Thi THPT Quốc gia 2018: “Bao sân” cả chương trình lớp 11

17:48 | 26/09/2017;
Từ năm 2018, thí sinh thi THPT Quốc gia sẽ thi cả chương trình lớp 11 thay vì chỉ gói gọn trong chương trình học lớp 12. Từ 2019, kiến thức thi sẽ phủ rộng toàn bộ chương trình THPT.

Chốt phương án thi 2018

Bộ GD&ĐT vừa chốt phương án thi THPT Quốc gia 2018. Cách thức thi vẫn cơ bản giữ nguyên, thay đổi lớn nhất là kiến thức ôn tập sẽ không còn gói gọn trong chương trình lớp 12 mà sẽ gồm cả chương trình học lớp 11.

Thí sinh sẽ học rộng hơn để chuẩn bị kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, trong giai đoạn 2018-2020 trước khi chương trình giao dục phổ thông mới được áp dụng thì việc tổ chức thi các bài thi, môn thi sẽ không thay đổi gì so với năm 2017. Các giải pháp kỹ thuật sẽ được tăng cường thêm trong những năm tới nhờ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được hoàn thiện, bổ sung và công nghệ thông tin trong việc tổ chức kỳ thi được áp dụng phổ biến hơn.

“Những điều chỉnh kỹ thuật trong những năm tới cũng đã được công bố trước trong quy chế thi/tuyển sinh năm 2017, như việc bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, nội dung thi ngoài chương trình lớp 12 còn có phần liên quan lớp 11 (đối với kỳ thi năm 2018) và liên quan đến cả chương trình THPT (đối với kỳ thi năm 2019)”. Về điểm mới nhất, phủ rộng kiến thức thi, theo ông Bùi Văn Ga, đề thi được thiết kế có 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao để phân hóa. Vì số câu hỏi phân hóa ít nên mức độ phân hóa đề thi có phần hạn chế so với đề thi chỉ dùng với mục đích tuyển sinh.

“Để cải thiện việc này, ngay từ đầu năm học mới, Bộ đã giao Cục Quản lý chất lượng tiếp tục triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, tăng cường mức độ phân hóa cho đề thi. Bộ sẽ công bố đề thi minh họa trong thời gian tới để thí sinh tham khảo”- Thứ trưởng Ga nói.

Vẫn duy trì môn thi tổ hợp, điểm thi thành phần

Trước băn khoăn của nhiều phụ huynh, học sinh về việc thi một bài thi tổ hợp, nhưng không khác nào thi ba môn thi độc lập, số lượng môn thi do đó vẫn nhiều như trước đây, ông Bùi Văn Ga cho hay vẫn tiếp tục duy trì hai bài thi Khoa học Tự nhiên (KHTN) và Khoa học Xã học (KHXH).

Thừa nhận việc tổ chức bài thi tổ hợp thống nhất, lấy một đầu điểm thì khâu tổ chức thi sẽ đơn giản hơn, thí sinh nhận đề thi một lần như những môn thi khác, song theo Thứ trưởng Ga, nếu thực hiện sẽ gây lo lắng đối với thí sinh vì các em đã định hướng thi theo khối xét tuyển ĐH từ những năm trước.

Mặt khác, nếu không có điểm các môn thi thành phần thì các trường ĐH sử dụng kết quả thi để xét tuyển cũng không kịp xây dựng phương án tuyển sinh.

“Thực tế năm 2017, các trường có thể xây dựng tổ hợp xét tuyển dựa trên kết quả toàn bài thi KHTN, KHXH nhưng số trường có tổ hợp này hầu như không đáng kể, đặc biệt là những trường có tính cạnh tranh cao hầu như không có trường nào sử dụng tổ hợp xét tuyển gồm điểm các bài thi tổ hợp mà đều sử dụng điểm của các môn thi thành phần”- ông nhấn mạnh.

Việc duy trì môn thi tổ hợp còn liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông mới, bởi học sinh cấp THPT ngoài các môn bắt buộc sẽ được chọn học các môn trong các nhóm KHXH, nhóm KHTN, nhóm công nghệ và nghệ thuật.

Liên quan đến khâu tuyển sinh, đại diện Bộ GD&ĐT cũng “hé lộ” đôi chút phương án tuyển sinh của các trường. Theo đó, các trường ĐH tiếp tục đẩy mạnh tự chủ tuyển sinh theo qui định của Luật Giáo dục ĐH.

Hầu hết các trường đều mong muốn Bộ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nghiêm túc, công bằng, tin cậy để các trường sử dụng kết quả xét tuyển. Theo Thứ trưởng Ga, sau những thành công bước đầu của cách thi mới trong 3 năm qua, Bộ GD&ĐT tiếp tục điều chỉnh kỹ thuật để nâng cao chất lượng kỳ thi, tránh xáo trộn phương thức thi để thí sinh ổn định tâm lý tốt nhất cho kỳ thi.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn