Cuộc thi Hoa hậu Áo dài Việt Nam 2022 không chỉ tôn vinh áo dài Việt, quảng bá các địa danh du lịch nổi tiếng mà còn có nhiều đóng góp cho hoạt động thiện nguyện. Gần 1 tháng diễn ra cuộc thi, các thí sinh đã có nhiều hoạt động, nhiều chuyến đi ý nghĩa. Trong đó, có dự án "Mang nước về vùng xa" tại bản Trình Tường, thôn Pắc Cương, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh.
Chia sẻ những khó khăn vất vả của người dân bản Trình Tường với Hải Lý và các thí sinh Hoa hậu Áo dài Việt Nam, Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Lâm trường 156 cho biết: "Trình Tường hiện có 13 hộ gia đình với trên 70 nhân khẩu là người dân tộc Dao, trên địa bàn có 2 cột mốc biên giới quốc gia. Ở nơi này, người dân vẫn chưa có nước sạch mà chủ yếu dùng nước từ "mó" - mạch nước ngầm chảy từ trong núi ra mang về để sử dụng. Điện ở đây mới nối tới cho người dân và chúng tôi cũng đã vận động người dân đưa trẻ em đến trường học, lưu giữ nước ở "mó" cho người dân sử dụng làm nước sinh hoạt. Người dân không phải vất vả vào sâu trong núi để đưa nước về nữa. Khắc phục là thế nhưng vẫn còn những khó khăn khi mỗi lần lũ quét hay mưa lớn là bản làng bị ngập lụt…".
Thí sinh Hải Lý đến từ Hà Nội cho biết, đến với Trình Tường vào những ngày nắng nóng, cô cùng các người đẹp tham gia cuộc thi Hoa hậu Áo dài Việt Nam 2022 đã được nghe những câu chuyện giữ đất, giữ người - những trăn trở với những khó khăn, vất vả của đồng bào nhưng vẫn lấp lánh niềm tin của những chiến sĩ ở Lâm trường 156 (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327, Quân khu 3).
Người đẹp Hải Lý chia sẻ, điều khiến cô hạnh phúc khi đến với cuộc thi là được trải nghiệm rất nhiều hoạt động và được tiếp xúc với những điều mới mẻ. Mỗi nơi đi qua, chứng kiến nhiều cuộc sống còn khó khăn, cô thêm hiểu giá trị của cuộc sống, và biết rằng mình cần nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa. Hành trình đến với Bình Liêu, được tận mắt chứng kiến những khó khăn, vất vả của người dân nơi này, cô thực sự xúc động.
Với quan niệm, lòng nhân ái chính là điều làm nên cốt cách của phụ nữ Việt Nam, nhiều năm nay, người đẹp Hải Lý đã thực hiện nhiều hoạt động vì cộng đồng ý nghĩa. Cô được công chúng biết đến thông qua các chương trình như đọc sách mỗi ngày, chia sẻ bí quyết làm cha mẹ… và là hạt nhân của nhiều chương trình thiện nguyện.
Với kinh nghiệm gần 10 năm hoạt động thiện nguyện khắp cả nước cùng Hội Chữ thập đỏ Hà Nội, cô đã thành công trong việc vận động cộng đồng của mình tham gia vào công tác thiện nguyện của cuộc thi Hoa hậu Áo dài Việt Nam. Ở dự án mang nước sạch đến cho bà con Trình Tường, Hải Lý đã vận động được số tiền hơn 111 triệu đồng.
"Điện, nước sạch là những điều kiện thiết yếu cho cuộc sống sinh hoạt của người dân nhưng ở đây, nước sạch rất khan hiếm, phải trông chờ vào nguồn nước tự nhiên. Từ thực tế này, tôi đã cùng với các thí sinh tham gia vận động quyên góp tiền thiện nguyện xây dựng hệ thống nước sạch cho bà con nơi đây. Mong ước của tôi là góp phần đưa được nguồn nước sạch để đảm bảo sức khỏe cho bà con, cũng như có nước để bà con trồng lúa, trồng cây, chăn nuôi để yên tâm sống và cùng các chiến sĩ bảo vệ biên cương của Tổ quốc", Hải Lý nói.
Để kêu gọi được sự đồng lòng của cộng đồng, Hải Lý cho biết, có lòng tốt thôi chưa đủ, điều quan trọng nữa là cần làm chuyên nghiệp và minh bạch. Vì vậy, cô đã lập một tài khoản riêng để nhận tiền ủng hộ của bạn bè. Kết thúc thời hạn quyên góp, cô công khai toàn bộ số tiền trong tài khoản và cập nhật hoạt động chuyển khoản để thông báo với người đóng góp, ủng hộ.
Sau khi kết thúc cuộc thì dù đạt giải hay không đạt giải, Hải Lý và các thí sinh Hoa hậu Áo dài Việt Nam đều bày tỏ quyết tâm sẽ quay trở lại Trình Tường để hỗ trợ các chiến sĩ lâm trường 156 và những người dân nơi đây. Các thí sinh đều mong muốn xây dựng nguồn nước sạch, xây dựng trường học và mỗi giếng nước sẽ trồng một cây cam, mận, đào, mơ xen canh. Bởi lẽ, tại vùng đất, thổ nhưỡng khí hậu nơi này vốn khô cằn, cam, mận, mơ, đào được xem là loại cây quý hiếm. Bên cạnh đó, khu vực nước sạch cũng sẽ được treo bảng của các thí sinh Hoa hậu Áo dài - Hoa hậu nhân ái tặng như một cách để ghi dấu hình ảnh người đẹp Việt tại vùng đất biên cương này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn