Thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ, mẹ và bé đều dễ mắc những bệnh này

10:44 | 23/03/2017;
Thiếu dinh dưỡng trong quá trình mang thai, đặc biệt là acid folic, i ốt có thể dẫn đến dị tật ống thần kinh hoặc thiểu năng trí tuệ ở trẻ khi sinh ra; tăng nguy cơ bị tai biến sản khoa như sinh non ở mẹ.
Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn Quốc gia về dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú. Đây là tài liệu quan trọng, giúp chị em có thêm kiến thức để bổ sung dinh dưỡng, giúp mẹ khỏe, bé phát triển. 

Ông Hoàng Anh Tuấn, Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng cho sức khỏe phụ nữ trong suốt thời kỳ mang thai, sinh đẻ và cho con bú. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng dinh dưỡng trong giai đoạn này không những là yếu tố quyết định cho sức khỏe bà mẹ mà còn cho sự hình thành, phát triển thai và cả sự tăng trường của trẻ nhỏ, sức khỏe của trẻ khi trưởng thành.
uong_thuoc.jpg
Dinh dưỡng hợp lý khi cho con bú, hữu ích cho cả mẹ và bé
Cũng theo ông Tuấn, dinh dưỡng cho mẹ trong giai đoạn cho con bú có ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe của trẻ. Thiếu dinh dưỡng cho mẹ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ, gây khó khăn trong việc chăm sóc con và cho con bú. Mẹ thiếu chất dinh dưỡng có thể hạn chế khối lượng và chất lượng sữa, giảm nguồn cung thức ăn lý tưởng nhất cho trẻ. Đây là nguyên nhân suy dinh dưỡng, tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong ở trẻ.

Trong Hướng dẫn trên nêu rõ: Dinh dưỡng trong thai kỳ có liên quan đến một số dị tật mẩm sinh. Bởi trong 3 tháng đầu, nếu người mẹ không đủ dinh dưỡng sẽ giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm có thể để lại khuyết tật cho trẻ như tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch; thiếu acid folic là nguyên nhân khiến trẻ bị dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, người mẹ trước và trong thời gian mang thai cần được cung cấp đủ acid folic sẽ giảm được 50% khuyết tật này. 

Ngoài ra, dinh dưỡng hợp lý trong thờ gian mang thai giúp bà mẹ khỏe mạnh, thai phát triển tốt giúp người mẹ vượt cạn một các thuận lợi. Trường hợp thiếu dinh dưỡng ở mẹ trong thời gian mang thai có thể khiến người mẹ nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ sẩy thai, thai lưu, khó sinh, sinh non/nhẹ cân và một số tai biến khác,...

“Việc biên soạn và ban hành “Hướng dẫn Quốc gia về dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú” sẽ giúp chị em phụ nữ có thêm kiến thức để bổ sung dinh dưỡng, giúp mẹ khỏe, bé phát triển”, ông Tuấn khẳng định.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn