Giấu nghẹn ngào vào trong lòng
Chị Hoàng Hồng Nhung là điều dưỡng viên tại bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Bắc Giang. Chị tham gia vào tuyến đầu phòng chống dịch từ ngày 27/5 khi Bắc Giang bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm với số ca nhiễm hàng ngày tăng. Những bệnh nhân đã nhập viện trước đó bắt đầu có những diễn biến bệnh điển hình như ho, sốt, khó thở… Thời điểm ấy, cả nước đã hướng về Bắc Giang với những sự hỗ trợ cả về nhân lực, vật lực, tinh thần…
Nhiệm vụ của Hồng Nhung tại tuyến đầu là theo dõi tình trạng bệnh nhân, phát hiện kịp thời những diễn biến bệnh để báo cáo cho bác sĩ, thực hiện y lệnh điều trị cho bệnh nhân như tiêm thuốc, phát thuốc, hướng dẫn chế độ ăn uống, vận động phù hợp với từng bệnh nhân khác nhau. Covid-19 là bệnh lý đặc biệt hơn, nên ngoài chăm sóc về y tế, chị và đồng nghiệp còn chăm sóc về đời sống sinh hoạt cho bệnh nhân.
Mặc quần áo bảo hộ giữa tiết trời nắng nóng, nhưng chị Nhung và đồng nghiệp vẫn ngày ngày chăm sóc bệnh nhân, phát cơm, gom rác… Có thời điểm cơ sở của chị có tới gần 200 bệnh nhân, thì trên 100 bệnh nhân có diễn biến cần theo dõi, chăm sóc sát sao. Trong khi đó, nhân viên y tế thì chỉ có 20 người. Lực lượng y tế của bệnh viện thay nhau thức suốt đêm, theo dõi từng bệnh nhân, thêm một người ngủ yên là y, bác sĩ thêm một tiếng thở phào.
"Khi đi vào tuyến đầu được khoảng ngày thứ 10 thì mẹ của một chị đồng nghiệp mất. Tôi đã từng trải qua cảm giác mất đi người thân, tôi hiểu được đó là cảm giác đau đớn, thấm vào từng tế bào. Chiếc bàn tang được lập nên gấp rút. Lễ viếng được diễn ra trang trọng ngay tại khu vực điều trị Covid-19. Một lễ viếng mà bản thân tôi nghĩ chỉ thấy trên tivi, trên mạng hay đâu đó xa xôi lắm. Không ngờ rằng đến hôm nay, chính mình và đồng nghiệp mình lại gặp phải, trải qua. Chiếc áo trắng bảo hộ Tổ quốc trao cho chúng tôi, là vũ khí trong cuộc chiến chống dịch, hôm nay thay cho màu tang trắng, cùng đồng nghiệp mình tiễn biệt người thân. Ánh mắt chị ấy đỏ hoe sau lớp kính chắn, cơ thể run run kìm tiếng nấc sau lớp áo bảo hộ dày bịch, nóng nực", chị Nhung nghẹn ngào nhớ lại…
Bệnh nhân của chị khi ấy, có người già, trẻ nhỏ, có nam, nữ thanh niên với nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau. Ấn tượng đọng lại trong chị có lẽ là câu chuyện về cậu bé bệnh nhân 3 tuổi, bệnh nhân nhỏ nhất ở cơ sở khi đó. Cậu bé nhỏ xíu, mặc bộ đồ bảo hộ rộng gấp 3 lần cơ thể, ánh mắt ngơ ngác không biết tại sao mình phải xa mẹ (bé âm tính trước mẹ nên được chuyển sang khu vực điều trị âm tính, chờ ra viện). Cậu bé đặc biệt ngoan, nghe lời cô chú nhân viên y tế. Nhiều anh chị lớn hơn sợ phải ngoáy mũi lấy dịch xét nghiệm, còn con tự giác lên ghế ngồi, tuân theo hướng dẫn của các cô chú. Con ngoan ngoãn, ăn hết phần cơm rồi gom rác ra cửa… sự chủ động tự lập của cậu bé khiến cho tất cả nhân viên y tế đều xót xa, đau đáu trong lòng.
Thương nhớ gửi về hậu phương
Có hai con đều bị bệnh, chồng đã mất hai năm, chị Nhung sống với mẹ già ngoài 70 tuổi. Con lớn của chị Nhung năm nay 15 tuổi, bị viêm da cơ địa bẩm sinh, da con bị bong tróc từng lớp nên việc vệ sinh da, thoa thuốc hàng ngày đều phải làm. Con nhỏ 10 tuổi thì mới phát hiện bệnh lý tim mạch, bị rối loạn nhịp tim vừa điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương hồi tháng 3, đến nay vẫn đang trong chế độ theo dõi, điều trị theo phác đồ của các bác sĩ.
Do mẹ chị năm nay sức khỏe không tốt để hỗ trợ chăm con cho chị nên chị Nhung quyết định gửi con về nhà nội cách đó hơn 30km và dặn dò ông bà lưu ý chế độ ăn uống, vận động, uống thuốc của con, để con khỏe mạnh, mẹ an tâm đi chống dịch.
"Thực sự, khi nhận lệnh điều động tham gia tuyến đầu, tôi chưa hề chần chừ một phút nào. Tất nhiên, ở hoàn cảnh của mình, sự chuẩn bị của tôi không chỉ là về tinh thần, mà còn về sức khỏe cho cả gia đình, thuốc thang phòng bệnh, những lời dặn dò cần thiết để cả gia đình có thể an toàn tối đa trong tình cảnh dịch bệnh khi đó", chị Nhung cho biết.
Ngày đưa con về quê nội, tạm biệt con bằng cái ôm và lời hẹn ước "hết dịch rồi mẹ sẽ về để nấu những bữa cơm ngon cho con", lúc quay đi là lúc chị rơi nước mắt. Lúc ấy, chị hoàn toàn không biết là phía trước sẽ có những khó khăn hay thử thách gì. Bước đi mà không biết ngày trở về, chỉ biết rằng có bệnh nhân thì sẵn sàng lên đường.
Thời gian đi chống dịch, những lúc nghỉ giao ca, Nhung thường tranh thủ liên lạc về gia đình và các con. Có thể gia đình mong mình an tâm nơi tuyến đầu nên đều nói gia đình vẫn ổn. Nhưng chị biết, mẹ chị thường xuyên mất ngủ, bà bị tăng huyết áp, nếu như bị cơn tăng huyết áp giữa đêm mà không ai biết, không xử lý kịp thời thì sẽ thế nào? Bé thứ hai bị bệnh tim, nếu rối loạn nhịp tim tăng nhanh quá hay chậm quá mà gia đình không biết cách xử trí thì sẽ ra sao?...
Đó là những điều chị lo lắng, nhưng chị không dám nói ra, sợ bản thân sẽ trở nên yếu đuối trước những âu lo như thế. Đồng nghiệp của chị cũng vậy, anh chị em nào cất giấu nỗi nhớ gia đình, người thân cùng những nỗi nhớ, âu lo vào công việc để mong sớm ngày đẩy lùi dịch bệnh và về cùng gia đình.
Ngày chị lên đường tham gia chống dịch, mẹ chị đưa cho một hũ sấu ngâm mắm và dặn chị giữ gìn sức khỏe. Chị có nói với mẹ: "Khi xưa bố con đã đi chiến đấu bảo vệ đất nước. Ngày nay con gái mẹ sẵn sàng làm chiến sĩ, đánh Covid-19 để bảo vệ sự bình yên".
Và chị tự hào là người chiến sĩ cùng đồng nghiệp đứng vững nơi tuyến đầu, dựng nên bức tường thành, diệt Covid-19 để bảo vệ sự bình yên cho xã hội.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn