Thi THPT Quốc gia: Đề xuất chấm thi kiểu ma trận

16:49 | 05/10/2018;
Sau ồn ào gây chấn động dư luận về vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tập trung thay đổi về khâu kỹ thuật, trong đó có quy trình chấm thi nhằm khách quan nhất để đảm bảo công bằng cho thí sinh.

Giải pháp tránh “bắt tay” giữa các tỉnh

Chia sẻ tại một hội thảo chuyên đề về đổi mới thi cử mới đây, bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam - nhận định kỳ thi THPT Quốc gia vẫn rất cần thiết, bởi đây là cơ sở đánh giá năng lực 12 năm của học sinh. Kỳ thi cũng giải quyết được áp lực tốn kém, mệt mỏi cho xã hội, đặc biệt là thí sinh.

Về mặt Nhà nước, kỳ thi cũng là dữ liệu tham chiếu để có cơ sở đưa ra các chủ trương, chính sách trong quy hoạch đầu tư, phát triển giáo dục.

lam-thu-tuc-du-thi-1497969250.jpg
Ảnh min họa
 

Tuy  nhiên, do xảy ra tiêu cực trong khâu chấm thi thời gian qua, ngành giáo dục trước hết cần tập trung thay đổi quy trình chấm thi về mặt kỹ thuật. Bên cạnh việc hoàn thiện phần mềm chấm thi, bà Nga cho rằng cần cân nhắc kỹ việc có nên tổ chức chấm thi chéo hay không.

“Theo tôi không nên chấm chéo, thay vào đó nên có ma trận tổ chức chấm thi phù hợp, chặt chẽ, tránh hiện tượng “bắt tay” nhau giữa các tỉnh. Ma trận chấm thi sẽ phức tạp hơn chấm chéo giữa 2 tỉnh với nhau, nhưng cũng sẽ chặt chẽ, đảm bảo sự công bằng, khách quan hơn" - bà Nga nói.

Cùng với việc tổ chức ma trận chấm thi (số hóa dữ liệu bài thi), để đảm bảo kỳ thi thành công, bà Nga đề xuất khâu câu hỏi đề thi cũng cần tổ chức đầu tư hơn, trong đó xây dựng ngân hàng câu hỏi phong phú. Đa dạng hơn và phải theo xu hướng đánh giá được năng lực của thí sinh.

Cân nhắc về tổ hợp xét tuyển

Nói về kỳ thi THPT Quốc gia, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng, khâu tuyển sinh cần xem lại khi có quá nhiều tổ hợp tuyển sinh (156 tổ hợp). Ông dẫn chứng, 26 điểm tổ hợp Toán, Vật lý, Hóa học rõ ràng khác với 26 điểm tổ hợp Địa lý, Giáo dục công dân và một môn thứ 3 về chất lượng học tập.

“Tổ hợp của ĐH Quốc gia Hà Nội chúng tôi bao giờ cũng có môn Toán bởi theo thông lệ thế giới là có Toán, Ngữ văn và Lịch sử. Do vậy, tôi cho rằng về tổ hợp xét tuyển thì cần cân nhắc, bởi nếu tổ hợp xét tuyển không cơ bản thì lợi bất cập hại, chúng ta tuyển sinh đủ chỉ tiêu nhưng chất lượng bị ảnh hưởng”, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay.

Ông Đức đề xuất, đề thi phải có môn Toán và Ngữ văn làm giá trị cốt lõi. Với ngành ngoại ngữ có thêm ngoại ngữ, ngành y có thêm môn Sinh học, Hóa học. Chúng ta không nên tràn lan tổ hợp xét tuyển.

Còn theo PGS.TS Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, vẫn cần có nhiều bài học kinh nghiệm về tổ chức, quản lý thi để tránh lặp lại tiêu cực không đáng có vừa qua.

“Quan điểm của chúng tôi là điều gì xác định về phương thức tổ chức cơ bản phù hợp, đáp ứng thì đổi mới. Những gì tồn tại bất cập, lỗ hổng thì khắc phục theo hướng làm cho kỳ thi tốt lên. Việc khắc phục các sự cố giúp cho chất lượng kỳ thi tốt hơn thuộc vấn đề kỹ thuật, triển khai”, ông Thắng nhấn mạnh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn