Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nước ta có hơn 55 triệu lao động. Dự báo, đến năm 2025, lực lượng lao động ước đạt 63 triệu người. Điều kiện lao động công nghiệp hóa, quy mô sản xuất ngày càng mở rộng; thời gian lao động ngày càng nghiêm ngặt, khiến việc tổ chức bữa cơm tại nhà máy, xí nghiệp trở nên phức tạp và giảm hiệu quả, đặc biệt là các doanh nghiệp có số người lao động trong ca lớn.
Khoảng hai chục năm trở lại đây, nhu cầu suất ăn công nghiệp tăng cao thúc đẩy ngành này phát triển mạnh mẽ. Thị trường này có thể coi là “mỏ vàng”, giàu tiềm năng phát triển nhưng chưa khai thác hết và còn nhiều bất cập, thậm chí là bát nháo.
Suất ăn công nghiệp có thể hiểu là những suất ăn được hoàn thành trong thời gian ngắn với số lượng lớn, phục vụ nhiều người cùng một lúc và có giá thành khá rẻ. Đối tượng của các đơn vị kinh doanh suất ăn công nghiệp thường là khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, các bệnh viện, trường học lớn…
Theo các chuyên gia, thị trường suất ăn công nghiệp tại Việt Nam hiện nay mới chỉ xuất hiện một vài doanh nghiệp có quy mô tương đối khá, như công ty Lê Thanh Sơn, Nguyên Khang, Tú Anh… (ở TP. HCM); Công ty HASECA, Nhật Anh, Foseca… (ở Hà Nội).
Tuy vậy, các doanh nghiệp cung ứng suất ăn công nghiệp hiện nay chưa có điển hình nào tập trung mở rộng về quy mô và có thể chiếm lĩnh được thị trường. Thực thế thị trường này rất phân mảnh và vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu ngày càng lớn.
Còn chưa kể tới hàng chục triệu lao động có nhu cầu sử dụng bữa ăn trưa ở khu vực cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, lao động tại các trung tâm thành phố lớn hiện nay thuộc “thị phần” của các quán cơm “bụi”, quán cơm văn phòng nhỏ lẻ ở các ngõ ngách, không đảm bảo về chất lượng dinh dưỡng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chỉ tính riêng Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, có gần 66.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có gần 2.900 bếp ăn tập thể, mỗi ngày cung cấp gần 944.000 suất ăn. Hiện tại, Hà Nội có 9 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động, với khoảng 150 ngàn công nhân. Trong đó có khoảng 234 bếp ăn tập thể và mỗi bếp ăn phục vụ từ 80 đến 3.000 suất ăn/ngày.
Chỉ cần một phép tính đơn giản, mỗi suất ăn công nghiệp khoảng 20.000 đồng, mà lực lượng lao động hơn 50 triệu người thì có thể thấy dung lượng của thị trường lên tới 1.000 tỷ đồng/ngày – Một thị trường tiềm năng, còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thị trường.
Mặc dù vậy, vấn đề quan trọng và khó khăn nhất với các doanh nghiệp lĩnh vực này là làm sao đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu chế biến và nấu nướng, ngay cả khâu phân chia, lưu trữ và vận chuyển; đồng thời tạo tính chuyên nghiệp và đảm bảo tất cả các quy trình được diễn ra nhanh chóng, an toàn và hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, thời gian qua xảy ra không ít các vụ ngộ độc tập thể tại các khu công nghiệp, trường học cho thấy việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở các đơn vị cung ứng suất ăn công nghiệp còn lỏng lẻo, bất cập.
Hiện nay có 2 hình thức phục vụ ăn uống tại các doanh nghiệp, đơn vị là: Bếp ăn tập thể ký hợp đồng cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp với các công ty có giấy phép kinh doanh loại hình dịch vụ ăn uống (chiếm 80%) và do đơn vị tự nấu phục vụ nhân viên (chiếm 20%). Ông Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế), nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể rất đa dạng, nên khó kiểm soát về chất lượng, an toàn.
Qua khảo sát, khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm là do sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến. Nguyên nhân gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm là phần lớn người quản lý bếp ăn tập thể chủ quan, kiến thức về lựa chọn cơ sở cung cấp thực phẩm còn hạn chế.