Lưu ý các mốc thời gian đăng ký tuyển sinh
Theo Bộ GD&ĐT, kỳ tuyển sinh năm nay, thí sinh vẫn có quyền được đăng ký không giới hạn số lượng NV xét tuyển và được điều chỉnh NV một lần sau khi có kết quả thi.
Thời gian đăng ký xét tuyển được chính thức chốt là từ ngày 1/4 đến 20/4. Các Sở GD&ĐT và điểm thu nhận hồ sơ bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, chính thức nhập thông tin đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển đợt 1 của thí sinh vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Từ 10/5 đến 31/5, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp khối sư phạm tải dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển từ Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để tham khảo.
Bộ GD&ĐT cũng quy định thống nhất trước 17h ngày 16/8, Các trường ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm phải công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Cũng với thời hạn này, các trường còn phải cập nhật thông tin thí sinh xác nhận nhập học vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Dự kiến ngày 18/7, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên.
Theo kế hoạch, trước ngày 19/7, các trường ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm chuẩn) trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và trang thông tin điện tử của trường.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, năm 2018, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh đăng ký xét tuyển một lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức: Trực tuyến hoặc bằng Phiếu đăng ký xét tuyển. Trong thời gian thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, các trường không cập nhật, không công bố thông tin thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường.
Thí sinh thực hiện điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển theo phương thức trực tuyến từ 19 đến 26/7. Nếu thí sinh thực hiện điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển bằng Phiếu đăng ký xét tuyển thì thời hạn được kéo dài hơn, từ ngày 19 đến 28/7.
Việc xét tuyển các đợt bổ sung sẽ được thực hiện từ ngày 22/8.
Thí sinh nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng?
Dù việc đăng ký NV không giới hạn số lượng nhưng không có nghĩa là thí sinh có thể đăng ký bao nhiêu NV tùy thích. Điều này cũng không đồng nghĩa với việc đăng ký càng nhiều thì cơ hội đỗ đại học càng cao.
Về điều này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GD đại học, Bộ GD&ĐT lưu ý, thí sinh cần có đầy đủ các thông tin về trường mình định đăng ký. Từ đó, nên chọn phù hợp nhất là từ 3 đến 5 NV.
“Tôi nghĩ, quan trọng không phải đăng ký bao nhiêu NV mà các em có được những thông tin thiết thực mang ý nghĩa trực tiếp cho việc đăng ký NV của mình hay không. Ví dụ, các em có hiểu về các ngành học đó, năng lực sở trường, sự đam mê của mình hay không để chọn những ngành học phù hợp. Và, được làm việc trong ngành nghề mình yêu thích thì công việc sẽ làm niềm vui, đó mới là quan trọng” - bà Phụng lưu tâm.
Vụ trưởng Vụ Đại học nhấn mạnh, nếu thí sinh có đủ thông tin để lựa chọn rồi thì nên chọn theo hướng: NV có thể hơi thấp so với năng lực để đề phòng rủi ro. Nhưng, cũng có những NV ngang bằng với năng lực của các em để khả năng trúng tuyển cao và có các NV cao hơn một chút so với khả năng để cố gắng phấn đấu.
“Như vậy, các em có từ 5 đến 6 NV là có thể là xác định được khả năng trúng tuyển ở mức độ cao. Thực tế, trong những năm qua, mức trung bình thí sinh đăng ký từ 3 đến 5 NV” - bà Phụng cho hay.