tỷ USD, tương đương hơn 10% GDP trong khu vực.
Báo cáo thường niên đánh giá tiến trình bình đẳng giới trong các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc cũng cho thấy, số lượng phụ nữ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng nhiều hơn so với nam giới là 47,8 triệu người.
Thế giới có thể mất thêm 137 năm nữa để có thể chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực đối với phụ nữ. Ở khía cạnh khác, biến đổi khí hậu có thể khiến số lượng phụ nữ và trẻ em gái rơi vào cảnh nghèo đói nhiều hơn so với nam giới và trẻ em trai là 158 triệu người.
Không có quốc gia nào trong số 120 quốc gia có dữ liệu có các luật cần thiết để cấm phân biệt đối xử, ngăn ngừa bạo lực, đảm bảo quyền bình đẳng trong hôn nhân và ly hôn, đảm bảo trả lương bình đẳng và cung cấp quyền tiếp cận đầy đủ đối với sức khỏe tình dục và sinh sản.
Cứ 8 phụ nữ thì có 1 người từng bị bạo lực do bạn tình gây ra trong năm qua. Các quốc gia có luật phòng, chống bạo lực gia đình thì tỷ lệ bạo lực bởi bạn tình thấp hơn (5%), so với các quốc gia không có luật như vậy (16%). Và với tốc độ hiện tại, nạn tảo hôn có thể tiếp tục tồn tại cho đến năm 2092.
Năm 2024, ở cấp độ toàn cầu, trung bình phụ nữ chỉ nắm giữ 27% số ghế trong Quốc hội và 35,5% số ghế trong chính quyền địa phương. 107 quốc gia chưa từng có nguyên thủ quốc gia là phụ nữ.
Phát biểu tại sự kiện "Bắc Kinh + 30: Đạt được bình đẳng giới, quyền và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái" thuộc Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, bà Sima Bahous, Giám đốc điều hành UN Women, nhấn mạnh:
Năm 2023, có 612 triệu phụ nữ và trẻ em gái phải sống giữa thực tế tàn khốc của xung đột vũ trang, với mức tăng 50% số trường hợp bị bạo lực tình dục liên quan đến xung đột nhắm vào họ.
Đầu tư vào bình đẳng giới là để đạt được một thế giới mà tất cả phụ nữ và trẻ em gái đều được trao quyền và có thể hưởng các quyền của mình. Theo Giám đốc điều hành UN Women, cần làm việc trong hệ thống đa phương để tái cam kết đẩy nhanh Mục tiêu phát triển bền vững số 5 thông qua đánh giá Bắc Kinh+30.
Trong đó có việc thông qua Kế hoạch đẩy nhanh bình đẳng giới của Tổng thư ký Liên hợp quốc để thực hiện tốt hơn bình đẳng giới và có lập trường thống nhất về quyền phụ nữ.
"Cùng nhau, chúng ta sẽ đảm bảo rằng hệ thống đa phương là động lực tạo ra sự thay đổi thực sự trong cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu… Một thế giới bình đẳng giới nằm trong tầm tay chúng ta nếu chúng ta lựa chọn.
Chúng ta nợ phụ nữ và trẻ em gái và tất cả mọi người, con cháu chúng ta. Không được trì hoãn thêm nữa, cần xây dựng một tương lai, nơi phụ nữ và trẻ em gái được phát triển mạnh mẽ", bà Bahous nói.
Theo UN Women, cần đảm bảo trẻ em gái được đến trường và tiếp tục đi học để thu hẹp khoảng cách giới trong giáo dục. Mặt khác, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Việc thu hẹp khoảng cách giới trong thế giới kỹ thuật số đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, vì nó có thể tiết kiệm được khoảng 500 tỷ USD trong 5 năm tới.
Đảm bảo phụ nữ nông thôn có quyền tiếp cận đất đai và tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu để có hệ thống lương thực bền vững và đảm bảo an ninh lương thực cho tất cả mọi người.
Việc thu hẹp khoảng cách giới trong năng suất nông nghiệp và thu nhập từ hệ thống thực phẩm sẽ làm tăng gần 1 nghìn tỷ USD cho GDP toàn cầu và cứu 45 triệu người khỏi tình trạng mất an ninh lương thực.
Chuyển đổi năng lượng sạch bao gồm tài chính có tính đến giới và đưa phụ nữ vào vị trí lãnh đạo. Hoạch định chính sách về khí hậu do phụ nữ lãnh đạo, phân bổ lại nguồn lực để xây dựng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, đồng thời bồi thường thiệt hại do khí thải carbon gây ra.
Khi các hộ gia đình được kết nối với điện, phụ nữ có khả năng làm việc ngoài xã hội cao hơn từ 9% đến 23%, tăng thu nhập và đóng góp cho gia đình và nền kinh tế của đất nước họ.
Đầu tư vào các hệ thống bảo trợ xã hội và nền kinh tế chăm sóc để giảm nghèo và tạo việc làm "xanh". Đầu tư vào nền kinh tế chăm sóc có thể tạo ra gần 300 triệu việc làm vào năm 2035 và tăng sự tham gia của lực lượng lao động nữ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn