Thi đánh giá năng lực gây lãng phí

15:36 | 16/05/2016;
Cách tổ chức kỳ thi riêng của ĐHQG Hà Nội trước khi thi tốt nghiệp THPT tạo sức ép không nhỏ cho thí sinh và xã hội.
Đợt 1 kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội diễn ra trước kỳ thi THPT quốc gia. 
Đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội diễn ra trước kỳ thi THPT quốc gia (kỳ thi để xác định học sinh đỗ tốt nghiệp hay không, cũng là điều kiện cần để vào được ĐHQG Hà Nội). Để tham gia kỳ thi, các thí sinh phải đầu tư khá nhiều thời gian, lại vào đúng thời điểm đang cần "toàn tâm toàn ý” tập trung cho ôn thi tốt nghiệp.

Do diễn ra trước khi thi THPT, có thể có những học sinh dù đủ điểm vào ĐHQG Hà Nội nhưng lại trượt tốt nghiệp THPT. Với những trường hợp này ít nhiều sẽ lãng phí trong công tác tổ chức thi của trường cũng như công sức, thời gian và tiền bạc của thí sinh. Song vì mong muốn có được cơ hội thứ hai vào ĐH nên dù mệt, nhiều thí sinh vẫn lao vào.

Lê Ngọc Lan (học sinh lớp 12 một trường THPT ở Tuyên Quang) bộc bạch: “Nếu trượt tốt nghiệp thì dù đỗ ĐHQG Hà Nội, em vẫn không thể vào học. Em nghĩ nếu đợt 1 bài thi đánh giá năng lực tổ chức sau kỳ thi THPT quốc gia thì thuận lợi cho thí sinh hơn. Biết là bất lợi nhưng thấy bạn bè thi đông nên dù rất căng thẳng em vẫn phải lo ôn luyện để thi vào ĐHQG Hà Nội”, Lan chia sẻ.

Sau khi cho cô con gái 200.000 đồng đóng lệ phí dự thi vào ĐHQG Hà Nội, chị Hồ Thị Hà (TP Vinh, Nghệ An) đang thấp thỏm đợi kết quả khi con thông báo hoàn thành bài thi với 80 điểm. “Tốn kém quá, cho con đi học ôn, rồi thi tới mấy kỳ thi nhưng không biết có vào được trường nào hay không. Thời gian tới, con lại tham gia kỳ thi THPT quốc gia, gia đình lại phải lo thêm một khoản kinh phí nữa”, chị Hà nói.
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội năm 2016 là 70.000 em. 
Một vị giáo sư từng công tác tại ĐHQG Hà Nội cũng thừa nhận, với cách tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực hiện nay chuyện lãng phí là hoàn toàn có thể xảy ra khi thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp đã đi thi ĐH.

PGS. TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho rằng: “Có thể ôn thi vất vả, phân tán sự tập trung hơn nhưng thí sinh hoàn toàn tự nguyện khi tham gia kỳ thi này”. 

Điểm mà ông Xê cho rằng bất hợp lý là việc tổ chức đợt 1 bài thi đánh giá năng lực trước kỳ thi THPT quốc gia. “Kỳ thi của ĐHQG Hà Nội là tuyển sinh ĐH, như vậy phải làm sau khi xét tốt nghiệp THPT. Làm như bây giờ, học sinh thay vì tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT thi phải dành thời gian ôn thi bài thi của ĐHQG Hà Nội”. Để tránh lãng phí, kỳ thi của ĐHQG Hà Nội hoàn toàn có thể tiến hành sau kỳ thi THPT quốc gia, mà không ảnh hưởng gì đến chất lượng kỳ thi. 

* Lệ phí thi đánh giá năng lực ở ĐHQG Hà Nội là 200.000 đồng/thí sinh/lượt thi. Với những thí sinh dự thi để xét tuyển vào trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐHQG Hà Nội và vào các trường ĐH, CĐ không thuộc ĐHQG Hà Nội có sử dụng kết quả bài thi ngoại ngữ để xét tuyển thì cần thêm bài thi ngoại ngữ với lệ phí 150.000 đồng/thí sinh/lượt thi. Như vậy, tổng số lệ phí tối đa mà các thí sinh phải bỏ ra là 350.000đ/thí sinh/lượt thi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn