Tại buổi họp báo Chủ Nhật đỏ, do Báo Tiền Phong phối hợp với Viện Huyết học-Truyền máu TƯ và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức, đại diện BTC cho biết, Chủ Nhật đỏ lần thứ 10 sẽ được tổ chức ngày 21/1/2018 tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Theo dự kiến, Chủ nhật đỏ sẽ thu được từ 35.000 đến 40.000 đơn vị máu. Theo tính toán, trong Quý 1/2018, các BV cần khoảng 60.000 đơn vị máu. Với số lượng máu hiến thu được, dự kiến sẽ thiếu khoảng 10.000 đơn vị máu.
Theo dự kiến, Chủ nhật đỏ sẽ thu được từ 35.000 đến 40.000 đơn vị máu. Theo tính toán, trong Quý 1/2018, các BV cần khoảng 60.000 đơn vị máu. Với số lượng máu hiến thu được, dự kiến sẽ thiếu khoảng 10.000 đơn vị máu.
Theo PGS.TS Bạch Quốc Khánh, Giám đốc Viện Huyết học-Truyền máu TƯ, hiện trung bình mỗi năm Việt Nam thu được khoảng khoảng hơn 1,4 triệu đơn vị máu. Tính ra, tỷ lệ dân hiến máu đạt 1,6%. Theo dự kiến của Tổ chức Y tế Thế giới, nếu có đủ 2% người dân hiến máu thì sẽ đủ máu cho điều trị. Tuy nhiên, tại Việt Nam tuy số người hiến máu tiếp tục gia tăng nhưng nhu cầu sử dụng tăng cũng cao. Trước đây, tỷ lệ hiến máu là học sinh sinh viên lớn, hiện nay, đối tượng này vẫn chiếm 50%. Do đó, có thời điểm trong năm vẫn thiếu máu là trước trong và sau Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm sinh viên không tham gia hiến máu.
Theo ông Khánh, Chương trình hiến máu tình nguyện đã được triển khai hơn 20 năm. Khởi đẩu từ con số 0, khi chẳng có ai tham gia. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cả xã hội, số người hiến máu vẫn không ngừng tăng lên. Hiện nay, đã đạt được 1,6% dân số tham gia hiến máu. Trung bình mỗi năm, cả nước đã nhận được từ 1,4 đến 1,6 triệu đơn vị máu.
Trả lời câu hỏi làm thế nào để lượng máu thu được bền vững, tránh tình trạng đến hẹn lại thiếu như hiện nay, ông Bạch Quốc Khánh cho biết, trong thời gian tới, Viện sẽ chuyển mình trong hoạt động hiến máu tình nguyện, hướng đến mục tiêu phải làm sao để hiến máu bền vững. Tuy nhiên, đây là mục tiêu không dễ bởi để làm được chuyện đó không phải là tăng phụ cấp cho người hiến mà làm thế nào để chủ động được nhóm máu cần thiết.
Theo TS Bạch Quốc Khánh, để thực hiện điểu này hiện có rất nhiều khó khăn. Hiện nay, Viện đang phối hợp với Hội Chữ Thập đỏ để có lịch hiến máu. Tuy nhiên, cái khó nhất vẫn là chưa làm thế nào để thu hút đều người hiến máu trong các tháng của năm.
"Hơn nữa, Viện cũng đang gặp khó về thiếu từng nhóm máu hiến trong năm", TS Bạch Quốc Khánh nói.
Giải pháp nào khắc phục thiếu máu?
Theo PGS Bạch Quốc Khánh, để giải quyết tình trạng thiếu máu, giải pháp căn cơ là phải tăng lượng người tham gia hiến máu nhắc lại. Tại nhiều nước, tỷ lệ hiến máu nhắc lại chiếm 75%, trong khi ở Việt Nam chỉ được 40%.
PGS Khánh phân tích: Hiện Hà Nội có khoảng 8 triệu dân. Mỗi năm có 300.000 người hiến máu 1 lần thì được 300.000 đơn vị máu. Nếu năm sau họ vẫn tham gia thì có thêm lượng máu hiến.
Hơn nữa, máu người hiến nhắc lại rất đảm bảo. Vì người tham gia hiến máu nhắc lại đã biết có sức khỏe như thế nào, bảo vệ ra sao để có chất lượng.
Thứ hai, Viện sẽ tìm kiếm phương án để chủ động được thời gian và nhóm máu. Minh chứng là đợt thiếu nhóm máu O vừa rồi, Viện vừa kêu gọi đã được rất nhiều người hiến. Vì vậy, sắp tới, ở Hà Nội, Viện Huyết học-Truyền máu TƯ sẽ phối hợp với Hội Chữ thập đỏ xây dựng 2-3 điểm hiến máu cố định. Viện sẽ cử cán bộ đến đó làm việc như ở Viện. Mục tiêu là ở bất cứ địa điểm nào nếu có người muốn hiến máu thì sẽ bố trí thời gian, địa điểm phù hợp để thu máu.
Điểm cuối cùng là vấn đề chăm sóc người hiến máu. Thực tế, nhiều doanh nghiệp làm rất tốt việc chăm sóc khách hàng. Nếu mình làm được như họ thì giữ được người hiến máu và máu sẽ dần đủ hơn. "Vì thế, thời gian tới, Viện sẽ chú trọng điều này", PGS Bạch Quốc Khánh nói.