Một số chuyên gia BĐS chỉ ra nguyên nhân, đó là do giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, quỹ đất khan hiếm và giá đất cũng tăng cao, làm tăng giá thành và buộc các doanh nghiệp cũng phải đẩy giá bán lên theo.
Mức giá phổ biến nhất đối với căn hộ tầm trung (với các nhà đầu tư có tên tuổi như Him Lam Land, Novaland, Hưng Thịnh, Vingroup, Nam Long…) là từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Còn phân khúc cao cấp với mức giá trên 2 tỷ đồng/căn thì lượng cung rất lớn. Đơn cử như Dự án chung cư Masteri An Phú (quận 2) do Thảo Điền Investment làm chủ đầu tư, Dự án Ascent Lakeside (quận 7) của Công ty cổ phần bất động sản Tiến Phát, Dự án Gem Reverside (quận 2) của Đất Xanh, với mức giá từ 2,5 tỷ đồng/căn hộ. Rất hiếm có những dự án căn hộ với mức giá từ 1 tỷ đồng trở xuống (đã bao gồm thuế).
Trước tình hình này, Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) và một số doanh nghiệp BĐS đã lên tiếng kiến nghị chính quyền TPHCM cho phép xây dựng những căn hộ có diện tích dưới 40m2, thậm chí chỉ 25m2/căn để có thể bán với “giá rẻ” – chỉ từ 500-800 triệu đồng/căn. Hiện tại, thành phố không đồng ý cho phát triển nhà ở có diện tích dưới 40 m2/căn.
Quả thực, đây là mức giá khá “vừa túi tiền” với nhiều gia đình, nhất là với những gia đình trẻ và gia đình người lao động có thu nhập ở mức trung bình thấp. Tuy nhiên, một số chuyên gia thị trường cho rằng, nếu gọi đó là “nhà giá rẻ” thì không thật… “chuẩn”. Bởi giá thành tính trên mỗi mét vuông là khoảng 20 triệu đồng – tức không thấp hơn giá nhà thương mại ở cùng vị trí. Có nghĩa, đó không thực sự là “nhà giá rẻ” mà chỉ là “nhà có giá trị thấp”, tức “tiền nào của nấy”!
Hơn nữa, việc “nén” mật độ dân cư dày đặc như vậy sẽ gây áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng. Đặc biệt, vụ hỏa hoạn để lại hậu quả thảm khốc ở khu chung cư Carina Plaza (quận 8) vừa qua đã một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tính an toàn ở các khu chung cư – bao gồm cả chung cư giá rẻ và chung cư cao cấp.
Một khi dân cư bị “nén” trong những căn hộ diện tích quá nhỏ hẹp thì vấn đề an toàn sẽ càng trở nên nan giải hơn.
Vì thế, chủ trương của chính quyền thành phố không cho phát triển nhà với diện tích quá nhỏ là đúng. Việc giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho người thu nhập thấp cần phải triển khai theo những hướng khác, ví dụ như phát triển nhà cho thuê hoặc thuê – mua. Hiện ở TPHCM gần như chưa có thị trường căn hộ, nhà cho thuê với giá rẻ. Đây là vấn đề mà thành phố cần nghiên cứu sâu và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư.
Bên cạnh đó, được biết HoREA cũng đã có văn bản kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đề nghị phân bổ ngân sách hàng năm khoảng từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2018 - 2020 để cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội vay, với lãi suất 4,8%/năm. Đề nghị phân bổ nguồn vốn này cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 tổ chức tín dụng là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV để triển khai thực hiện.
“Về lâu dài, Hiệp hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở, trước hết là các dự án nhà ở xã hội cho thuê, tương tự như Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ trước đây, để làm giảm giá thành nhà ở xã hội”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết.
Nếu điều này trở thành hiện thực, thì thị trường sẽ có sự đột phá từ phía doanh nghiệp BĐS, đồng thời cơ hội cho hàng triệu người dân cần nhà ở sẽ tiếp tục mở rộng.