Thị trường liệu pháp chống lão hóa và giấc mộng trường thọ

20:52 | 12/01/2025;
Kayla Barnes-Lentz, sống tại Los Angeles (Mỹ), chi khoản tiền lớn mỗi năm để duy trì lối sống lành mạnh với mục tiêu sống đến 150 tuổi. Người phụ nữ 33 tuổi này là một phần của ngành công nghiệp tuổi thọ đang phát triển, thu hút ​​khoản đầu tư lớn từ các tỷ phú những năm gần đây.

Từ mong muốn kéo dài tuổi thọ…

Barnes-Lentz cho biết, thói quen "biohacking" (quá trình thực hiện các biện pháp can thiệp vào lối sống dựa trên khoa học để tối ưu hóa sức khỏe) đã giúp cô đảo ngược tuổi sinh học của mình 11 năm. Là đồng sở hữu một phòng khám về tăng tuổi thọ tại Cleveland, Barnes-Lentz coi biohacking không chỉ là sở thích mà còn là một phần công việc của cô. 

Lấy cảm hứng từ liệu pháp thiên nhiên và công nghệ thời đại mới, Barnes-Lentz dựa vào tài liệu khoa học để xây dựng các giao thức sức khỏe cá nhân. Cô hợp tác với các nữ nghiên cứu sinh trong lĩnh vực sức khỏe và tuổi thọ, phát triển các phương pháp tập trung vào nhu cầu đặc thù của phụ nữ.

Barnes-Lentz mong muốn sống đến 150 tuổi để có thể dành nhiều năm hơn bên chồng Warren Lentz, 36 tuổi, người cũng áp dụng lối sống giống cô. Barnes-Lentz dành phần lớn thời gian trong ngày để thực hiện các phương pháp kéo dài tuổi thọ do cô thiết kế. 

Ngày mới của cô bắt đầu đúng 5 giờ sáng, khi cô thức dậy mà không cần báo thức. Trong chuỗi hoạt động buổi sáng của Barnes-Lentz, một phần không thể thiếu là kiểm tra tình trạng cơ thể. Đầu tiên, cô bước lên cân thông minh sinh trắc học để đo các chỉ số như cân nặng, khối lượng mỡ, mật độ xương và lượng nước trong cơ thể. Sau đó, cô kiểm tra nhẫn thông minh để nhận báo cáo về giấc ngủ và chu kỳ kinh nguyệt, tiếp đó thực hiện kiểm tra sức khỏe phổi hàng tuần bằng máy đo chức năng hô hấp.

Barnes-Lentz đặc biệt chú trọng đến hệ vi sinh vật trong miệng và tuân thủ quy trình vệ sinh răng miệng nghiêm ngặt, bao gồm cạo lưỡi và súc miệng bằng dầu dừa. Tiếp theo, cô sử dụng thiết bị trị liệu bằng trường điện từ xung để giảm viêm và tăng cường vi tuần hoàn. Đến 7 giờ sáng, cô hoàn thành quy trình buổi sáng, thưởng thức cà phê, sau đó thiền định và tắm hơi. Barnes-Lentz chỉ sử dụng thực phẩm hữu cơ được trồng theo phương pháp tái tạo và bắt đầu bữa sáng với trứng và rau lên men. 

Mỗi ngày, cô uống 20 viên bổ sung dinh dưỡng được điều chỉnh dựa trên kết quả xét nghiệm máu hàng quý. Bên cạnh đó, Barnes-Lentz đảm bảo đi bộ ít nhất 15.000 bước mỗi ngày, vượt xa mức khuyến nghị thông thường là 10.000 bước.

Đến 11 giờ trưa, Barnes-Lentz bắt đầu công việc, chia thời gian thành các phân đoạn tập trung 90 phút và thực hành kỹ thuật thở để giảm căng thẳng. Văn phòng của cô cũng có hệ thống lọc không khí và sử dụng ánh sáng tự nhiên thay vì đèn LED để tránh làm gián đoạn nhịp sinh học. Tiếp đó, cô dành một giờ trong buồng oxy cao áp để cung cấp oxy cho tế bào. Sau bữa trưa, cô ngâm mình trong nước lạnh, tiếp theo là sử dụng máy rung toàn thân để hỗ trợ giải độc cơ thể.

Barnes-Lentz tự chuẩn bị bữa ăn từ thực phẩm hữu cơ mua tại Erewhon, chuỗi cửa hàng tạp hóa cao cấp tại Mỹ. Cô ăn tối lúc 17 giờ 30 phút, với thực đơn chính gồm trái cây, rau củ và thịt tươi, hoàn toàn tránh xa thực phẩm chế biến. Sau bữa tối, cô thường dành một giờ đi bộ ngoài trời để hòa mình với thiên nhiên, trước khi sẵn sàng cho giấc ngủ REM. Cô đi ngủ trước 21 giờ, sử dụng lồng Faraday để chặn các trường điện từ, đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt nhất.

...đến thị trường tỷ đô

Barnes-Lentz là một phần của ngành công nghiệp đang phát triển liên quan đến tuổi thọ, chống lão hóa và thậm chí là theo đuổi cuộc sống bất tử. Những năm gần đây, lĩnh vực này đã chứng kiến khoản đầu tư lớn từ các tỷ phú, như nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos, đồng sáng lập Google Sergey Brin, hay nhà đầu tư nổi tiếng của Thung lũng Silicon Peter Thiel... 

Nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos đã rót hàng tỷ USD vào Altos Labs, công ty tiên phong trong việc phát triển các liệu pháp đảo ngược quá trình lão hóa bằng cách lập trình lại tế bào. Công nghệ này tập trung vào việc phục hồi sức khỏe tế bào, khắc phục tổn thương do lão hóa và cải thiện các bệnh mãn tính liên quan đến tuổi tác.

Một gương mặt nổi bật khác trong lĩnh vực này là doanh nhân người Mỹ Bryan Johnson, 47 tuổi, người đã thử các phương pháp điều trị thử nghiệm để sống lâu nhất có thể và tuyên bố cái chết không còn là điều không thể tránh khỏi. Ông theo đuổi "kế hoạch không chết", tốn hơn 1 triệu bảng Anh mỗi năm.

Thị trường liệu pháp chống lão hóa và tăng tuổi thọ (được thiết kế để chống lại các bệnh liên quan đến tuổi tác) đã đạt 27,1 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 44,9 tỷ USD vào năm 2031, theo công ty nghiên cứu thị trường InsightAce Analytic.

- Tuổi sinh học là chỉ số phản ánh mức độ khỏe mạnh của tế bào và các cơ quan trong cơ thể.

- Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, sau 2 năm giảm do đại dịch Covid-19, tuổi thọ trung bình trên toàn cầu vào năm 2022 đã phục hồi ở mức 72 tuổi, gần đạt mức cao nhất trước đại dịch là 73 tuổi (năm 2019). Tuy nhiên, sự chênh lệch về tuổi thọ giữa các quốc gia khá rõ rệt. Hầu hết quốc gia có tuổi thọ trung bình cao đều là các quốc gia giàu có ở châu Á và châu Âu, trong đó Liechtenstein và Nhật Bản đứng đầu danh sách, với tuổi thọ trung bình khoảng 84 tuổi. Ngược lại, các quốc gia châu Phi là Chad và Lesotho có tuổi thọ trung bình thấp nhất thế giới, chỉ khoảng 53 tuổi. Tất cả 10 quốc gia có tuổi thọ thấp nhất đều nằm ở lục địa châu Phi.

- Một nghiên cứu năm 2023 cho thấy, chế độ ăn uống lành mạnh có thể kéo dài tuổi thọ đến 10 năm. Nathan K. LeBrasseur, nhà sinh lý học tại Mayo Clinic (Mỹ), cho biết chỉ cần dành 3% thời gian mỗi ngày để tập thể dục cũng có thể góp phần vào quá trình lão hóa lành mạnh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn