Thiếu ngủ ngăn chặn quá trình tự sửa chữa của giác mạc

18:50 | 12/05/2022;
Thiếu ngủ là một tình trạng phổ biến và có xu hướng tăng dần, gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện, thiếu ngủ gây cản trở quá trình tự sữa chữa của các tế bào gốc tại giác mạc.

Khoa học đã chứng minh rằng, thiếu ngủ gây nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, sự tác động của tình trạng thiếu ngủ lên các cơ quan khác nhau như thế nào vẫn còn là vấn đề đang tiếp tục được tìm hiểu, nghiên cứu.

Tạp chí Stem Cell Reports mới đây đã cho đăng tải một nghiên cứu mới về tác động của thiếu ngủ ảnh hưởng lên đôi mắt như thế nào. Nghiên cứu này là thành quả hợp tác của các nhà khoa học đến từ Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ có thể gây tác động lên các tế bào gốc của giác mạc. Không chỉ vậy, màng phim nước mắt phủ trên bề mặt giác mạc cũng phải chịu tác động nếu cơ thể bị thiếu ngủ.

Thực trạng thiếu ngủ hiện nay

Có một giấc ngủ ngon hằng đêm là điều rất quan trọng đối với cơ thể. Theo khuyến cáo hiện nay, người trưởng thành nên đảm bảo thời lượng ngủ đạt ít nhất 7 tiếng mỗi đêm.

Nhưng từ báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ lại cho thấy, hơn 1/3 số người trưởng thành ở nước này không ngủ đủ giấc vào ban đêm. Điều này là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, chẳng hạn như béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp,...

Thiếu ngủ ngăn chặn quá trình tự sửa chữa của giác mạc - Ảnh 1.

Thiếu ngủ là nguyên nhân dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau - Ảnh: Internet

Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng thiếu ngủ trên thực tế. Nhưng Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã nhấn mạnh đến vai trò của các rối loạn giấc ngủ. Bởi theo các thống kê thì có đến hơn 40% dân số nước này gặp phải tình trạng rối loạn giấc ngủ. Những rối loạn giấc ngủ này có thể kể đến như chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên, chứng ngủ rũ, khó ngủ,...

Với những người không bị tác động bởi bất kỳ loại rối loạn giấc ngủ nào, thực hiện vệ sinh giấc ngủ là cách tốt nhất để có thể ngủ đủ giấc. Đi ngủ đúng giờ, tránh nhìn màn hình trước khi đi ngủ, không uống rượu trước khi ngủ,... là những cách vệ sinh giấc ngủ đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện.

Thiếu ngủ gây hại cho mắt như thế nào?

Giác mạc là một bộ phận trong suốt nằm trên bề mặt nhãn cầu. Bình thường, giác mạc sẽ luôn được phủ bởi một lớp màng phim nước mắt. Màng nước mắt này có vai trò giữ bề mặt giác mạc luôn trơn, thoải mái và chống lại sự xâm nhập của vi sinh vật gây nhiễm trùng.

Nhằm tìm hiểu về tác động của thiếu ngủ lên mắt, những con chuột là đối tượng được các nhà khoa học lựa chọn để thực hiện nghiên cứu mới lần này. Cụ thể, nhóm nghiên cứu tập trung quan tâm đến sự tác động của tình trạng thiếu ngủ lên các tế bào gốc tại giác mạc.

Theo Tiến sĩ Neil Neimark giải thích, tế bào gốc là những tế bào đặc biệt của cơ thể. Chúng có năng lực làm lành các tổn thương và sự tái tạo của tất cả các mô đều được bắt đầu từ sự tham gia của các tế bào gốc.

Trong quá trình nghiên cứu thì nhóm nghiên cứu đã khiến cho những con chuột thí nghiệm bị thiếu ngủ 2 lần, lần thứ nhất kéo dài 2 ngày và lần thứ 2 kéo dài 10 ngày. Sự biểu hiện gen trên những con chuột này sẽ được đánh giá lại sau mỗi lần chúng bị gây thiếu ngủ.

Kết quả cho thấy, sự biểu hiện của 287 gen tại giác mạc đã thay đổi một cách đáng kể, trong đó có 88 gen bị giảm biểu hiện. Còn khi những con chuột bị thiếu ngủ trong vòng 10 ngày, số gen có biểu hiện bị thay đổi đáng kể là 272 gen, nhưng lại có tới 150 gen giảm biểu hiện.

Khi tiến hành kéo dài thời gian thí nghiệm trong 1-2 tháng, giác mạc của những con chuột tham gia nghiên cứu sẽ giảm dần độ trong suốt. Đồng thời, bề mặt giác mạc cũng trở nên gồ ghề hơn.

Vì sao thiếu ngủ gây hại cho giác mạc

Lý giải cho kết quả thí nghiệm, nhóm nghiên cứu cho rằng, trong thí nghiệm này đã thấy được có sự điều chỉnh tế bào gốc ở những con chuột bị thiếu ngủ. Tuy vậy khi sự điều chỉnh này diễn ra trong một thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng cạn kiệt dần tế bào gốc. Họ gọi tình trạng này là "biểu hiện sớm của sự thiếu hụt tế bào gốc vùng rìa".

Điều này dẫn tới các hậu quả sớm của thiếu ngủ hoặc ngủ muộn lên mắt như khô mắt, đau mắt, ngứa mắt và sung huyết mắt.

Thiếu ngủ ngăn chặn quá trình tự sửa chữa của giác mạc - Ảnh 2.

Mắt cũng là cơ quan phải chịu nhiều tác động tiêu cực nếu cơ thể bị thiếu ngủ - Ảnh: Internet.

Tuy nhiên các nhà khoa học đã tiến hành điều trị thử cho những con chuột bị tổn thương giác mạc bằng thuốc nhỏ mắt có chứa chất chống oxy hóa. Kết quả cho thấy phương pháp này có khả năng giúp hồi phục sức khỏe mắt ở những con chuột trên.

Vì vậy, Tiến sĩ Howard R. Krauss đã cho rằng, nghiên cứu được thiết kế để làm rõ các thay đổi về mặt hóa học và tế bào trên bề mặt nhãn cầu ở những con chuột bị thiếu ngủ. Kết quả đã cho thấy thiếu ngủ thực sự gây nên những tác động tiêu cực, làm rõ cơ chế gây nên một số các triệu chứng và bệnh tật ở người.

Những điều còn hạn chế của nghiên cứu mới

Dù rằng nghiên cứu mới đã chỉ ra ảnh hưởng của thiếu ngủ lên sức khỏe con người, tuy nhiên Tiến sĩ Howard R. Krauss cho rằng nó vẫn còn có những hạn chế nhất định.

Trong đó điểm hạn chế đáng chú ý là cách mà người ta đã gây thiếu ngủ cho những con chuột. Những con chuột này sẽ bị đặt trên một đầu gậy và bên dưới toàn là nước. Khi chúng ngủ sẽ khiến chúng bị rơi xuống nước, thức giấc và leo trở lại lên trên gậy.

Phương pháp gây thiếu ngủ này khiến chúng ta buộc phải đặt ra câu hỏi về các thay đổi hóa học và tế bào đã thấy được. Rất có thể đó chính là các phản ứng xảy ra sau khi bị thiếu ngủ và là sự đáp ứng của cơ thể với căng thẳng gây ra do phương pháp tạo nên tình trạng thiếu ngủ.

Nhưng nghiên cứu mới này lại làm tập trung sự chú ý vào tình trạng thiếu ngủ. Từ đó dẫn dắt suy nghĩ rằng tác hại của thiếu ngủ nhiều hơn nhiều so với những gì đã được biết.

Tuy vậy, cuối cùng Tiến sĩ Howard R. Krauss vẫn khẳng định rằng, việc con người cần được ngủ để có được một sức khỏe tốt đang ngày càng được làm sáng tỏ hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn