Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng quý I/2024 vào ngày 30/3, giá vàng SJC đứng tại 78,3 – 80,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
So thời điểm đầu năm, giá vàng SJC đầu tháng 1/2024 có mức giá là 71 – 74 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giá vàng SJC đã tăng trưởng khoảng 9% trong 3 tháng qua. Riêng tháng 3, giá vàng đã tăng hơn 1,25%, nhịp tăng mạnh so với 2 tháng trước.
Quý I khép lại với nhiều diễn biến bất thường từ vàng SJC, liên tục tăng giảm mạnh, vượt đỉnh lịch sử 80 triệu đồng (vào hồi cuối năm 2023), xác lập mức giá cao nhất lịch sử tại 82,5 triệu đồng/lượng vào hồi giữa tháng 3.
Mức chênh lệch giữa chiều mua vào – bán ra dù đã được rút ngắn lại so với thời điểm đầu năm là 3 triệu đồng, xuống còn khoảng 2 triệu đồng, vẫn khá cao so với thời điểm trước khi giá vàng tăng đột biến vào cuối năm ngoái.
Ngoài vàng SJC, vàng nhẫn cũng bất ngờ phi mã với nhiều kỷ lục mới.
Tại thời điểm kết thúc tháng 3, vàng nhẫn có mức giá cao nhất tại Bảo tín Minh Châu sát mốc 71 triệu đồng/lượng.
Thậm chí, có lúc, vàng nhẫn dao động tại 72 triệu đồng/lượng.
Như vậy, tính đến hết tháng 3, giá trị của vàng nhẫn đã tăng vọt 14% so với thời điểm đầu năm, tại khoảng 62 triệu đồng/lượng.
Trước biến động thất thường cùng mức giá quá cao của vàng SJC, vàng nhẫn trở thành mặt hàng được ưa chuộng. Tại thời điểm "tăng nóng" vào tháng 3, quanh ngưỡng 70 – 71 triệu đồng/lượng, dòng người đổ xô đi mua vàng, tình trạng khan hiếm, "cháy hàng" vàng nhẫn xuất hiện tại nhiều cửa hàng vàng do sức mua tăng đột biến.
Các chuyên gia cho rằng, biến động của giá vàng vào quý đầu năm là điều dễ hiểu, bởi thông thường vào dịp đầu năm, vốn có ngày lễ, dịp lễ: Tết, cưới xin, ngày vía Thần Tài,…Điều này làm gia tăng nhu cầu của người dân đối với mặt hàng vàng, từ đó mà giá vàng được thúc đẩy tăng.
Ngoài ra, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, trong bối cảnh giá vàng thế giới đang tăng mạnh, giá vàng trong nước phần nào được hưởng lợi.
Đặc biệt, thời điểm giá vàng tăng liên tục, xu hướng tâm lý lo sợ giá vàng tăng cao cùng hiệu ứng đám đông, khiến nhiều người dân càng gom thêm nhiều vàng, giá vàng cũng từ đó tiếp tục tăng.
Nhìn chung, toàn thị trường vàng quý I năm nay, đà tăng vẫn được kéo dài, song, biến động mạnh xuất hiện tại vàng SJC. Điều này được đặt trong bối cảnh, toàn thị trường đang chờ tín hiệu chính sách từ Ngân hàng Nhà nước về điều chỉnh ổn định thị trường vàng. Trong khi đó, vàng nhẫn liên tục được thúc đẩy, tăng vọt trong trạng thái ổn định hơn.
Tại thị trường thế giới, giá vàng cũng tăng mạnh 9% trong tháng 3 và đánh dấu quý thứ 2 liên tiếp tăng sau khi khép lại quý I. Kết thúc ngày 31/3, giá vàng thế giới xác lập mốc kỷ lục tại 2.264 USD/ounce.
Thị trường vàng nhận được nhiều dự báo duy trì đà tăng trưởng mạnh trong năm nay với mức giá cao mới. Điều này được giới chuyên gia nhận định, đến từ triển vọng hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhu cầu mua vàng làm tài sản an toàn trước tình hình kinh tế và địa chính trị căng thẳng.
Trong phiên hôm nay (2/4), giá vàng tiếp tục tăng. Vàng SJC với giá 79,3 - 81,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), vàng nhẫn là 70,08 - 71,28 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn giá vàng thế giới giao quanh ngưỡng 2.258 USD/ounce.
Cuối tháng 3 vừa qua, tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nhấn mạnh đề xuất về việc bỏ cơ chế Nhà nước độc quyển sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện. Đề xuất này đã được nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm đồng tình.
NHNN cho biết thêm, sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Diễn biến của thị trường vàng vừa qua, giới chuyên gia liên tục đưa ra khuyến nghị, người dân không nên mua vàng vào thời điểm này, tránh tâm lý đám đông, bởi các rủi ro về chênh lệch chiều mua – bán cao cùng rủi ro chính sách lớn.
Ngoài ra, xu hướng gom vàng tăng cao phần nào sẽ ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội khi dòng tiền không được xoay chuyển để phát triển nền kinh tế, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn