Thiên đường mùa chim làm tổ

11:06 | 20/09/2015;
Rất gần Sài Gòn, rừng nước lợ Vàm Sát những ngày này đang đón cả ngàn ngàn con chim tụ hội về đây làm tổ, gọi bạn tình và đẻ trứng. Sự bình yên trải dài cả vùng đất một thời từng chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh.
1. Từ nhà hàng Phong Lan, Q.11, TPHCM, chúng tôi lên xe tới Vàm Sát, Cần Giờ. Tôi hỏi chị Huỳnh Phượng, Giám đốc Công ty du lịch Phú Thọ: “Vàm Sát mùa này đặc trưng nhất là gì ha chị?”. Người phụ nữ theo ngành du lịch mấy chục năm trời có cách trả lời tưng tửng rất hay: “Chim bay về đây rợp trời để gọi bạn tình, dễ thương lắm!”.
Qua phà Bình Khánh là sang con đường Lý Nhơn, Cần Giờ. Ngồi trên phà, chúng tôi nói chuyện không biết khi nào ở đây có cây cầu, để dân Sài Gòn về Cần Giờ cho thiệt nhanh và dân Cần Giờ lên thành phố cho thiệt sớm. “Chắc chẳng làm cầu đâu. Bởi cần phải giữ sự tĩnh lặng cho rừng sinh thái ngập mặn. Càng ít người “phá quấy” thì càng tốt cho cây cối và các loài động vật sống tại đây”, anh Trần Khắc Luận, Công ty Sagotour, góp chuyện.

Câu cá sấu. Ảnh: ST

Theo kinh nghiệm làm du lịch inbound cho khách nước ngoài tới Việt Nam nhiều năm, anh Luận bảo vệ quan điểm của mình chỉ bởi du khách từ xa tới đặc biệt thích thú nét hoang sơ của Vàm Sát. Bến phà Bình Khánh cũng được đầu tư nên di chuyển rất nhanh chóng, thời gian chờ đợi không quá lâu. Tuy vậy, đâu phải vì sự cách trở của con sông mà ngăn được sức tàn phá nếu người ta đã cố tình? Ngược lại, đâu phải vì sự thuận lợi đi lại mà rừng không bị cô lập và bảo vệ! Cần Giờ, lá phổi của Sài Gòn, vẫn đang được giữ gìn một cách tuyệt vời và thân thiện nhất.
Nếu đi bằng xe đạp hoặc xe gắn máy, tới ngã 3 Lý Nhơn - Vàm Sát thì cần quẹo phải. Chỉ chạy một lát là tới Vàm Sát. Các bạn trẻ thích “phượt”, cứ cuối tuần là tụ họp nhau để tới thưởng thức khí hậu xanh mướt của rừng đước, rừng mắm. Thú nhất là mua vé canô tại bến tàu Dần Xây, rồi chạy thẳng tới khu trung tâm Vàm Sát. Sông nước hữu tình như thế, ai mà hình dung ra chỉ cách Sài Gòn đô hội có 2 tiếng đồng hồ chạy xe. Đám cá thòi lòi bơi tung tăng dưới đầm, còn 2 bên là rừng cây nước lợ với đặc trưng “mắm đi trước, đước theo sau”. Các loại cây này thân ngập trong nước nên cho thịt gỗ bền bất chấp thời gian và mối mọt.

Đặc sản cua Vàm Sát. Ảnh: ST

2. Tới Vàm Sát rồi thì nhất định phải thử câu cua và câu cá sấu. Cua ghẹ ở đây rất chắc thịt, còn cá sấu Vàm Sát nổi tiếng hung dữ từ thời đặc công rừng Sác. Tiếng phàm phạp của 2 hàm răng cá sấu đòi táp vào miếng mồi khiến người yếu bóng vía hoảng hồn. Người coi hồ cá thuộc tính từng con, sẽ chỉ cho bạn biết con nào hay giận dỗi mỗi khi du khách lừa cho ăn hay con nào nóng tánh rất dễ bực bội. Tới mùa sinh đẻ, cá sấu trong Vàm Sát leo lên đẻ trứng một lèo. Các chuyên gia sẽ cẩn thận lấy trứng đem vô nhà ấp. Muốn có cá sấu đực thì để nhiệt độ cao, muốn có cá sấu cái thì để nhiệt độ mát hơn. Trứng cá sấu còn bán cho du khách luộc ăn. Lòng trắng trứng không khi nào đặc được, dù có luộc tới bao nhiêu thời gian.
Ở Vàm Sát mùa này, hay nhất vẫn là vô rừng để ngắm chim làm tổ, gọi bạn tình và sinh đẻ. Đứng trên trạm quan sát được xây dựng riêng trong rừng, cùng với chiếc ống nhòm đã chuẩn bị sẵn, bạn sẽ thấy “đã” mắt với cả ngàn chú chim đủ sắc màu tự do bay lượn. Khi du khách vỗ vỗ tay, các loài chim cất cánh rào rào chao liệng trên ngọn cây, rồi lại nhẹ nhàng đáp xuống tổ. Ở đó, có thể đã đầy nhóc trứng đang được ấp, hoặc chỉ đơn giản là  “người tình” chờ sẵn đang gọi mời…

Đổ bánh khọt. Ảnh: ST

3. Bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10 là mùa chim hội tụ về đây. 20 loài chim có cuộc sống quần xã thật thanh bình và yên ả trong diện tích rộng tới chừng 30 hecta. Những chú bìm bịp mang 2 màu đen - đỏ thật nổi bật; chim diệc múp míp ở phần đuôi; giang sen thì có đôi chân màu hồng cao nghều; nhiều nhất vẫn là lớp lớp cò trắng. Từ đài quan sát, du khách ham thích sự trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên sẽ cảm thấy vô cùng thích thú và sảng khoái khi đứng giữa nghe thấy đủ tiếng chim đang giao hòa, “nói chuyện” cùng nhau. Gió hào phóng thổi ngàn ngạt trên đỉnh cây cũng không cản được sức bay của chim trời.
Ở giữa rừng, chúng tôi bắt gặp chú cò trắng thân gầy hanh hao đang tập bay mà bị nạn rớt xuống. Thỉnh thoảng lại có bạn bè của chú lúp xúp tí tách bay tới thăm hỏi rồi bay đi. Tình cảm ấy, ai nói chỉ có ở con người?

Hợp lưu của sông Lò Rèn và sông Vàm Sát trong rừng Cần Giờ. Ảnh: ST

Chúng tôi nhắc nhau đừng nhìn vào trong tổ chim, có thể sẽ bị rắn tấn công hoặc đơn giản là gây sợ hãi cho chim mẹ đang ấp trứng. “Nhiều du khách nước ngoài tới Vàm Sát vào đúng mùa chim làm tổ vài lần trong năm. Họ trân trọng và thưởng lãm cảnh vật hoàn toàn do thiên nhiên mang tới một cách thích thú. Đặc biệt, du khách có thể đi bằng thuyền trên đầm hoặc đi đường bộ để ngắm các loài chim”, anh Nguyễn Hùng, người phụ trách du lịch tại Vàm Sát, cho biết.
Để tạo điều kiện cho khách tới tham quan, chiếc xe điện là phương tiện duy nhất chạy xuyên trong rừng. Vừa phù hợp chở số đông, vừa không tạo tiếng ồn ảnh hưởng đến thời gian gần gũi bạn tình, sau đó là sinh nở của các loài chim đang làm tổ bạt ngàn. Nếu chúng ta yêu thiên nhiên thì thiên nhiên cũng đối xử với con người y như vậy.
 
- Nếu chạy xe hơi, từ Sài Gòn qua phà Bình Khánh chỉ đi trên con đường độc đạo là tới ngã 3 Lý Nhơn - Vàm Sát. Nếu đi đường bộ thì chạy xe chừng 15km nữa theo chỉ dẫn. Còn nếu đi đường thủy thì ghé bến tàu Dần Xây. Từ đây, tàu cao tốc của Công ty Du lịch Phú Thọ sẽ đưa bạn đi trên sông Vàm Sát để tới trung tâm.
- Thông thường, các bạn trẻ chạy xe gắn máy sẽ đi từ Q.7 qua khu Công nghiệp Hiệp Phước. Từ đây có bến đò đi sang Soài Rạp để tới Vàm Sát.
- Mùa chim làm tổ bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10. Hiện nay đang vào giữa mùa, tập trung rất đông các loài chim  tụ tập giao phối và sau đó đẻ trứng.
- Giá tour trọn gói đi từ Sài Gòn tới Vàm Sát khoảng 2 triệu đồng/người/ngày. Công ty Du lịch Phú Thọ, trực thuộc Saigontourist, là đơn vị được giao khai thác và bảo dưỡng khu du lịch sinh thái ngập mặn Vàm Sát.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn