Có lẽ nhiều bạn trẻ đã quen với việc dùng thẻ tín dụng, ví điện tử để mua sắm online, thanh toán khi mua đồ thiết yếu tại các siêu thị. Cách này vừa nhanh gọn, lại có nhiều chính sách hoàn tiền, giảm giá. Tuy nhiên nhược điểm của cách thanh toán này là bạn có thể bị cám dỗ chi tiêu, nhất là khi sử dụng thẻ tín dụng. Lý do bởi khi có sẵn nguồn tiền để chi tiêu, có thể bạn sẽ "vung tay quá trán" và chi tiêu phung phí, gây áp lực về tài chính khi đến thời hạn chi trả. Còn có thể bị mất các khoản tiền lãi, phí phạt khi không trả đủ số tiền chi tiêu (tổng dư nợ) trước khi đến hạn khi thanh toán trực tuyến bằng thẻ tín dụng.
Phương Thảo (sinh năm 1996) hiện đang là nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho rằng bản thân là người khá cẩn thận nên cô không sử dụng thẻ tín dụng và thích thanh toán và sử dụng tiền mặt hơn. Cách này giúp cô kiểm soát chi tiêu tài chính tốt, lại có những mẹo rất riêng có thể sử dụng cho việc tiết kiệm tiền tối ưu.
Một mẹo nhỏ để Phương Thảo chi tiêu ít tiền hơn khi sử dụng tiền mặt là để trong ví những tờ tiền có mệnh giá lớn. Thảo đã từng đọc được ở đâu đó cách làm này sẽ giúp người chi tiêu sinh ra một khuynh hướng nhận thức được gọi là hiệu ứng chấm dứt, khiến bản thân giảm tối đa chi tiêu, tránh phá vỡ số tiền to đó thành nhỏ hơn.
"Vì mọi người thường có xu hướng tiêu nhiều tiền nếu nó là những tờ tiền với mệnh giá nhỏ. Còn nếu toàn bộ số tiền trong ví đều có mệnh giá lớn thì mọi người sẽ ít muốn dùng tờ tiền đó hơn. Tâm lý là vậy nên tôi thường xuyên để các tờ tiền có mệnh giá lớn trong ví", Phương Thảo chia sẻ.
Phương Thảo có thể tiết kiệm tới 15% số tiền chi tiêu hàng ngày của mình mà không cần phải suy nghĩ về nó. Cô áp dụng bằng cách tiết kiệm tiền lẻ có trong túi vào cuối ngày. Các tờ tiền có mệnh giá từ 1 nghìn đồng đến 50 nghìn đồng sẽ được áp dụng theo cách này. Thường xuyên tiết kiệm tiền kiểu này còn giúp Phương Thảo tự động cắt giảm được chi tiêu rất hiệu quả.
"Các bạn đừng đánh giá thấp số tiền nhỏ tiết kiệm theo kiểu này. Bởi vấn đề ở đây là không phải là việc chi tiêu chắt bóp hơn mà là cách sử dụng khả năng thích ứng của bản thân để giúp tiết kiệm nhiều tiền hơn. Bởi khi tôi có ít tiền mặt trong ví sẽ cần điều chỉnh chi tiêu sao cho phù hợp. Ngược lại, nếu không dự trữ tiền lẻ, nhiều khả năng sẽ mua hàng không cần thiết chỉ để loại bỏ những tờ tiền lẻ đó", Phương Thảo chia sẻ.
Giống như hầu hết mọi người thích dùng tiền mặt, lúc trước Phương Thảo cũng sẽ đến máy ATM để rút tiền khi hết. Nhưng Thảo phát hiện, làm như vậy có thể khiến cô mất kiểm soát ngân sách đặc biệt là với người không có thói quen theo dõi chi tiêu hàng ngày.
Thay vào đó, Thảo giới hạn số lần đến cây ATM trong một tháng. Cô gái trẻ sẽ lên danh sách cần chi tiêu trong một tuần, sau đó chỉ rút số tiền đó hàng tuần. Thảo thường chọn cố định vào ngày thứ Hai đầu tuần thay vì cuối tuần để tránh tiêu lạm phát. Điều này sẽ giúp cô xây dựng được kỷ luật tài chính tốt hơn.
"Tôi nhận thấy phương pháp này là một sự thay thế hiệu quả cho cách liệt kê chi phí vào sổ hoặc ghi chép chi tiêu bằng app điện thoại vì bản thân cảm thấy không phù hợp", Phương Thảo chia sẻ thêm.
Bài viết ghi lại từ sự chia sẻ của nhân vật
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn