Tiểu Linh (tên nhân vật đã được thay đổi) sinh ra và lớn lên cùng gia đình tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. Mẹ của cô kể lại, trước đây con gái từng thừa cân, có thân hình quá khổ và thường bị trêu chọc. Đến giữa năm lớp 6 cô bắt đầu nghiêm túc giảm cân. Sau đó, dù đã trở nên rất gầy nhưng Tiểu Linh vẫn luôn bị ám ảnh bởi việc giảm cân bằng mọi cách.
Kể từ khi đó, Tiểu Linh đã tuyệt đối không động tới dầu ăn. Một thời gian sau, khi nghe nói một bạn nữ cùng lớp nhờ việc bỏ hoàn toàn tinh bột, thịt trong thời gian ngắn mà giảm rất nhiều cân và trở nên xinh đẹp thì cô cũng bắt đầu làm theo. Theo lời kể của giáo viên và bạn bè thì Tiểu Linh thầm thích một bạn nam nhưng cậu bạn từ chối cô và thích một bạn nữ khác có vóc dáng mảnh mai. Đó là lý do cô ngày càng ám ảnh với việc giảm cân, ngay cả khi đã rất gầy.
Rất nhiều thanh thiếu niên, cô gái trẻ bị ám ảnh bởi vóc dáng gầy guộc và sẵn sàng giảm cân cực đoan (Ảnh minh họa)
Bố mẹ của Tiểu Linh khi chứng kiến hành động của con thì từ khó hiểu đến lo lắng rồi tức giận. Lúc đầu, cho rằng con gái đang bước vào tuổi dậy thì nên cũng chiều theo, bởi nghĩ rằng nó chỉ kéo dài một thời gian. Tuy nhiên, đến khi thấy Tiểu Linh quá tiêu cực, thân hình ngày càng gầy gò thì tìm mọi cách khuyên bảo, thậm chí dọa nạt nhưng vẫn không có tác dụng.
Mỗi lần bố mẹ ép Tiểu Linh đến bệnh viện thăm khám, cô đều chống cự quyết liệt. Từ năm lần bảy lượt cố nhảy xuống khỏi xe ô tô đang chạy tới tự dùng vòi hoa sen đập vào đầu, cố gắng nhảy ra khỏi cửa sổ từ trên cao… Vô cùng vất vả bố mẹ Tiểu Linh mới có thể thành công đưa cô tới được một phòng khám tư và nhận chẩn đoán mắc chứng chán ăn tâm thần.
Điều đáng sợ là sau lần thăm khám đó, Tiểu Linh ngày càng cực đoan hơn trong việc giảm cân. Khi có bất cứ ai khuyên bảo cô sẵn sàng dùng tính mạng để uy hiếp, không ngần ngại làm đau bản thân. Mặc dù gần như chỉ ăn rau, quả và uống nước mỗi ngày nhưng cô còn thường xuyên dùng tay móc họng để nôn ra sau khi ăn.
Đỉnh điểm là thời gian sau Tết Nguyên Đán năm vừa rồi, Tiểu Linh chỉ uống nước để giảm cân trong suốt 50 ngày liên tục. Đến thời điểm bất tỉnh và được đưa vào phòng cấp cứu, cô gái 15 tuổi cao 1m65 nhưng nặng chỉ vỏn vẹn 24,8kg.
Lúc đầu, Tiểu Linh được cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, suy hô hấp, suy dinh dưỡng nặng tại bệnh viện địa phương thuộc Đông Quản, Thâm Quyến, Trung Quốc. Nhưng do tình trạng chuyển biến xấu quá nhanh nên được chuyển tuyến gấp tới Bệnh viện Nhi đồng Thâm Quyến (Quảng Đông,Trung Quốc).
Khi nhập viện, tình trạng của Tiểu Linh vô cùng nguy kịch (Ảnh cắt từ phim tài liệu)
Bác sĩ phòng cấp cứu kiểm tra và phát hiện Tiểu Linh không thể tự thở, khóe miệng rỉ máu, đồng tử to nhỏ không đều, phản xạ ánh sáng không còn. Điều này có nghĩa là thân não đã bị tổn thương rất nghiêm trọng, rơi vào hôn mê sâu. Ngoài ra, cô còn cùng lúc mắc tới 14 căn bệnh khác liên quan tới hầu hết các bộ phận trong cơ thể.
Khi xoay người để đưa Tiểu Linh đi chụp CT, y tá và bác sĩ đều hoảng hốt khi thấy cô nhẹ như một chiếc chăn bông. Thậm chí họ còn không dám cử động mạnh từng ngón tay vì sợ gây tổn thương xương.
Sau khi tham khảo ý kiến của Khoa Huyết học và Ung thư của Bệnh viện Nhi đồng Thâm Quyến, nhóm điều trị kết luận Tiểu Linh mắc chứng rối loạn chuyển hóa toàn diện do suy dinh dưỡng nặng và não bị tổn thương nghiêm trọng. Do não bị suy dinh dưỡng lâu ngày, thiếu máu cục bộ, máu cung cấp không đủ nên sẽ mất đi chức năng. Dù có cố gắng giữ mạng sống thì bệnh nhân cũng chỉ có thể nằm một chỗ và phụ thuộc hoàn toàn vào hỗ trợ y tế, tỷ lệ tỉnh lại có thể nói là bằng không.
Sau hơn 20 ngày Tiểu Linh nằm trong phòng chăm sóc tích cực ICU nhưng tình trạng ngày càng xấu, bố mẹ cô quyết định để con gái ra đi mãi mãi. Cô gái hưởng dương chỉ vỏn vẹn 15 tuổi, tất cả chỉ xuất phát từ ám ảnh với cân nặng và ngoại hình.
Câu chuyện của Tiểu Linh được dựng thành phim và tạo nên làn sóng dư luận cực lớn trong series phim tài liệu y tế ăn khách “Sparkling Pediatrician”. Bộ phim gửi gắm lời cảnh báo chúng ta đừng giảm cân cực đoan hay xem nhẹ chứng rối loạn ăn uống, nhất là ở các bậc phụ huynh đối với trẻ em - thanh thiếu niên. Đồng thời, đừng bao giờ dùng cân nặng làm thước đo vẻ đẹp, không chỉ trích hay trêu chọc người khác vì cân nặng hay ngoại hình của họ.
Cần phải hiểu rằng, chán ăn cũng có thể bệnh lý. Theo Tiến sĩ Li Xueni thuộc Bệnh viện số 6 Đại học Bắc Kinh (Bắc Kinh, Trung Quốc), chứng chán ăn có tên khoa học là Anorexia Nervosa (AN), là 1 biểu hiện lâm sàng của chứng rối loạn ăn uống mãn tính hoặc chứng chán ăn tâm thần.
Chán ăn tâm thần là một chứng bệnh phổ biến ở nữ giới trẻ tuổi nhưng thường bị xem nhẹ (Ảnh minh họa)
Giống như trường hợp của Tiểu Linh, chán ăn tâm thần đúng như nghĩa đen từ tên gọi của nó, tức là chán ăn về mặt tinh thần. Từ việc tâm thần của người bệnh rối loạn, ám ảnh bởi tiêu chuẩn cái đẹp là phải thật gầy. Điều này dẫn tới hạn chế quá mức thức ăn và nỗi sợ hãi mãnh liệt vô lý về việc tăng cân hay cuồng ăn đi kèm với việc cố gắng đào thải thức ăn. Từ đó gây ra nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
Theo các thống kê, có 5% - 15% bệnh nhân chán ăn chết vì biến chứng thể chất hoặc tự tử. Biến chứng thể chất như nôn mửa, rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng, suy kiệt, vô kinh… và hàng loạt bệnh lý ở mọi bộ phận khác trong khắp cơ thể.
Tiến sĩ Li Xueni cũng nhắc nhở rằng bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ. Thường khởi phát ở giai đoạn thanh thiếu niên, hiếm khi sau tuổi 40. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên đặc biệt chú ý. Khi con trẻ biếng ăn kéo dài, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ dinh dưỡng và tâm lý càng sớm càng tốt.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn