Chị Nguyễn Thị Hồng Oanh và lá đơn kêu cứu |
Gửi đơn kêu cứu tới Báo Phụ nữ Việt Nam, chị Nguyễn Thị Hồng Oanh, SN 1975, nguyên quán phường 5, quận 8, TP HCM, cho biết đang phải nương náu tại trại Khalymat của Saudi Arabia gần 1 tháng nay. Sang làm giúp việc gia đình ở nước này từ tháng 4/2016, chị phải đổi chủ sử dụng nhiều lần và phải chịu nhiều áp lực công việc. Chị Oanh cho biết phải làm việc liên tục không có đủ thời gian để ngủ nghỉ, “ăn uống trong nhà chủ quá tồi tàn”. Không thể tiếp tục chịu đựng, chị “phải chạy đến cảnh sát để cầu cứu mong được giúp đỡ”.
Trong đơn, chị Oanh cho biết văn phòng đại diện của Công ty Cổ phần đầu tư và Hợp tác Quốc tế Nam Việt ở nước sở tại đến đón chị đến “một căn nhà chứa lao động và đem người lao động đi bán”. Họ yêu cầu chị làm bán thời gian ở nơi khác, khiến chị hoang mang, sợ hãi nên nghĩ quẩn và “tự cắt tay mình để phản đối và để được về nước. Họ phát hiện và đem tôi bỏ ra ngoài bến xe”, chị Oanh kể lại.
Lang thang nhiều ngày, không nơi ăn chốn ở nơi đất khách quê người, chị tìm đến Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia và được đưa vào trại Khalymat. Hiện tại, chị mong ngóng từng ngày giờ được cơ quan chức năng và Công ty Cổ phần đầu tư và Hợp tác Quốc tế Nam Việt sớm giải quyết để chị được về nước.
Chị Nguyễn Thị Hồng Oanh cho biết thêm: Tuần qua đã có 8 người được giải thoát về nước. Hiện tại, ở trại Khalymat còn hơn 20 nữ lao động giúp việc người Việt Nam ở cùng phòng.
Những vết bầm tím trên mặt và chân tay bà Nguyễn Thị Vân (ảnh gia đình cung cấp) |
Với trường hợp bà Nguyễn Thị Vân, SN 1976, ở xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, đang bị kẹt lại nhà chủ ở Saudi Arabia và phải chịu những trận đòn thâm tím mình mẩy. Anh Nguyễn Tuấn Minh, con trai bà Vân, hoang mang lo lắng khi nhận được thông tin và hình ảnh mẹ mình gửi về với những vết bầm tím trên mặt, chân tay.
Trao đổi với PV Báo Phụ nữ Việt Nam, anh Minh cho biết, hiện tại bà Vân vẫn đang làm việc cho 1 nhà chủ từ ngày sang Saudi Arabia từ tháng 10/2015. “Từ khi sang Saudi Arabi, mẹ tôi đã bị gia đình chủ ngược đãi và đánh đập bỏ đói khát nhiều lần. 4 tháng sau, họ trả lương cho mẹ tôi và yêu cầu mẹ tôi kí vào giấy đã nhận lương. Sau đó mẹ tôi đưa lại tiền và nhờ họ gửi về Việt Nam cho gia đình, nhưng họ không gửi và không trả lại tiền. Đến bây giờ đã qua 8 tháng, mẹ tôi không nhận được 1 đồng lương nào”.
Anh Nguyễn Tuấn Minh khẩn khoản: “Các cấp có thẩm quyền xin hãy cứu giúp để mẹ tôi có thể thoát khỏi Saudi Arabia và trở về Việt nam đoàn tụ với gia đình”.
Báo Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về trách nhiệm bảo vệ lao động Việt ở Saudi Arabia của công ty đưa người đi xuất khẩu lao động.