Thi tốt nghiệp THPT: Dù đã được tuyển thẳng vào đại học, nhiều thí sinh vẫn căng thẳng

07:52 | 07/07/2022;
Dù đã nhận được thông báo được tuyển thẳng vào ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội nhưng con trai chị Hà Thị Minh (Bạch Mai, Hà Nội) vẫn căng thẳng, “lo đến không ăn nổi”.

Lẽ ra, khi có "tấm vé" vào trường ĐH thì kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ trở nên nhẹ nhàng với thí sinh. Bởi, chỉ cần đỗ tốt nghiệp, "tấm vé" tuyển thẳng chính thức có hiệu lực. Như thế, trước và trong kỳ thi, thí sinh tha hồ "ăn no ngủ kỹ", không phải lo gì.

Vậy mà, con trai chị Minh vẫn cảm thấy lo lắng. Chị Minh cho biết, con trai chị có tâm lý không tốt nên thường có cảm giác lo âu trước những kỳ thi quan trọng. Trong kỳ thi vào lớp 10 cũng vậy, dù lực học của con giỏi nhưng vì tâm lý lo lắng mà con suýt trượt trường THPT Thăng Long. Cũng may, năm 2019, điểm chuẩn trường THPT Thăng Long "thấp kỷ lục", con trai chị mới có thể đỗ.

Dù đã được tuyển thẳng vào ĐH, thí sinh vẫn 'lo đến không ăn nổi' - Ảnh 1.

Để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tâm lý bình tĩnh, tự tin rất quan trọng. Ảnh minh họa: T.H

Ở kỳ thi này cũng vậy, tâm lý của con vẫn không vững vàng. Dù được tuyển thẳng vào ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội nhưng đây không phải là nguyện vọng số 1 của con. Trường mà con chị muốn vào là ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Ngoại giao. Thế nên, dù có "tấm vé" vào ĐH thì kỳ thi tốt nghiệp THPT này vẫn rất quan trọng với con. Con áp lực, lo lắng vì sợ mình không làm bài tốt, không đạt được đúng nguyện vọng của mình.

Thấy con lo đến mức không nuốt nổi cơm, tối qua, chị Minh mua cho con phở xào - món ăn yêu thích nhất của con. Vậy mà con vẫn không thể ăn được. Nỗi lo hiện lên khuôn mặt con khiến chị Minh cũng lo không kém. Đêm qua, thấy con trằn trọc mãi mới ngủ, chị Minh cũng mất ngủ theo con. Người mẹ này chỉ lo, với tâm lý không vững, con sẽ mất bình tĩnh và làm bài không tốt. Như vậy, con sẽ không đỗ được vào ngôi trường mà con ao ước.

Dù đã được tuyển thẳng vào ĐH, thí sinh vẫn 'lo đến không ăn nổi' - Ảnh 2.

Sự kỳ vọng của bố mẹ, người thân có thể khiến thí sinh bị áp lực trong kỳ thi. Ảnh minh hoạ: T.H

Nỗi lo của con chị Minh đến từ tâm lý không ổn định, còn nỗi lo của con trai chị Phạm Huyền Thanh (Khương Thượng, Hà Nội) lại đến từ… người ngoài. Chị Huyền Thanh cho biết, cả chiều và tối qua, con chị "tất bật" nhận điện thoại. Khi thì lời chúc thi tốt của ông bà ngoại, lúc lại là lời dặn dò của người bác, hoặc lời động viên, cổ vũ của người dì. Trong những lời chúc, lời dặn dò ấy là bao nhiêu kỳ vọng mọi người gửi gắm đến con.

Chị Thanh kể, lúc trước, con trai chị không quá lo lắng về kỳ thi này, thế nhưng từ khi nhận những lời "gửi gắm" của người thân, cậu con trai cảm thấy như có gánh nặng. Mặc dù mẹ luôn giục con phải đi ngủ, không học trước ngày thi nhưng cậu vẫn kiên quyết ôn bài. Thấy con 12h đêm vẫn chưa đi ngủ, chị Huyền Thanh thực sự sốt ruột. Chị chỉ lo, gánh nặng từ sự kỳ vọng mà mọi người dành cho con trai sẽ khiến con lo lắng mà ảnh hưởng đến tâm lý. Sáng nay, thấy con chỉ ăn được nửa bát phở và kêu đau bụng, chị biết con rất hồi hộp. Thế nhưng, chị cố coi mọi việc bình thường để con không cảm thấy áp lực thêm. 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT tưởng là không căng thẳng vì thí sinh có nhiều nguyện vọng nhưng thực tế lại rất áp lực với những thí sinh muốn đỗ được trường đúng mơ ước của mình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn