Dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ vẫn có 5 bài thi. Trong đó có 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (gồm các phân môn Vật lý, Hoá học, Sinh học) và Khoa học xã hội (gồm các phân môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Ngoài Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài khác thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Học sinh lớp 12 bắt buộc phải dự thi 4 bài để xét tốt nghiệp, bao gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp như trên.
Những thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT) nhưng muốn dự thi để sử dụng kết quả thi xét tuyển đại học, cao đẳng có thể đăng ký dự thi các bài thi, môn thi trong bài thi tổ hợp phù hợp với tổ hợp muốn sử dụng đăng ký xét tuyển.
Tối 31/3/2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành đề thi tham khảo của 9 môn thi nằm trong các bài thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (xem chi tiết tại phunuvietnam.vn). Đề thi tham khảo giúp giáo viên, học sinh nắm được cấu trúc đề thi để có định hướng ôn tập. Đề thi sẽ bám sát kiến thức, kỹ năng trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, được xây dựng theo ma trận với 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Trong đó, theo đề thi tham khảo đã công bố, tỷ lệ câu hỏi ở mức vận dụng, vận dụng cao chỉ chiếm 10%-15% tổng nội dung đề thi. Với định hướng này, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản, có kỹ năng làm bài tốt là có thể đạt mức điểm 7,5 trở lên.
Tuy nhiên, để tiệm cận với định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới (sẽ triển khai ở lớp 10 năm học tới), đề thi tốt nghiệp THPT có những câu hỏi mở, khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức giải thích những vấn đề trong cuộc sống, khuyến khích tư duy độc lập, sáng tạo.
Trong 2 năm trở lại đây, khi kỳ thi được trả về cho mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT, bên cạnh đó, nhiều học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã có hướng điều chỉnh để đề có độ khó vừa phải, bám sát kiến thức cơ bản. Đề vẫn có khoảng 10%-15% nội dung ở mức vận dụng cao - đây là phần mà nhiều thí sinh muốn sử dụng kết quả này để xét tuyển đại học phải cố gắng đạt được. Còn thí sinh dự thi chỉ để lấy điểm xét tốt nghiệp THPT thì chỉ cần ôn tập căn bản là đạt yêu cầu.
"Thí sinh chắc kiến thức cơ bản có thể đạt 80% yêu cầu của đề thi", một chuyên viên của Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, nói về định hướng ra đề theo ma trận đã được xây dựng.
Tuy nhiên, trong các kiến nghị về Bộ, năm nay nhiều trường đại học cho rằng Bộ cần điều chỉnh để tăng tính phân hóa hơn nữa ở đề thi nếu như Bộ vẫn khuyến khích áp dụng phương thức sử dụng kết quả thi để tuyển sinh.
Có một điểm nữa thí sinh cần chú ý là đề thi sẽ chỉ ra vào phần nội dung kiến thức cốt lõi nằm trong hướng dẫn điều chỉnh nội dung chương trình đã được Bộ GD&ĐT ban hành vào tháng 9/2021. Các nội dung được xác định là "tự học", "tự đọc thêm", "tự làm ở nhà" hoặc "không học" sẽ không nằm trong phạm vi nội dung đề thi sẽ ra.
Khi Bộ GD&ĐT ban hành Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT sẽ chốt lịch thi cụ thể, tuy nhiên theo dự kiến, kỳ thi tốt nghiệp năm 2022 sẽ vẫn tổ chức vào đầu tháng 7/2022. Bộ GD&ĐT mong muốn chỉ tổ chức 1 đợt thi chung cho thí sinh ở 63 Sở GD-ĐT.
Tuy nhiên, trường hợp có những địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như 2 năm qua, các Sở GD-ĐT sẽ báo cáo về Bộ. Căn cứ vào đề xuất của các địa phương, Bộ có thể sẽ tổ chức thêm đợt thi cho những thí sinh không có điều kiện tham dự đợt 1, tương tự như các năm 2020, 2021.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương có kế hoạch để hoàn thành chương trình năm học muộn nhất là vào 30/6. Nếu có địa phương kết thúc muộn hơn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì Bộ GD&ĐT sẽ phải điều chỉnh lùi lịch thi tốt nghiệp THPT.
Kỳ thì tốt nghiệp THPT năm 2022 vẫn duy trì việc giao cho các địa phương tổ chức tất cả các khâu coi thi chấm thi, thanh tra thi… Bộ GD&ĐT chỉ chịu trách nhiệm ra đề thi chung, huy động lực lượng từ các trường đại học, cao đẳng để giám sát kỳ thi.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT nhập dữ liệu kết quả thi, dữ liệu điểm học tập ở THPT lên hệ thống quản lý thi, tiến hành giúp các trường đại học, cao đẳng "lọc ảo" để xét tuyển đại học. Bộ GD&ĐT cũng thực hiện việc đối sánh kết quả thi và kết quả học tập của học sinh ở bậc THPT để phân tích sự chênh lệch, tìm nguyên nhân để khắc phục, nâng chất lượng giáo dục phổ thông.
Nhiều giải pháp kỹ thuật từng dược thực hiện các năm trước sẽ vẫn được áp dụng nhằm chống gian lận. Ví dụ cách sắp xếp phòng thi trộn lẫn học sinh hệ THPT, hệ Giáo dục thường xuyên, thí sinh tự do để tránh tình trạng có thể có chuyện "gà bài tập thể" trong các phòng thi, điểm thi. Ở khâu in sao đề thi, chấm thi, ngoài giám sát của con người còn có giám sát của camera cùng với quy trình chặt chẽ hơn của phần mềm chấm thi.
Khi Bộ GD&ĐT chưa chủ trương tách hẳn kỳ thi tốt nghiệp THPT khỏi vấn đề tuyển sinh đại học, cao đẳng thì kỳ thi này vẫn áp lực, căng thẳng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gian lận nếu không có biện pháp ngăn chặn.
Năm nay là năm thứ 3, Bộ GD&ĐT cho phép các trương đại học tự chủ trong tuyển sinh, với nhiều phương thức khác nhau. Song, Bộ vẫn khuyến khích các trường sử dụng và nâng tỷ lệ chỉ tiêu cao hơn cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn