Camera tại tầng hầm để xe của chung cư Mipec đã cho thấy, người đàn ông mặc áo xanh đi tới bằng mọi cách đụng vào vùng kín của cô gái đang đứng trong tầng hầm. Khi cô gái phản ứng bằng cách la lên, có 2 người phụ nữ khác đi tới, hỗ trợ bằng việc muốn giữ người đàn ông ở lại thì người đàn ông này giận dữ đấm vào mặt 1 cô gái. Bảo vệ cùng người khác gần đó có mặt can thiệp cũng bị hành hung.
Ngay sau đó, Ban quản lý tòa nhà này đã bàn giao kẻ sàm sỡ cho công an địa phương. Tại cơ quan công an, người này thừa nhận vì say xỉn nên không kiềm chế được bản năng và sau đó “cảm thấy rất ân hận”.
Một đoạn clip ngắn được truyền trên rất nhiều tài khoản cá nhân của mạng xã hội thể hiện sự giận dữ của cộng đồng. Diễn tiến tiếp theo cho thấy, hơn 50 cư dân sống tại chung cư Mipec cũng đã cùng tới cơ quan công an đề nghị xử lý nghiêm khắc kẻ vi phạm. Người dân lo ngại rằng, nếu im lặng cho qua sự việc, chấp nhận lời “xin lỗi, ân hận” của người đàn ông áo xanh, được xác định tên Đào Đức Thành, sinh năm 1973, sống tại Q. Long Biên, Hà Nội, thì rất có thể những sự vụ tương tự sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống, khiến môi trường sống văn minh bị hủy hoại, tinh thần và thể xác của phụ nữ bị chà đạp và coi thường.
Trước đó, dư luận vẫn chưa quên được vụ “cưỡng hôn” trong thang máy ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) và thủ phạm chỉ bị phạt 200 ngàn đồng. Người ta lo ngại rằng, sàm sỡ phụ nữ ở nơi công cộng sẽ tràn lan như nấm sau mưa bởi cách xử phạt quá nhẹ của pháp luật. Người dân sau đó chỉ biết tự bảo vệ bằng cách dán thông báo công khai về sự định cư của người đàn ông có hành vi sàm sỡ phụ nữ trong thang máy nêu trên tại nơi ở. Cách làm tự phát của dân chúng cho thấy sự bất lực của chế tài trước hành vi vi phạm.
Truyền thông Việt Nam luôn đưa ra những so sánh cùng vụ việc sinh hoạt trong nước và nước ngoài để thấy sự đồng điệu hay khác biệt. Ở đất nước chịu ảnh hưởng văn hóa phương Đông như Việt Nam, có nhiều rào cản về khái niệm đạo đức và nhận thức khiến người phụ nữ cảm giác lo sợ, xấu hổ khi người khác biết được sự việc bản thân bị sàm sỡ hay xâm hại. Nắm được tâm lý này, những kẻ vi phạm đã không những dừng các hành vi sai trái mà còn lớn tiếng thách thức nạn nhân. Một kiểu vừa ăn cướp vừa la làng. Ông Đào Đức Thành trong vụ việc sàm sỡ cô gái tại tầng hầm để xe của chung cư Mipec chính là một dạng của loại vi phạm này. Nếu vin vào cớ say xỉn khó kiềm chế được bản thân thì lại cần phải phạt nặng những hành vi này bằng nhiều hình thức khác nghiêm khắc hơn, không thể chỉ bằng án phạt hành chính 200 ngàn đồng như đã từng có “án lệ”.
Cần chủ động hơn trong xử lý vi phạm
Pháp luật sinh ra để bảo vệ sự công bằng cho mọi người dân, đảm bảo trật tự, an toan, tôn ti xã hội. Cuộc sống phát triển nhanh theo hướng ngày càng hiện đại và văn minh hơn. Thực tế có những điều khoản luật pháp vẫn chưa theo kịp sự thay đổi của cuộc sống thì cần linh hoạt áp dụng bằng các chế tài khác để đủ sức răn đe vi phạm nói chung, tội phạm nói riêng. Rất nhiều vụ án xâm hại phụ nữ và trẻ em thu hút sự theo dõi của dư luận xã hội trong và ngoài nước khiến sự giám sát của dư luận ngày càng chặt chẽ hơn, tác động tới nhiều quyết định của các cơ quan công quyền.
Tuy nhiên, bản thân các cơ quan chấp pháp cũng không thể tùy tiện áp dụng sai các quy định của pháp luật. Vì vậy, việc “vá” các lỗ hổng trong các điều khoản luật pháp mà cụ thể trong trường hợp này là “lỗ hổng” 200 ngàn đồng khi áp dụng phạt hành chính hành vi vi phạm như trường hợp sàm sỡ phụ nữ trong tháng máy hay các vụ việc tương tự nêu trên cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Các cơ quan thực thi pháp luật cũng cần chủ động hơn trong việc xử lý đối với kiểu vi phạm này, đừng để khi dư luận và truyền thông ào ạt phản đối thì mới bắt tay vào công việc.
Nếu ông Đào Đức Thành vẫn tiếp tục nhận án phạt hành chính 200 ngàn đồng thì người dân có thể sẽ có cách xử lý tự phát không phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu điều đó xảy ra thì hệ lụy với an ninh, an toàn xã hội là rất lớn. Chúng ta đừng ở trong thế bị động “mất bò”, thậm chí mất đến mấy bò, mới “lo làm chuồng”. Bởi ở bất kỳ thời điểm nào, của xã hội nào, thì cuộc sống an sinh của người dân vẫn luôn được đưa lên hàng đầu.
Mong rằng, 200 ngàn đồng sẽ không còn lặp lại trong các vụ việc sàm sỡ, xâm hại cơ thể, tinh thần phụ nữ và trẻ em!