Giữa phiên chiều, sau khi tăng nhẹ 10 điểm, VN-Index vẫn chốt phiên thêm 15 điểm giảm, xuống 1.137,96 điểm. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp trong chuỗi giảm mạnh của VN-Index kể từ cuối tuần trước, tổng số điểm giảm đến nay đã lên tới 90 điểm, từ 1.226 điểm giảm xuống.
Kết quả trên chủ yếu vẫn đến từ tác động tiêu cực của nhóm bất động sản. Mặc dù vẫn là ngành thu hút dòng tiền mạnh nhất sàn (4,3 nghìn tỷ đồng) nhưng chịu áp lực sức bán, nhóm bất động sản tiếp tục là nguyên nhân lớn nhất cho đà giảm của toàn thị trường.
Cụ thể, phiên hôm nay, 2 mã cổ phiếu tác động tiêu cực tới thị trường lớn nhất đến từ VIC (Tập đoàn Vingroup, HOSE) và VHM (CTCP Vinhomes, HOSE), lần lượt đóng góp âm 1,31 và âm 1,03 vào chỉ số điểm VN-Index.
Mã NVL (Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova, HOSE) giảm mạnh 6,48%, đóng góp lớn thứ 4 cho đà giảm của thị trường (0,8 điểm).
Ngoài ra, nhóm ngân hàng cũng góp mặt vài cái tên lớn trong nhóm tác động tiêu cực, gồm: TCB (ngân hàng Techcombank, HOSE), EIB (ngân hàng Eximbank, HOSE), VCB (ngân hàng Vietcombank, HOSE)…
Tình trạng đi ngang xuất hiện phổ biến tại 782 mã, ngoài ra, toàn sàn có 513 mã giảm và 48 mã chạm sàn”.
Điểm sáng cho phiên hôm nay đến từ hơn 200 mã xanh. Trong đó, có 50 mã tăng hơn 1%, nhưng thanh khoản ở mức thấp, chỉ khoảng 12 mã giao dịch đạt trên 10 tỷ đồng.
Nổi bật là MSN (Tập đoàn Masan, HOSE), VIB (ngân hàng VIB, HOSE), DIG (Tập đoàn DIC, HOSE), CTG (ngân hàng VietinBank, HOSE)… Đây cũng là những cổ phiếu ảnh hưởng tích cực mạnh nhất tới chỉ số, dẫn đầu là MSN. Có thể nói, nhóm cố phiếu blue-chips (nhóm cổ phiếu an toàn và ổn định nhất thị trường) vẫn dễ hút dòng tiền hơn. Song, mức tăng chưa đáng kể, không đủ để kéo thị trường lên trước sức nặng đà giảm.
Diễn biến tích cực nhất được đánh giá tại nhóm cổ phiếu chứng khoán, một số mã tăng trở lại, thậm chí lên mức trần như MBS (Chứng khoán MB, HOSE) tăng 5,08% , SSI (Chứng khoán SSI, HOSE) tăng 1,81%, HCM (Chứng khoán TPHCM) tăng 1,18%… Cùng với đó, chứng khoán là nhóm ngành hút lượng tiền lớn thứ 2 trong phiên hôm nay với số tiền suýt soát với bất động sản là 4,1 nghìn tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán bắt đầu đà giảm tại phiên 22/9 với "rung lắc” khá mạnh, tạo ra xu hướng lo lắng, bất an. Do vậy, kịch bản toàn thị trường sẽ còn tiếp tục giảm sâu hơn nữa là điều dễ xảy ra.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn