Thích hay bận rộn cũng đừng lạm dụng mì tôm

17:10 | 24/09/2016;
Với những ưu điểm như ngon miệng, tiện lợi, nhanh, dễ chế biến, giá cả phải chăng…, mì ăn liền từ lâu đã trở thành một món ăn “phủ sóng” rộng khắp, được rất nhiều người tiêu dùng Việt ưa chuộng.
alotinvn_1404200596_01d240757004869fb1b18792217df823.jpg

1- Hiệp hội mì ăn liền thế giới cho biết, Việt Nam là một trong số những thị trường tiêu thụ mì ăn liền có tốc độ tăng trưởng cao, hiện đứng thứ 4 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản. Với những ưu điểm như: tiện lợi, nhanh, ngon miệng, dễ chế biến…, mì ăn liền đã nhanh chóng “phủ sóng” rộng khắp. 

Tại các siêu thị, những loại mì bình dân và trung cấp chiếm số lượng khá lớn, với trọng lượng từ 70g đến 75g/gói, mức giá có thể dao động từ 2.500 đồng đến 20.000 đồng/gói, tùy vào thương hiệu, bao bì, cách thức đóng gói (gói, tô, khay, ly). Khá có tiếng trong phân khúc này có thể kể đến các loại mì như: Hảo Hảo, Đệ Nhất, Lẩu Thái, Gấu Đỏ, Hello, Sợi Phở Vàng, Bốn Phương, Ba Miền, Omachi, Kokomi, Sagami, Miliket, Vifon, Việt Hưng (đã đổi tên thành Uniban)…

Ngoài các loại mì của các nhà sản xuất trong nước, trong những năm qua, sự “đổ bộ” của nhiều nhãn hiệu mì nhập khẩu từ Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản cũng diễn ra mạnh mẽ như: Shin RamYun, Chapagetti, Champong, Kim chi ramen, Tom Yum, Wai Wai, ChaJang, Mama, Koka…

mi.jpg

Đặc biệt hơn, trước xu thế phát triển của thị trường và nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng, bên cạnh các loại mì ăn liền truyền thống (mì chiên pha nước sôi), các doanh nghiệp trong và ngoài nước còn tung ra thị trường nhiều loại mì khác nhau như: mì xào, mì không chiên, mì spaghetti… có các hương vị đa dạng như: mì được kết hợp với trứng, vitamin B, rong biển, gà, bò, càri, tôm, khoai tây, cải chua… nhằm tạo sự khác biệt và hấp dẫn người tiêu dùng.

Một “tín đồ” mì gói cho biết: “Những loại mì trên có giá cao nhưng lại được ưa chuộng là do nguyên liệu, thành phần, nước sốt có trong các gói mì và đặc biệt là nó được tạo ra bởi những thương hiệu có uy tín, nên yên tâm về chất lượng”.Không chỉ đa dạng về mẫu mã, khẩu vị, nhãn hiệu để đáp ứng cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, nhà sản xuất còn đưa ra nhiều sản phẩm với các mức giá phong phú. Bên cạnh các loại mì bình dân, hiện nay thị trường còn xuất hiện nhiều loại mì “cao cấp” với giá bán từ 30.000 đồng đến khoảng 170.000 đồng/gói, tùy trọng lượng và nhãn hiệu. Có thể kế đến như: mì Soba xào Yakisoba Gakkou loại gói 680g, mì Soba xào Itsuki Shouku Yakisoba, mì Miyakoichi Teppan Yaki loại gói 480g… Thành phần của những loại mì này bao gồm bột mì hoặc mì udon, mì ramen; dầu thực vật; muối; nước sốt; gia vị… và cách thức sử dụng cũng giống đa số các loại mì ăn liền khác.

my-an-lien-6.jpg

2- Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe, nếu thường xuyên sử dụng mì ăn liền sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, đột qụy... Nguyên nhân là do thành phần chất béo có trong hầu hết các loại mì ăn liền, loại chất béo này là transfat và chất béo bão hòa, có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với những người cao tuổi hay người có tiền sử bệnh tim mạch.

Ngoài ra, nếu “lạm dụng” mì ăn liền cũng có thể dẫn đến các bệnh lý liên quan đến thận do mì ăn liền thường có lượng muối cao. Đặc biệt, sử dụng mì ăn liền trong thời gian dài có thể dẫn đến nguy cơ bị mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu chất xơ, vitamin, đạm, khoáng chất. Vì thế, bạn nên dùng mì ăn liền có điều độ để hạn chế ảnh hưởng xấu tới sức khỏe

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn