Thiếu hụt gần 1 triệu hộ sinh trên toàn cầu

22:19 | 08/05/2021;
Chú trọng đến ngành hộ sinh có thể ngăn chặn 2/3 số ca tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Theo một cuộc khảo sát mới, thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu 900.000 hộ sinh, trong đó hơn một nửa ở châu Phi, nơi gần 2/3 số ca tử vong ở người mẹ xảy ra.

Báo cáo của World’s Midwifery năm 2021, xem xét trên 194 quốc gia nêu lên vấn đề việc không đủ nguồn lực và không nhận ra tầm quan trọng về vai trò của hộ sinh dẫn đến việc có rất ít tiến bộ kể từ nghiên cứu cuối cùng vào năm 2014.

Theo đó, ước tính có khoảng 1,9 triệu hộ sinh và hộ sinh liên kết làm việc trên toàn cầu, 90% trong số đó là phụ nữ. Báo cáo do Tổ chức Y tế Thế giới, Liên đoàn Hộ sinh Quốc tế và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) công bố hôm 5/5 cho biết có rất ít tiến bộ để cải thiện dịch vụ chăm sóc hộ sinh trong 7 năm qua. Chưa kể, đại dịch Covid -19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt hộ sinh trong việc hỗ trợ các dịch vụ y tế khác.

Ngoài ra, báo cáo cũng kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và đào tạo, đồng thời kêu gọi các chính phủ ưu tiên hỗ trợ cho lĩnh vực hộ sinh.

Thiếu hụt gần 1 triệu hộ sinh trên toàn cầu  - Ảnh 1.

Hộ sinh chăm sóc cho một đứa trẻ ở Harare. Ảnh: Getty Images

Theo báo cáo, hộ sinh và các vai trò chăm sóc phụ nữ và trẻ sơ sinh thường bị đánh giá thấp, "dẫn đến việc những người hộ sinh không có tiếng nói và không có vị trí, điều này cản trở sự tôn trọng, tiếp cận công việc tử tế và trả lương công bằng".

Năm 2017, ước tính có khoảng 196.000 phụ nữ ở châu Phi cận Sahara chết khi mang thai hoặc sinh con so với con số 740 ở châu Âu. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet năm ngoái cho thấy đầu tư vào hộ sinh có thể ngăn chặn khoảng 2/3 số ca tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh cũng như thai chết lưu.

Anneka Knutsson, Giám đốc chi nhánh sức khỏe sinh sản của UNFPA, cho biết với tốc độ tiến bộ hiện nay trong việc bù đắp sự thiếu hụt về số lượng hộ sinh thì vẫn sẽ thiếu 750.000 hộ sinh vào năm 2030.

Bà Anneka nói: "Châu Phi sẽ vẫn như vậy. Tiến độ như thế sẽ không theo kịp với tỷ lệ sinh sản và nhu cầu chưa được đáp ứng ở Châu Phi. Sự cải thiện mà chúng ta thấy sẽ xảy ra ở các nước có thu nhập trung bình".

Thiếu hụt gần 1 triệu nữ hộ sinh trên toàn cầu  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Anneka cho biết những hộ sinh được đào tạo và có nguồn lực sẽ có thể cung cấp khoảng 90% các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục thiết yếu.

Đặc biệt, hộ sinh được coi là "công việc của phụ nữ". Công việc này thường gây nhầm lẫn và bị đánh giá thấp về những đóng góp liên quan đến kinh tế và chuyên môn của hộ sinh cho xã hội.

Chưa kể, Tiến sĩ Franka Cadée, Chủ tịch Liên đoàn Hộ sinh Quốc tế (ICM), cũng lưu ý: "Là những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, ngành hộ sinh liên tục bị coi thường và phớt lờ. Đã đến lúc chính phủ phải hành động và thừa nhận tầm quan trọng của ngành hộ sinh trong việc thúc đẩy sự sống, cứu sống tính mạng của mẹ và bé".

"ICM cam kết tận dụng sức mạnh của cộng đồng hộ sinh toàn cầu của chúng tôi để thực hiện những phát hiện mạnh mẽ này và truyền cảm hứng cho sự thay đổi ở cấp độ quốc gia. Tuy nhiên, công việc này không thể thực hiện được nếu không có sự cam kết của những người ra quyết định và những người có nguồn lực để đầu tư vào ngành hộ sinh và dịch vụ chăm sóc chất lượng mà họ cung cấp cho phụ nữ sau sinh", TS Franka cho hay.

Các khuyến nghị của báo cáo sẽ được thảo luận tại Đại hội đồng Y tế Thế giới vào cuối tháng này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn