Thiêng liêng lễ chào cờ ở Ngã ba Đông Dương

07:14 | 03/02/2023;
Chào cờ, hát Quốc ca vào ngày 10 hằng tháng tại sân nhà Rông không chỉ thể hiện lòng yêu nước mà đã trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa của bà con các dân tộc xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Hoạt động sinh hoạt chính trị của đồng bào

Đến Pờ Y, ngoài những câu chuyện thú vị về vùng đất huyền thoại Ngã ba Đông Dương, nơi "một tiếng gà gáy, 3 nước (Việt Nam, Lào, Campuchia) đều nghe", có một hoạt động mà chúng tôi rất ấn tượng - đó là Lễ chào cờ vào ngày 10 hằng tháng tại nhà Rông hoặc hội trường thôn của người dân ở 8/8 thôn trong xã.

Bà Đặng Thị Hạnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Pờ Y, cho biết: Tại xã Pờ Y, Lễ chào cờ được phát động rộng rãi trong toàn xã kể từ năm 2010, bắt nguồn từ cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với phong trào "Học tập Nghị quyết dưới lá cờ Tổ quốc" và hoạt động "Hũ gạo tình thương". Thời gian đầu, việc tạo thói quen sinh hoạt chính trị cho người dân, mà chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, không hề đơn giản. Xác định khó cũng phải làm, bên cạnh việc duy trì Lễ chào cờ vào mùng 10 hằng tháng, đội ngũ cán bộ xã, thôn tích cực "đến từng nhà, rà từng hộ" để vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu được ý nghĩa của việc tham gia Lễ chào cờ. Đến năm 2012, hoạt động này đã đi vào chiều sâu, trở thành tập quán sinh hoạt chính trị của người dân ở cả 8 thôn trong xã (gồm: Ngọc Hải, Bắc Phong, Đắk Mế, Kon Khôn, Măng Tôn, Đắk Răng, Tà Ka, Iệk).

Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện, Lễ chào cờ hằng tháng trong các thôn làng của xã Pờ Y đã trở thành nét đẹp văn hoá của bà con các dân tộc địa phương.

Thiêng liêng lễ chào cờ ở Ngã ba Đông Dương - Ảnh 1.

Một buổi chào cờ, sinh hoạt cộng đồng tại thôn Iệk (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum)

Thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đinh Thị Khiêm cho biết, thôn Đắk Mế có 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là người Brâu. So với ngày trước, Đắk Mế bây giờ có nhiều đổi thay. Cả thôn Đắk Mế hiện còn 14 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo. Mỗi nhà có ít nhất từ 3 đến 5 sào ruộng để làm lúa nước, ngoài ra còn đất rừng, rẫy.

Chào cờ là một hoạt động ý nghĩa và thiết thực. Khi đến với buổi chào cờ, người dân có cơ hội để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cá nhân, gia đình, dân làng liên quan đến việc thực hiện chính sách, những vấn đề phát sinh trong cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh các lễ hội hàng năm thì đây là dịp để bà con dân làng gặp nhau, chia sẻ với nhau. Nhờ đó, tình đoàn kết trong thôn làng được thắt chặt hơn”.

Để buổi chào cờ trở thành buổi họp thôn và sinh hoạt cộng đồng, địa điểm tổ chức được lựa chọn là nhà Rông của làng. Vào buổi chào cờ, dưới cờ Tổ quốc, sau khi cùng hát Quốc ca, bà con được nghe cán bộ thôn phổ biến các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; thông tin về tình hình an ninh trật tự tại địa phương trong tháng và nhiệm vụ của tháng kế tiếp; tuyên dương những tấm gương sáng trong thôn để mọi người học theo; tuyên truyền về công tác giữ gìn trật tự vùng biên giới, Luật Biên giới, nhắc nhở người dân không được vượt biên, không dẫn dắt người nhập cư trái phép, không buôn bán tàng trữ, vận chuyển pháo nổ, ma tuý, không lơ là trong việc phòng, chống dịch Covid-19...

Chị Y Ly (dân tộc Brâu, thôn Đắk Mế) cho biết: "Trước đây, người dân trong làng không quen với việc tham gia chào cờ nên nhiều người ngại đi. Sau được sự vận động, tuyên truyền của cán bộ địa phương, khi tham gia, thấy được nhiều lợi ích, được tiếp cận với thông tin, kiến thức mới, được nói lên tiếng nói của mình nên càng ngày, người dân tham gia chào cờ càng nhiều. Giờ chúng tôi thành nếp, cứ ngày 10 hằng tháng, nhà ai bận việc gì cũng cử người đại diện gia đình tham dự. Thậm chí, có hộ cả mấy người cùng tham gia".

Diễn đàn trao đổi tâm tư của người dân

Được biết, trước đây, thực hiện phong trào "Hũ gạo tình thương", khi đến lễ chào cờ, bà con trong thôn mỗi người mang gạo để góp vào hũ. Còn nay, phong trào "Hũ gạo tình thương" được thay thế bằng hoạt động "Ống tiền tiết kiệm". Thay vì mang gạo, bà con mang tiền đến bỏ vào ống tiền tiết kiệm chung của thôn. Số tiền này được dùng để hỗ trợ các gia đình trong làng gặp khó khăn, hoạn nạn. Một hoạt động khác cũng được rất nhiều người dân ủng hộ, hoan nghênh đó là vào mỗi buổi chào cờ, đại diện các hộ mang theo sổ nghĩa vụ gia đình để cán bộ thôn đánh giá, xác nhận những đóng góp cũng như việc thực hiện nhiệm vụ công dân/cư dân của gia đình đó với địa phương. Đây là căn cứ để cuối năm làng lựa chọn tuyên dương các hộ gia đình văn hoá.

Đánh giá về hiệu quả sau hơn 10 năm thực hiện lễ chào cờ trong nhân dân, bà Đặng Thị Hạnh, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã Pờ Y, cho rằng, đây là cầu nối thông tin hai chiều hiệu quả và kịp thời giữa chính quyền và người dân. "Qua các buổi chào cờ, chúng tôi có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, có thể giải quyết kịp thời những khúc mắc của bà con, tránh tình trạng mất đoàn kết, hạn chế khiếu kiện vượt cấp", bà Hạnh khẳng định.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn