Thí sinh ‘canh’ trường để rút hồ sơ

10:03 | 12/08/2015;
Với hình thức xét tuyển ĐH, CĐ đổi mới năm nay, nhiều thí sinh ngoại tỉnh đang phải thấp thỏm lên thành phố thuê trọ để theo dõi điểm các trường và tiện rút hồ sơ chuyển nguyện vọng khác khi cần thiết.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) ĐH, CĐ dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ nộp hồ sơ đợt một từ ngày 1 đến hết 20/8. Đến nay đã quá nửa thời gian nộp hồ sơ, các trường đều đã thực hiện quy định công bố danh sách thí sinh ĐKXT nhưng mỗi trường lại đưa ra một cách công bố khác nhau, khiến thí sinh và người nhà hoang mang không biết mình đang đứng ở vị trí nào.
 
Nhiều trường công bố danh sách thí sinh ở cả 4 nguyện vọng. Với cách công bố này, nhiều thí sinh điểm cao ở ngành nguyện vọng 1 nhưng cũng có tên trong danh sách của những nguyện vọng còn lại.

Do đó, ở một ngành/trường, dù số lượng hồ sơ ít nhưng xuất hiện nhiều hồ sơ “ảo” cũng khiến không ít thí sinh thót tim, bất an.

Tại ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), một thí sinh có thể có tên nhiều lần trên bảng thống kê khiến danh sách thí sinh ĐKXT đội lên gấp nhiều lần so với thực tế.

Giáo sư Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: Những ngày qua, rất nhiều thí sinh đã hiểu không đúng về danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển của từng ngành. Trong danh sách, mỗi thí sinh có thể xuất hiện ở 4 ngành (4 nguyện vọng) nên danh sách rất dài. Nhiều thí sinh lầm tưởng đó là số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường, đông quá, nên đã xin... rút hồ sơ.

Nhiều phụ huynh lo lắng, phải theo con ra thành phố để theo dõi danh sách thí sinh ĐKXT vào trường

Có em trai thi khối D đang ngắm một số trường khối kinh tế ở Hà Nội, mấy ngày qua, chị Nguyễn Diệu Thùy (Hưng Nguyên, Nghệ An) cũng đang đỏ mắt ngóng từng bảng điểm dài dằng dặc.
 
“Năm nay bảo là đơn giản thuận lợi hơn cho thí sinh và người nhà đâu chẳng biết chứ mình thì thấy phức tạp hơn. Mình quê ở xa, nếu nộp sớm thì sợ nhỡ đâu không có khả năng đỗ ngành/trường đăng ký, muốn thay đổi nguyện vọng thì phải ra Hà Nội để rút hồ sơ. Mà nếu nộp sát hạn thì ở xa cũng lo lỡ trục trặc tàu xe hoặc chuyển phát bưu điện lại hỏng việc”.

Dự tính nộp hồ sơ vào ĐH Kinh tế Quốc dân, từ đêm 10/8 em Lê Thị Mai (Nghệ An) đã rục rịch tính bắt xe ra Hà Nội thuê trọ để tiện việc rút nộp hồ sơ nếu cần thiết.

Chị Trịnh Thị Quỳnh Nga (Yên Định, Thanh Hóa) từ cuối tuần vừa rồi đã tranh thủ ngày nghỉ dẫn 3 người em ra Hà Nội để đầu tuần kịp nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.

“Bộ Giáo dục nói tiết kiệm chi phí với bớt công sức của thí sinh và người nhà đâu không biết chứ như tôi mất toi tiền triệu chi phí đi về, ăn, thuê phòng trọ để phục vụ “đoàn quân” tới tận nơi nộp hồ sơ cho chắc ăn. Theo qui định, thí sinh có thể gửi hồ sơ qua đường bưu điện nhưng ai giám sát được việc này, lỡ may hết ngày trường bảo chưa nhận được hoặc không thấy thí sinh gửi hồ sơ đăng ký xét tuyển về thì biết “cãi” sao?”.

Chị Hồ Thị Huệ (Nghệ An) cũng đang như ngồi trên lửa khi ngồi chực chờ thông tin nộp hồ sơ xét tuyển ĐH cùng có cô con gái.

“Nghe chuyện mấy đứa bạn của con gửi hồ sơ chuyển phát nhanh qua đường bưu điện đến các trường cách đây 4-5 ngày mà giờ vẫn chưa thấy có tên trên danh sách cập nhật bảng điểm, tôi quyết định sẽ bắt xe cùng con ra Hà Nội để nộp hồ sơ cho chắc ăn. Như thế này thật là mất công và tốn kém nhưng gia đình mới yên tâm được”, chị Huệ sốt ruột.

Thí sinh phải trực tiếp đến hoặc ủy quyền cho người thân bằng văn bản đến trường đã nộp hồ sơ để rút hồ sơ. Tuy nhiên, cần tìm hiểu thông tin cụ thể trên website của trường bởi mỗi trường có thể sẽ có quy định cụ thể riêng về thời gian từ khi đăng kí rút hồ sơ đến khi rút được. Sau khi rút hồ sơ, thí sinh điền lại nguyện vọng ở Giấy đăng ký xét tuyển và sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi đã rút ra để nộp sang trường khác.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn