Thí điểm trong giáo dục: Đề nghị có điều luật riêng

15:40 | 29/05/2018;
Đây là một trong những nội dung thuộc báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng QH, liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được trình bày tại phiên họp Quốc hội sáng 29/5.

Thí điểm còn nhiều lúng túng

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày nêu rõ: Qua 12 năm thi hành, Luật Giáo dục đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển giáo dục, đào tạo Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Tuy nhiên, đến nay Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Việc xây dựng dự án Luật nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập về điều chỉnh pháp luật đối với giáo dục, đào tạo thời gian qua để giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong phát triển giáo dục, đào tạo, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Với các nội dung chỉnh lý, báo cáo thẩm tra do ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội trình bày sáng nay chỉ ra một vài điểm mà cơ quan này thấy chưa thuyết phục. Một trong những nội dung đó là vấn đề thí điểm trong lĩnh vực giáo dục.

vnen.jpg
VNEN là chương tình thí điểm gây nhiều tranh cãi từ phía người học, người dạy. Ảnh minh họa

Theo đó, Ủy ban cho rằng, giáo dục là một lĩnh vực quan trọng, đối tượng và phạm vi ảnh hưởng lớn, tác động lâu dài tới đời sống, xã hội. Do đó, cần cẩn trọng khi quyết định những thay đổi trong chính sách giáo dục, nhất là những chính sách liên quan đến bộ máy tổ chức, chương trình giáo dục…, cẩn trọng trong những hoạt động thí điểm, thực nghiệm trong quy trình xây dựng chính sách giáo dục.

Thực tế cho thấy, do thiếu khuôn khổ pháp lý, hoạt động thí điểm trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua còn nhiều lúng túng, hạn chế; một số chương trình thí điểm đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong cử tri và dư luận xã hội.

“Ủy ban đề nghị trong Dự thảo Luật lần này cần có Điều luật riêng về tổ chức thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, trong đó quy định những vấn đề cơ bản về mục tiêu, đối tượng, quy mô, thời gian; thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định chương trình/kế hoạch thực hiện thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục” – ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Cân nhắc kỹ khi thí điểm giáo dục

Trao đổi bên hành lang quốc hội về điều này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng QH, cho hay bà ủng hộ đề xuất có điều luật riêng cho vấn đề thí điểm trong giáo dục.

33769734_2076607715686932_617031090690850816_n.jpg
Đại biểu Mai Hoa tán thành việc thí điểm giáo dục cần có điều luật riêng. Ảnh: D.H
 

Theo bà, thực tế cho thấy ngành giáo dục có thực hiện một số thí điểm nhưng cho thấy sự thất bại. Điển hình là thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) từng gây ra nhiều dư luận trái chiều, nhiều phản ứng tiêu cực của người dạy, người học. Quá trình thí điểm qua đó cho thấy sự lúng túng rõ nét.

“Đổi mới trong giáo dục rất cần thiết. Thực hiện triển khai trong thí điểm cũng vậy, nhưng đối với ngành giáo dục, mọi thí điểm dù ở diện rộng hay hẹp đều có tác động quan trọng đến hình thành tính cách, kỹ năng, nhân cashc người học. Vì vậy, thì điểm phải hết sức cân nhắc” – đại biểu Mai Hoa nhấn mạnh.

Theo bà Mai Hoa, cái khó nhất hiện nay là vấn đề này thực chất không có những quy định trong luật. Vì thế, việc phân định ai đúng ai sai thì chưa thể đánh giá. “Cần phải có điều khoản nào đấy trong Luật sửa đổi lần này về quy trình, trách nhiệm của các bên liên quan, liên quan đến vấn đề thí điểm trong giáo dục” – bà nhấn mạnh.

Những chương trình giáo dục thí điểm thất bại

Chương trình phân ban cấp THPT: Năm 2003, chương trình phân ban chỉ có 2 ban, dự kiến là ban tự nhiên A (60% học sinh - HS) và ban xã hội C (40% HS). Khi triển khai thực tế, lượng HS theo học ban A chiếm khoảng 90%, trong khi ban C chỉ có 10%. Trước tình hình này, thay vì đến năm 2003 triển khai đại trà chương trình - sách giáo khoa mới đối với lớp 10 theo hướng phân ban thì Quốc hội đã đồng ý để Chính phủ cho thêm 2 năm nghiên cứu. Sau 2 năm thí điểm không thành công, Bộ GD-ĐT đã phải trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh chương trình thí điểm phân ban THPT. Theo phương án này, lớp 10 và 11 phân thành 2 ban như hiện nay. Đến lớp 12 sẽ phân ban sâu hơn, thành 4 ban tương ứng với 4 khối thi ĐH: A, B, C, D. Nói cách khác, việc phân ban chỉ nhằm mục đích là ôn thi ĐH.

Đề án Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 (đề án 2020): Đề án có tổng kinh phí được phê duyệt là 9.378 tỉ đồng, nhưng mới đây cũng được chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận trước Quốc hội là đã không đạt được mục tiêu, dù đây là chủ trương có tính chiến lược của những lãnh đạo tiền nhiệm.

Mô hình trường học mới (VNEN): được Bộ GD-ĐT thí điểm từ năm học 2011 - 2012 ở 6 tỉnh. Sau hơn 3 năm triển khai, đã có 54 tỉnh, thành triển khai nhân rộng áp dụng mô hình tại 2.365 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS. Số trường tiểu học tự nguyện đã gấp 2 lần số trường trong dự án. Dự án kết thúc vào cuối tháng 5.2016, ngừng hỗ trợ kinh phí cho các trường. Lúc bấy giờ, chính nhà trường và ngành GD-ĐT ở các địa phương thực hiện VNEN cũng lo ngại vì khi dự án kết thúc thì cũng đồng nghĩa với việc những thí điểm đổi mới giáo dục khi thực hiện mô hình này lại “đứt gánh giữa đường”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn