246 triệu trẻ em trên thế giới bị bạo lực học đường mỗi năm
Theo số liệu của Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) công bố ngày 18/1, ước tính mỗi năm có tới 246 triệu trẻ em gái và trẻ em trai bị bạo lực ở trường học trên toàn thế giới. Ở Việt Nam đã có xuất hiện một số vụ bạo lực giới ở trường học thời gian qua. Bạo lực giới ở trường học không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lý, khiến các em bị rối nhiễu, tự ti, trầm cảm, có trường hợp dẫn đến mang thai và nhiễm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như HIV, tăng nguy cơ các em bỏ học.
Ngoài ra, các ước tính gần đây cho thấy bạo lực giới ở trường học gây tổn hại tương đương với chi phí cho một năm học ở bậc tiểu học – khoảng 17 tỷ USD/năm ở các nước có thu nhập thấp và trung bình – con số này cao hơn tổng số tiền mà nước ngoài tài trợ hàng năm cho các can thiệp giáo dục tại các nước nước có thu nhập thấp và trung bình.
Tại Việt Nam, theo nhận định của ông Doãn Hồng Hà – Phó Vụ trưởng Vụ GD Công tác HSSV, Bộ GD&ĐT, vẫn còn một bộ phận HSSV có hành vi bạo lực, tính vị kỉ, thái độ thờ ơ trước nỗi đau của người khác. Nhận thức các vấn đề xã hội chưa sâu, kỹ năng sống chưa hoàn thiện, HS chưa có ý thức rèn luyện bản thân, tu dưỡng đạo đức và xây dựng cuộc sống lành mạnh.
“Hiện tượng HS đánh nhau trong khi nhiều HS khác đứng xung quanh không có hành vi can thiệp mà lại thể hiện sự đồng tình, hò hét, cổ vũ cho sự việc đáng trách đó. Đây là điều xa lạ với giá trị, chuẩn mực đạo đức truyền thống, tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam” – ông Hà nhìn nhận.
Cũng theo ông, còn rất nhiều hiện tượng khác không phù hợp với chuẩn mực đạo đức truyền thống như quan hệ tình dục sớm; chụp ảnh khỏa thân rồi tung lên mạng xã hội, internet để khẳng định mình hoặc đe dọa bạn bè. Hiện tượng kết bạn trên mạng rồi hình thành các băng nhóm ở tuổi vị thành niên và có những hành vi lệch chuẩn như: bỏ nhà đi bụi, trộm cắp, sống quần hôn, uống rượu bia say xỉn, đua xe… là những biểu hiện đáng lo ngại ở một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Trong khi đó, kết quả một cuộc khảo sát gần đây do Bộ GD&ĐT tiến hành trên một số trường THCS, THPT, ĐH địa bàn Hà Nội, Hải Dương cho thấy: Có đến gần 94% số HSSV được hỏi gặp phải những khó khăn vướng mắc cần phải chia sẻ trong học tập và đời sống hàng ngày (trong đó khối phổ thông là 95,3%, đại học là 85,9%).
Đặc biệt ở lứa tuổi học sinh phổ thông, mức độ thường xuyên có những vướng mắc và cần chia sẻ là cao nhất với 80,17%. Trong khi đó, phần lớn (82,31% học sinh được hỏi) đều có mong muốn nhà trường, cơ sở giáo dục có phòng tư vấn tâm lý riêng, kín đáo để thuận tiện cho các em có thể đến và chia sẻ về các vấn đề tâm lý của bản thân.
Cũng theo kết quả khảo sát, đa phần HSSV mong muốn trong nhà trường có cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản, có chuyên môn về tâm lý học đường để các em chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong cuộc sống. Bởi vì khi chia sẻ với cán bộ tư vấn tâm lý chuyên trách, HSSV đỡ e ngại hơn so với thầy cô chủ nhiệm, quản lý sinh viên hay các giáo viên kiêm nhiệm.
Thử nghiệm bộ công cụ “thúc đẩy tôn trọng, bình đẳng trong trường học”
Với tên gọi “Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng: Ngăn ngừa bạo lực giới học đường”, bộ công cụ được biên soạn trên cơ sở nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm từ nhiều chương trình ở các nước khác nhau trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với mục tiêu hỗ trợ giáo viên THCS trong việc phòng ngừa bạo lực giới trong trường học, thông qua các hoạt động và bài học mang tính tương tác.
Các hoạt động được thiết kế nhằm khuyến khích các mối quan hệ mang tính xây dựng, bình đẳng giới và sự đoàn kết giữa các học sinh ở lứa tuổi 11-14. Tài liệu có thể sử dụng trong nhà trường và môi trường giáo dục không chính thức khác, như học tập tại cộng đồng hoặc các chương trình xóa mù chữ, cũng như có thể được điều chỉnh để sử dụng cho các học sinh lứa tuổi lớn hơn hoặc nhỏ hơn.
Bộ tài liệu do trường Đại học Melbourne xây dựng với sự hỗ trợ của Nhóm công tác Khu vực về Bạo lực giới ở trường học, thuộc Sáng kiến Giáo dục cho Trẻ em gái khu vực Đông Á Thái Bình Dương (UNGEI) và dự án Đoàn kết để chấm dứt bạo lực với phụ nữ (với sự tham gia của các tổ chức Plan International, UN Women, UNESCO và UNICEF).
Sau hai năm tiếp cận và nghiên cứu thích ứng, bộ tài liệu đã sẵn sàng cho việc thử nghiệm tại Việt Nam. Bộ GD&ĐT khẳng định, các địa phương tiến hành thử nghiệm sẽ cung cấp bằng chứng cụ thể về hiệu quả áp dụng bộ công cụ trong việc xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học, làm cơ sở nền tảng cho việc nhân rộng cấp quốc gia sau này.
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam cho biết, thử nghiệm bộ công cụ nhằm thực hiện một nền giáo dục chất lượng, toàn diện và bình đẳng hơn cho mọi trẻ em. Trẻ em cần được học về cách thức xây dựng và duy trì các mối quan hệ trong trường học dựa trên nền tảng tôn trọng và bình đẳng, từ đó các em sẽ áp dụng những nguyên tắc này trong cuộc sống của mình.
Còn chia sẻ của bà Nguyễn Thị Bích Liên, Giám đốc Quốc gia ChildFund Việt Nam cho thấy, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong một thế giới có nhiều biến động. Các em không chỉ cần nỗ lực học tập thật tốt mà còn cần được hỗ trợ để có những kiến thức, hiểu biết thích hợp về hành vi ứng xử, xây dựng bản lĩnh của công dân toàn cầu để khi lớn lên các em có thể tự tin khẳng định “Tôi được giáo dục, Tôi có tương lai”.
Bộ công cụ “Thúc đẩy tôn trọng, bình đẳng trong trường học” công bố vào ngày 18/1/2019, được thiết kế nhằm hỗ trợ giáo viên giảng dạy tại bậc THCS và dành cho học sinh trong độ tuổi từ 11 đến 14, nhưng có thể được điều chỉnh cho phù hợp với lứa tuổi lớn hơn. Trong bộ công cụ là các hoạt động phù hợp với lứa tuổi về các chủ đề và khái niệm quan trọng liên quan tới phòng ngừa bạo lực giới và thúc đẩy các mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau. Tài liệu sẽ triển khai thử nghiệm tại 7 tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
Các hoạt động trong chương trình này được thiết kế để sử dụng trong hệ thống trường học chính quy nhưng cũng có thể được điều chỉnh cho phù hợp với môi trường giáo dục không chính quy như chương trình học tập cộng đồng hoặc xóa mù chữ. Giáo viên nên chủ động điều chỉnh nội dung để phù hợp với nhu cầu thực tế của trường lớp và bối cảnh địa phương.
Các hoạt động có thể được sử dụng lồng ghép cho nhiều môn học khác nhau, bao gồm văn học, khoa học xã hội, kỹ năng sống, giáo dục công dân, y tế, giáo dục giới tính và các chương trình giáo dục giá trị khác của nhà trường.
Tất cả các bài học đều có các hoạt động đi kèm để tăng cường kỹ năng viết và sự tham gia của học sinh trong cộng đồng nhà trường. Các hoạt động có thể được thực hiện riêng rẽ hoặc lồng ghép trong chương trình giảng dạy. Các hoạt động này được thiết kế để cung cấp kiến thức, thái độ tích cực, cũng như nâng cao nhận thức và kỹ năng của học sinh. |