Thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Những điều sĩ tử cần lưu ý khi làm bài để tăng cơ hội đỗ

15:29 | 08/06/2022;
Với một năm có tỷ lệ cạnh tranh gay gắt như năm nay, học sinh cần ôn tập kiến thức thật kỹ và bỏ túi các mẹo làm bài thi từng môn.

Kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội năm 2022 có gần 130.000 sĩ tử tham gia nhưng chỉ có 77.000 suất vào các trường THPT công lập. Đây là năm có tỉ lệ chọi vào lớp 10 cao kỉ lục ở Hà Nội trong nhiều năm qua. Một số trường có tỷ lệ chọi cao nhất như THPT Yên Hòa có tỷ lệ chọi 1/3,03, cao nhất từ trước đến nay; THPT Chu Văn An với tỷ lệ 1/2,87; THPT Sơn Tây với tỷ lệ 1/2,73. THPT Nhân Chính đứng thứ tư với tỷ lệ 1/2,53. Xem thông tin TẠI ĐÂY

Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quyết định bỏ môn thi thứ tư vào lớp 10. Bởi trước đó, học sinh lớp 9 phải học trực tuyến gần như toàn bộ năm học; vì vậy, thi ba môn nhằm tránh gây áp lực, quá tải với học sinh. Theo đó, kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội sẽ diễn ra với ba môn bắt buộc Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ. Hai bài thi Toán và Ngữ Văn diễn ra theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút mỗi môn. Ngoại ngữ thi trắc nghiệm trong 60 phút với nhiều mã đề.

Thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm nay có tỷ lệ chọi cao kỷ lục: Đây là những điều sĩ tử phải lưu ý khi làm bài thi để tăng cơ hội đỗ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo lịch, kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội sẽ được tổ chức vào các ngày 18 đến 20/6, trong đó ngày 18/6 thi môn Ngữ Văn và Ngoại ngữ; sáng 19/6 thi môn Toán; ngày 20/6 thi các môn chuyên. Chỉ chưa đầy 10 ngày nữa, học sinh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng. Với một năm có tỷ lệ cạnh tranh gay gắt như năm nay, các em cần ôn tập kiến thức thật kỹ mới có thể nắm chắc suất thi đỗ. Bên cạnh đó, còn cần lưu ý một số điều sau:

- Với bài thi môn Toán

Chia sẻ với Infonet, thầy Bùi Mạnh Tùng - Giáo viên dạy Toán trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) gửi một số lưu ý tới học sinh: Theo đó, trong đề thi, có một số phân vùng mà các em học sinh dễ bị sơ suất và mất điểm đáng tiếc, chủ yếu do chủ quan, trình bày sơ sài hoặc chưa xem xét kĩ các điều kiện cụ thể của bài toán. Các em cần lưu ý:

Thứ nhất, biểu thức chứa căn bậc hai:

Mọi giá trị của biến x khi thay vào biểu thức, hoặc khi tìm ra nhằm thỏa mãn yêu cầu bài toán, đều phải xét thỏa mãn Điều kiện xác định cho trước.

Thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm nay có tỷ lệ chọi cao kỷ lục: Đây là những điều sĩ tử phải lưu ý khi làm bài thi để tăng cơ hội đỗ - Ảnh 2.

Thầy Bùi Mạnh Tùng.

Thứ hai, bài toán thực tế:

- Khi đặt ẩn phải có đầy đủ điều kiện và đơn vị.

- Các biểu thức đại số khi thành lập phải dựa trên căn cứ trong đề bài (bằng lời văn).

- Các biểu thức đều phải có đơn vị.

- Cần hết sức chú ý các yếu tố nhanh - chậm, hơn - kém, trước - sau, chung - riêng khi lượng hóa thành biểu thức và phương trình.

- Xác định rõ các yếu tố trong bài hình học thực tế tương ứng với các đại lượng trong công thức tính toán như thế nào trước khi áp dụng công thức.

- Việc xấp xỉ và lấy kết quả cần tuân thủ chặt chẽ yêu cầu trong đề bài. Lưu ý chỉ lấy xấp xỉ / gần đúng ở bước tính cuối cùng.

Thứ ba, hệ phương trình:

- Chú ý điều kiện xác định.

- Hệ phương trình của ẩn phụ không tương đương với hệ phương trình ban đầu.

- Làm rõ bước thế/bước cộng đại số.

Thứ tư, phương trình bậc hai, đường thẳng và parabol:

- Xác định đúng phương trình hoành độ giao điểm.

- Không nhầm lẫn giữa các yếu tố hình học (giao điểm, cắt nhau v.v) với các yếu tố đại số (số nghiệm, delta...).

Thứ năm, hình học phẳng:

- Đặc biệt chú ý vận dụng đúng các tính chất, dấu hiệu nhận biết của tứ giác nội tiếp (tổng kết ở trng 101, 102, 103 SGK toán 9 tập 2).

- Khi sử dụng những kiến thức ngoài nội dung sách giáo khoa nêu chính thức, cần có lí giải và chứng minh.

- Với bài thi môn Ngữ Văn

Với môn Văn, học sinh cần phân bổ thời gian làm bài hợp lý, tránh dồn quá nhiều thời gian tâm huyết cho một câu, dẫn đến việc thiếu thời gian, bị cuống khi làm các câu còn lại. Với đề thi Ngữ Văn lớp 10, các câu hỏi đều được phân chia điểm rõ ràng, vậy nên học sinh cần phân thời gian làm bài theo từng câu và từng mức điểm cụ thể. Câu nhiều điểm cần dành nhiều thời gian làm bài hơn. 

Trước khi bắt tay vào làm bài, học sinh cần đọc kỹ đề và tìm ý, xác định được trọng tâm đề. Quá trình này mất khoảng 8-10 phút, giúp học sinh không bị lan man, dài dòng, không bị sa đà quá mức vào một câu. 100 phút còn lại học sinh dùng để làm bài.

Nên nhớ dù đề bài là nêu cảm nhận, suy nghĩ hay phân tích, thì khi làm bài, sĩ tử vẫn phải bắt đầu từ việc phân tích. Tuyệt đối không tự suy diễn mà phải đọc kĩ đề bài, xác định đúng nội dung, chủ đề văn bản, xem đề bài hỏi bao nhiêu vấn đề, từ đó lấy cơ sở để hoàn thành bài thi, trả lời đúng trọng tâm, không bỏ sót ý. 

Sau cùng, học sinh phải chừa ít nhất 5 phút để đọc lại cả bài, soát chính tả, kiểm tra xem còn sai sót gì không,... Về mặt hình thức, học sinh cần trình bày bài sạch sẽ, gọn gàng, lưu ý không viết tắt, không viết hai màu mực. Quan trọng nhất, trước ngày thi học sinh phải ôn tập bài thật kỹ, tránh học tủ, học vẹt. 

- Với bài thi môn Tiếng Anh

Tiếng Anh là môn thi trắc nghiệm, vậy nên học sinh cần đặc biệt chú ý, cẩn thận khi tô mã đề, đáp án. Chỉ cần sai lệch một ô cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả thi. Nhiều học sinh chọn đáp án B nhưng lại khoanh nhầm đáp án C. Hay một số em khoanh xong nhưng lúc sau tẩy đi khoanh lại, khiến tờ phiếu đáp án lem nhem, thậm chí sờn rách vì lúc tẩy quá mạnh tay. 

Hay nhiều em trong quá trình làm bài thì khoanh vào đề trước, sau đó dành 10 phút cuối tô vào phiếu đáp án, dẫn đến việc tô nhầm, tô lệch ô. Theo lời khuyên của một số giáo viên, học sinh khi làm bài nên chuyển luôn kết quả ngay sau khi khoanh vào phiếu đáp án, tránh trường hợp các bị tô lệch. Với những câu chưa chắc, các em nên chừa lại, không vội vàng tô, rồi lại tẩy xóa lem nhem.

Giống như Toán, Văn, học sinh cũng cần phân bổ thời gian hợp lý khi làm bài thi Tiếng Anh. Các em cần làm câu dễ trước khó sau. Câu nào khó quá thì tạm thời bỏ qua để chuyển sang câu tiếp. Nhiều học sinh có thói quen làm bài đọc trước. Tuy nhiên, mẹo là học sinh nên nhìn một lượt đề, xem phần nào dễ thì làm trước, tận dụng tối đa thời gian. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn