Một buổi hẹn hò tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) gặp tình huống hi hữu khi 100 chàng trai xếp hàng chờ 5 cô gái "chiếu cố" tới mình. Trong dịp Tết, khi nhiều cô gái trở về quê, một người có thể gặp trung bình 10 người đàn ông. Số đàn ông khác không thể chờ đợi đến lượt đã phải hạ thấp yêu cầu, chỉ cần đối tượng khỏe mạnh và tinh thần bình thường là được. Trong số này, không ít trai tân chấp nhận phụ nữ đã ly hôn và có con nhỏ. Theo các bà mối, yêu cầu cơ bản của các cô gái trong tỉnh Giang Tô với đối tượng là phải có nhà, có xe, công việc ổn định, sính lễ tối thiểu là 160.000 tệ (hơn 570 triệu đồng), cao hơn nữa có thể tăng gấp rưỡi, gấp đôi kèm theo nhẫn, vòng vàng... Tình trạng này gây nên nhiều tranh cãi về vấn đề chênh lệch nam nữ ngày càng sâu sắc tại đất nước tỷ dân.
Li Defu (25 tuổi) phải rời quê hương đi làm thuê ở Quý Dương suốt nhiều năm. Anh dồn hết số tiền kiếm được và tiền của gia đình để xây một căn nhà 10 phòng, nhìn ra con suối và thung lũng đầy cây xanh. Căn nhà ấy là cơ hội cuối cùng để anh có thể cưới được vợ. "Tôi chưa kiếm được bạn gái. Nhưng tôi xây căn nhà này, phòng khi có ai đó muốn cưới mình", anh nói.
Li được nuôi dưỡng bởi bà nội, bà đã già yếu và không còn sức lực. Cha mẹ anh đều đang đi làm thuê ở những nhà máy cách quê nhà rất xa. Tiền tiết kiệm của họ cũng rất quan trọng. Li tính rằng sẽ phải trả cho nhà cô dâu món sính lễ khoảng 10.000 USD. Cách đây 20 năm, con số này chỉ khoảng vài trăm USD. Bởi vậy, khoản thách cưới quá lớn như hiện tại trở thành gánh nặng cho những gia đình như Li.
"Làng tôi có rất ít con gái và phụ nữ nơi khác sẽ chẳng muốn lấy chồng rồi về đây vì vùng này quá nghèo", Zhou Haijiang (25 tuổi) nói với phóng viên khi đang ngồi lát gạch trong một căn nhà. Anh nói ở làng mình, ai muốn cưới vợ phải xây một căn nhà to. Rất muốn ở lại quê nhà nhưng vì quá nghèo, anh đã miễn cưỡng hòa vào dòng chảy lao động nhập cư tới các thành phố lớn - nơi có cơ hội kiếm nhiều tiền hơn để cưới vợ.
Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố đầu năm 2021, nam giới nước này đang nhiều hơn phụ nữ 34,9 triệu người. Trong đó, có 17,52 triệu nam giới độc thân thuộc độ tuổi "có thể kết hôn"-từ 20 đến 40 tuổi. Tuy nhiên, những người đàn ông này có khả năng không thể cưới vợ do chênh lệch giới tính quá lớn tại đất nước tỷ dân.
Tình trạng thừa nam giới tại Trung Quốc là do chính sách một con kéo dài gần 4 thập kỷ, từ năm 1979 đến 2015, của chính phủ nước này. Hiện cứ 111,3 bé trai thì chỉ có 100 bé gái được sinh ra. Với những người thuộc độ tuổi kết hôn, tỷ lệ này cũng chênh lệch lớn, khoảng 109 nam/100 nữ.
Đàn ông ở Trung Quốc cần phải có nhà, tiền tiết kiệm và một công việc tốt mới kiếm được vợ. Nhiều người đàn ông tại đây đang phải làm việc chăm chỉ hơn, nhận những việc nguy hiểm và khó khăn để kiếm tiền, mong thoát khỏi cảnh "ế vợ". Cha mẹ cũng cố gắng hỗ trợ tiền bạc cho con trai của họ. Sinh con trai từng là mục đích có người phụng dưỡng khi về già của các cặp vợ chồng Trung Quốc. Giờ đây, cha mẹ già đang phải hy sinh để giúp con trai cưới được vợ. Hàng triệu gia đình nghèo không dám mong chờ con dâu.
Nhà kinh tế Shang-Jin Wei nhận định, đây là một cuộc "chạy đua" trong thị trường hẹn hò và hôn nhân. Nhiều đàn ông và cả gia đình của họ không kiếm tiền để tiêu dùng mà gom góp tiết kiệm làm tiền thách cưới khi lấy vợ. Thiếu phụ nữ để kết hôn, đàn ông Trung Quốc phải "nhập khẩu cô dâu". Nam giới độc thân phải tìm bạn đời trên các web môi giới cô dâu nước ngoài, trả khoảng 8.000 USD để có một chuyến "du lịch kết hôn".
Không riêng Trung Quốc, tại nhiều nước châu Á, tư tưởng trọng nam khinh nữ, cộng với chính sách kìm hãm dân số kéo dài hàng thập kỷ của chính phủ đã gây nên thực trạng chênh lệch giới tính trầm trọng. Ấn Độ cũng là một quốc gia châu Á có tư tưởng "trọng nam khinh nữ" nặng nề. Từ năm 2018, quốc gia này có hàng chục triệu đàn ông dư thừa. Theo Washington Post, đây là hậu quả của công nghệ chọn lọc giới tính thai nhi suốt 30 năm. Dù đã bị cấm, nó vẫn được nhiều người lén sử dụng.
Cuộc điều tra dân số được thực hiện từ năm 2019 đến 2021 cho thấy lần đầu tiên Ấn Độ đạt tỷ lệ nữ nhiều hơn nam (1.020 phụ nữ/1.000 nam giới). Tuy nhiên, sự chênh lệch giới tính trong độ tuổi kết hôn vẫn sẽ còn kéo dài trong vài thập kỷ tới. Hệ quả của nó là tình trạng dư thừa đàn ông, hàng chục triệu nam giới có nguy cơ không thể kết hôn.
Prem Chowdhry, một nhà nghiên cứu và nhà khoa học xã hội ở New Delhi (Ấn Độ), cho biết sự mất cân bằng giới có thể dẫn đến "khủng hoảng nam tính". Những người đàn ông bị "gạt khỏi lề xã hội" vì ế vợ dễ mắc các vấn đề tâm lý, buồn chán và trầm cảm. Thực trạng này còn dẫn đến nhiều vấn đề như phá vỡ cấu trúc gia đình. Không thể kết hôn, đàn ông "ế vợ" ở Ấn Độ dễ có hành vi quấy rối phụ nữ. Tại bang Haryana ở miền Bắc Ấn Độ, tội phạm quấy rối đã tăng 127% trong thập kỷ qua. Buồn chán và thất vọng, nhiều người lao vào quấy rối phụ nữ trẻ.
Các chuyên gia nghiên cứu lưu ý, về tình trạng "khát vợ" có sự khác nhau giữa vùng nông thôn và thành thị. Ở các thành phố lớn, phụ nữ có xu hướng đòi hỏi cao ở bạn đời, kết hôn muộn hoặc thậm chí không lấy chồng. Những năm gần đây, việc kết hôn ở các vùng nông thôn Trung Quốc ngày càng được các gia đình thúc đẩy sớm. Có nơi, cô gái mới chỉ tốt nghiệp cấp 3 đã được "ông Tơ, bà Nguyệt" gõ cửa tận nhà hỏi về tương lai muốn học lên cao hay tính chuyện lập gia đình. Ở những vùng nông thôn nghèo, hiện tượng khó kết hôn của nam giới ngày càng báo động. Thứ nhất, sự mất cân bằng giới tính tồn tại trong nhiều năm. Thứ hai, sự di cư của phụ nữ trẻ từ nông thôn lên thành phố và có xu hướng tìm bạn đời ở thành phố. Thứ ba, chi phí kết hôn cao cũng là nguyên nhân cản trở nam giới nông thôn tiến tới hôn nhân. Ngược lại, do nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ, việc thừa kế đất đai, nam thanh niên nông thôn ra ngoài làm việc thường chọn về quê định cư.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn