Nhiều thí sinh vẫn đang chưa biết nộp hồ sơ vào trường nào. Ảnh: QUÝ TRUNG
“Ngành đậu thì không thích”
Ở đợt xét tuyển bổ sung lần 2, phần lớn các trường còn chỉ tiêu đều đưa ra điều kiện nhận hồ sơ là thí sinh đạt 15 điểm trở lên với các tổ hợp xét tuyển ĐH và 12 điểm trở lên với các tổ hợp xét tuyển CĐ. Chỉ có một số ngành nóng tại một số trường là có ngưỡng điểm cao hơn. Chẳng hạn, ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu tuyển sinh theo 2 phương thức: xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia và xét tuyển theo học bạ THPT. Với phương thức xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia, các ngành học như Đông phương học, Quản trị kinh doanh đều lấy điểm bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (15 điểm), riêng chuyên ngành Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn và Ngôn ngữ Nhật Bản trình độ ĐH, điểm xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 là 17.
Đạt 15 điểm ở THPT Quốc gia năm nay, em Nguyễn Văn Hùng (Q.1, TPHCM) đang băn khoăn liệu có nên nộp đơn xét tuyển bổ sung vào trường ĐH Văn hóa TPHCM. Hùng muốn vào khoa Văn hóa học nhưng ngành này lại đưa ra ngưỡng xét tuyển tới hơn 18 điểm. Những ngành khác như khoa học thư viện, bảo tàng học... có thể đủ điều kiện đậu nhưng lại không phải ngành học mà em thích.
Không chỉ Hùng mà nhiều thí sinh khác cũng chung tâm trạng “ngành thích thì không đậu, mà ngành đậu thì lại không thích”. Em Nguyễn Thu Hương (Nam Định) cho biết, em có mong muốn được học sư phạm Toán trình độ ĐH. Nhưng chỉ còn ĐH Hoa Lư (Ninh Bình) là tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 với ngưỡng điểm 15. “Em rất băn khoăn sẽ nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH này hay là đợi năm sau... “phục thù” để vào ĐH khác”, Hương chia sẻ.
Trường nâng niu thí sinh
Càng trong những đợt tuyển nguyện vọng bổ sung sau, phía các trường lại càng rơi vào “thế yếu”.
ĐH Lâm nghiệp là một trong số những trường qua 2 đợt tuyển sinh vẫn còn thiếu nhiều chỉ tiêu nên vẫn phải tiếp tục tuyển bổ sung cho 25 ngành ngay ở cơ sở chính (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ông Cao Quốc An, Trưởng phòng Đào tạo của trường, cho biết, mọi năm trường chỉ tuyển đến đợt 2 là thừa chỉ tiêu. Năm nay, lẽ ra tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 đã phải rất nhộn nhịp nhưng thực tế thì ngược lại. Ông An cũng không dám nói gì khả quan cho đợt tuyển bổ sung nguyện vọng đợt 2. Tại Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ), trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1, mỗi ngày trường chỉ nhận được khoảng 50 hồ sơ, dẫn tới kết thúc đợt tuyển sinh, trường vẫn thiếu nhiều chỉ tiêu. Đại diện nhà trường cho biết, do quy định mỗi thí sinh có thể nộp hồ sơ cùng lúc cho 3 trường trong đợt xét tuyển bổ sung, nên ngay cả khi thí sinh đã trúng tuyển thì trường cũng không dám chắc em đó liệu có nhập học vào trường hay không.
Cũng như trong xét tuyển bổ sung nguyện vọng đợt 1, thí sinh khi xét tuyển bổ sung lần 2 không phải nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi mà sử dụng số mã vạch của mỗi giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào 1 trường duy nhất. Thí sinh có thể sử dụng tối đa 3 phiếu để đăng ký vào 3 trường khác nhau trong mỗi đợt xét tuyển. Nhiều hiệu trưởng cho biết “vẫn rất lo ngại về tình trạng thí sinh ảo. Chúng tôi ra sức nâng niu thí sinh mà các em cũng chẳng chịu vào. Tình trạng thí sinh ảo khiến cho chúng tôi không thể chủ động trong tuyển sinh. Trong khi đó, thí sinh cũng lừng khừng, “kén cá chọn canh” vì có quá nhiều nguyện vọng để chọn lựa chứ không quyết ngay, dù thời gian khóa sổ tuyển sinh năm 2015 không còn quá dài”.