Giá vật liệu xây dựng không tăng
Sau khi bão số 3 đi qua, rồi tiếp đến là tình trạng ngập lụt, nhu cầu sửa chữa nhà cửa của các hộ gia đình, sửa chữa các công trình, nhà xưởng, kho bãi của doanh nghiệp tại nhiều địa phương tăng rất cao.
Qua khảo sát, các doanh nghiệp, các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng tại một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai đều cho biết đang trong tình trạng hoạt động hết công suất, cố gắng đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Trên thị trường ở thời điểm này, các loại vật liệu phục vụ sửa chữa nhà cửa bao gồm mái tôn, ống sắt, ống nhựa, nhôm kính, xi măng, cát, sỏi, gạch ngói, sơn, sơn chống thấm… đều tăng mạnh.
Mái tôn đang là mặt hàng có nhu cầu lớn nhất. Đại diện công ty Nam Hải – đơn vị chuyên cung cấp mái tôn và nhôm kính xây dựng tại khu vực Hải Phòng cho biết: "Từ sau hôm cơn bão số 3 đổ vào Hải Phòng cho đến hôm nay, chúng tôi phải tăng cường nhân lực từ trực điện thoại chăm sóc khách hàng, nhập hàng cho đến vận chuyển, tất cả hoạt động từ sáng tới đêm khuya mà không đáp ứng kịp nhu cầu. Nguồn cung ứng vật liệu từ nhà máy vẫn đầy đủ, giá không tăng, nhưng thi công ở thời điểm này thì thực sự là quá khó, không thể đủ nhân lực để thực hiện".
Chị Bảy - chủ 1 cửa hàng mái tôn, sắt thép, vật liệu xây dựng tại huyện Yên Bình, Yên Bái chia sẻ: "Nhu cầu hiện đang rất lớn, mấy hôm trước do sạt lở nên việc vận chuyển khó khăn, nguồn hàng bị thiếu hụt nhẹ, nhưng chúng tôi quyết không tăng giá. Bà con đang khó khăn lắm, thiệt hại, mất mát rất nhiều. Với những đơn vị từ thiện, giúp đỡ người dân, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ".
Tham khảo bảng giá từ các đơn vị cung cấp, mức giá cơ bản của các loại tôn không tăng: tôn cách nhiệt - 230 nghìn đồng/m2, tôn giả - 78 nghìn đồng/m2, tôn lạnh - 115 nghìn đồng/m2, tôn mạ kẽm - 78 nghìn đồng/m2. Giá tôn từ các đại lý cấp 1 của các thương hiệu quen thuộc như tôn Hòa Phát, tôn Phương Nam, tôn Hoa Sen tôn nhựa PVC Sông Hồng Hà đều không đổi so với thời điểm tháng 6/2024.
Về vật liệu xây dựng, các mặt hàng cơ bản, cần thiết nhất trong xây dựng là xi măng, thép cuộn, thép hộp vuông, cát xây dựng, cát bê tông, gạch ống 6 lỗ, gạch thẻ 2 lỗ đều không có biến động lớn về giá kể từ thời điểm tháng 4/2024. Anh Nguyễn Trường – đại diện công ty xây dựng kiến trúc XT cho biết: "Về cơ bản, mặt hàng vật liệu xây dựng không có biến động giá từ đầu năm tới nay và dự kiến cũng sẽ không biến động tăng giá cho đến cuối năm do nguồn cung dồi dào, việc sản xuất, cung ứng đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Một số mặt hàng như ống nước xây dựng còn giảm giá, do hiện tại nhiều loại vật liệu, công nghệ sản xuất mới được ứng dụng, tiết kiệm được chi phí sản xuất. Với những sản phẩm như xi măng, mái tôn, các nhà máy tại Hải Phòng, Quảng Ninh chỉ cần tăng nhẹ thêm công xuất khi thị trường phát sinh nhu cầu lớn hơn thì không lo chuyện tăng giá".
Nhân công thiếu hụt, chi phí tăng
Qua khảo sát, chi phí nhân công đã tăng lên tại nhiều địa phương. Gia đình chị Hà Thị Yến Nhi (phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) đã bị hư hỏng hoàn toàn mái ở dãy nhà cho thuê. Chị Nhi cho biết: "Chúng tôi vừa tu sửa lại nhà, chi phí hết khoảng 30 triệu đồng. Vật liệu không tăng nhưng giá nhân công tăng. Với công việc sửa chữa này, trước đây giá thợ chính khoảng 500 nghìn đồng/ngày thì hiện đang ở mức 700 đến 800 nghìn đồng/ngày".
Chị Nguyễn Thùy Anh (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết: "Sau bão, toàn bộ quán café của tôi hư hỏng nặng. Tôi có tham khảo thì mức giá công thợ báo lên gấp đôi so với thời gian trước, mức giá hiện tại 1 triệu đồng/1 ngày, và còn khó tìm được thợ thi công. Nhu cầu sửa chữa nhà ở tăng quá cao, ai cũng cần làm ngay mà thợ hiện rất thiếu".
Anh Trần Hữu Ngọc – phụ trách xưởng cơ khí Trần Gia chuyên thi công mái tôn, sửa chữa nhà cửa tại Hà Nội chia sẻ: "Những ngày vừa qua, công việc rất nhiều nhưng chúng tôi thiếu thợ trầm trọng, không đáp ứng nổi nhu cầu khách hàng. Chúng tôi thi công từ sáng sớm, có hôm làm đến 1-2h đêm chưa xong. Khách hàng nào gọi đến cũng tha thiết, mà đôi khi cũng phải để khách hàng xếp hàng tới 2-3 ngày mới đến làm được. Thực sự không ai muốn tăng giá vào thời gian này, nhìn cảnh nhà cửa bị phá hỏng sau bão, xót xa lắm. Ở thời điểm hiện tại, nhân công quá thiếu, đi lại di chuyển, thi công khó khăn do nhiều nơi vẫn mưa ngập liên tục. Giá tiền thuê nhà trọ đã tăng cao, ngay cả đến bữa ăn của thợ cũng tăng giá, ra chợ mua thêm bó rau là bữa ăn đã tăng vài chục nghìn, nên công thợ cũng bắt buộc phải tăng theo, nếu không, họ không thể sống được ở thành phố để đi làm kiếm thu nhập". Anh Ngọc đã chủ động giảm nguồn lãi của mình để bù sang chi phí nhân công cho khách hàng, giúp đỡ thêm không tính phí cho khách những công việc phát sinh thêm trong quá trình sửa chữa.
Anh Phạm Hùng - một chủ thầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa tại Lào Cai chia sẻ việc thiếu thợ do có những người thợ đã phải trở về nhà để khắc phục hậu quả sạt lở, ngập lụt. Chi phí cho thợ phụ, người dọn dẹp cũng tăng. Hiện tại ở công trình, chủ thầu, chủ nhà và thợ đều cùng chung sức làm việc, động viên nhau vượt qua những ngày tháng khó khăn.
Vợ chồng siêu mẫu Nguyễn Hạ Vy đã đầu tư xây dựng một sân chơi pickleball tại Quảng Ninh, công trình hư hỏng nặng bởi vừa khai trương được 1 ngày thì bão đổ bộ. Hạ Vy cho biết: "May quá tôi đã tìm được nhóm thợ đồng ý thi công sửa chữa lại sân, chi phí không cao lên, tôi gửi thêm một khoản bồi dưỡng thợ. Nhiều người lao động bị ảnh hưởng nhà cửa, thiệt hại bởi bão, chúng ta cùng khắc phục, cùng chia sẻ với nhau, mong mọi khó khăn sớm qua".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn