Thêm 10 triệu trẻ em có nguy cơ thất học

17:53 | 02/08/2020;
Trong khi đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm sút trên thế giới, Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Anh quốc) đã báo động rằng, tác động của dịch bệnh đối với kinh tế có thể khiến 9,7 triệu trẻ em không thể đến trường học. Nhiều em phải đi lao động phụ giúp gia đình và kết hôn sớm khi chưa đủ tuổi.

Báo cáo của tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) lưu ý là trước khi dịch bệnh bùng phát, đã có 258 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới không được đến trường. Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành dữ dội trên thế giới, đặc biệt là ở châu Mỹ, Tổ chức này dẫn lại số liệu của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), gần 1,6 tỷ học sinh từ bậc mẫu giáo cho đến đại học có nguy cơ phải rời học đường vì dịch bệnh. Con số này tương đương 90% sinh viên học sinh trên toàn thế giới.

Sự tuột dốc về kinh tế do Covid-19 có thể làm cho 90-117 triệu trẻ em trên thế giới rơi vào tình trạng nghèo đói mà hệ lụy của nó là các em phải bỏ học. Nhiều trẻ em sẽ buộc phải đi làm sớm, nhiều bé gái có thể sẽ phải lấy chồng sớm để giúp đỡ gia đình. 7-9,7 triệu trẻ em có thể mãi mãi không quay lại trường học. Ngoài ra, Covid-19 có thể làm giảm tổng cộng 77 tỷ USD đầu tư vào giáo dục ở các nước có thu nhập thấp và trung bình trong 18 tháng tới. Trong kịch bản xấu nhất, khi chính phủ các nước chuyển nguồn lực từ giáo dục sang các lĩnh vực khác để ứng phó Covid-19, con số này sẽ lên tới 192 tỷ USD vào cuối năm 2021. Bà Inger Ashing - Giám đốc điều hành Tổ chức Cứu trợ trẻ em - khẳng định: "Với khoảng 10 triệu trẻ em có thể không bao giờ trở lại trường học, đây là một vấn đề khẩn cấp chưa từng có về giáo dục".

Tổ chức Cứu trợ trẻ em kêu gọi chính phủ các nước và các nhà tài trợ đầu tư vào kế hoạch toàn cầu về giáo dục để giúp trẻ em trở lại trường học khi tình hình an toàn trở lại và giúp hỗ trợ giáo dục từ xa trong hoàn cảnh hiện nay. Theo bà Ashing, chính những trẻ em nghèo nhất, ngoài lề xã hội là những người tụt hậu xa nhất và không thể tiếp cận với hình thức học từ xa hay bất kỳ loại hình giáo dục nào trong thời gian nửa năm học vừa qua. Nếu không giải quyết khủng hoảng giáo dục này, ảnh hưởng của nó với tương lai của trẻ em sẽ kéo dài. Theo đó, mục tiêu đảm bảo mọi trẻ em đều được tiếp cận với giáo dục có chất lượng vào năm 2030 sẽ bị đẩy lùi thêm nhiều năm nữa.

Báo cáo cho biết 12 quốc gia trẻ em có nguy cơ phải nghỉ học sau dịch Covid-19 cao nhất là Niger, Mali, Chad, Liberia, Afghanistan, Guinea, Mauritania, Yemen, Nigeria, Pakistan, Senegal và Bờ Biển Ngà. Tổ chức Bảo vệ trẻ em cũng hối thúc các chủ nợ giãn nợ cho các nước có thu nhập thấp, động thái này có thể giúp giải ngân 14 tỷ USD để đầu tư vào giáo dục.

Thêm 10 triệu trẻ em có nguy cơ thất học - Ảnh 1.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều trẻ em ở các nước bị thất học. Ảnh minh họa

Cần có "gói phúc lợi dành cho trẻ em"

Covid-19 có thể khiến nghèo đói gia tăng, từ đó cũng sẽ dẫn tới gia tăng lao động trẻ em vì các hộ gia đình phải sử dụng mọi phương cách có thể để tồn tại. Nếu các nước rơi vào nguy cơ phải cắt giảm ngân sách chưa từng có tiền lệ do Covid-19, sự bất bình đẳng hiện tại sẽ bùng nổ giữa người giàu và người nghèo và giữa trẻ em gái và trẻ em trai. Các trẻ em gái có nguy cơ chịu tác động xấu hơn các trẻ em trai, trong đó có nhiều em gái bị ép phải kết hôn sớm. Do tác động của cuộc suy thoái mà đại dịch Covid-19 gây ra, nhiều trẻ em có thể phải bỏ học và tham gia các thị trường lao động để giúp đỡ gia đình. Mặt khác, trường học đóng cửa khiến nhiều trẻ em không chỉ mất cơ hội học tập mà còn mất đi nơi an toàn để vui chơi cùng bạn bè, được ăn uống và tiếp cận các dịch vụ y tế.

Một báo cáo tóm tắt mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, đại dịch có thể khiến lao động trẻ em gia tăng sau 20 năm có những tiến bộ trong lĩnh vực này. Nghiên cứu tại một số quốc gia cho thấy khi nghèo đói tăng 1% thì lao động trẻ em sẽ tăng theo ít nhất 0,7%. Riêng ở khu vực Nam Á, ước tính sẽ có thêm 120 triệu trẻ em rơi vào tình trạng nghèo đói trong nửa sau năm 2020. Khu vực này cũng có khoảng 281 triệu người bị suy dinh dưỡng và hiện ước tính có tới 240 triệu trẻ em đã sống trong cảnh nghèo đói.

Ông Jean Gough, Giám đốc Khu vực của UNICEF tại Nam Á, nhấn mạnh, nếu không có hành động khẩn cấp bây giờ, Covid-19 có thể phá hủy hy vọng, cũng tương lai của cả một thế hệ trẻ Nam Á. UNICEF nhận định, những rủi ro chính mà trẻ em khu vực Nam Á phải đối mặt khi dịch bệnh lan rộng: Thiếu ăn; thất học hoặc thiếu kiến thức do trường học bị đóng cửa; bị lạm dụng và không được tiêm chủng. Trong đó, chương trình tiêm chủng, dinh dưỡng và các dịch vụ y tế quan trọng khác đã bị gián đoạn, đe dọa tính mạng của 459.000 trẻ em và bà mẹ ở Nam Á trong 6 tháng tới. Việc đóng cửa trường học khiến hơn 430 triệu trẻ em rơi vào cảnh thất học hoặc thiếu kiến thức do một số vùng nông thôn không đủ điều kiện để tiếp cận với Internet để tiến hành hình thức học online. Trong khi đó, đường dây nóng ở nhiều nước Nam Á liên tiếp ghi nhận các cuộc gọi thông báo các vụ trẻ em bị bạo hành và lạm dụng trong thời gian nghỉ dịch ở nhà. Không ít trẻ em đang phải đối mặt với chứng trầm cảm.

Mặc dù một số quốc gia đã phản ứng bằng cách mở rộng các chương trình An sinh xã hội hoặc đưa ra các chương trình trợ giúp khẩn cấp mới nhưng theo UNICEF thì vẫn chưa đủ. Một giải pháp khả thi được UNICEF đề xuất là gói phúc lợi dành cho đối tượng trẻ em, nhằm đảm bảo rằng phần lớn hộ gia đình trên khắp Nam Á có thể tiếp cận mức hỗ trợ thu nhập tối thiểu.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn