Thiếu Sắt và Kẽm có thể tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng ở trẻ

12:47 | 20/09/2022;
Sắt và Kẽm là 2 vi lượng quan trọng đối với trẻ nhỏ. Nếu thiếu hụt 2 dưỡng chất này, trẻ dễ bị suy giảm hệ miễn dịch, mắc các bệnh nhiễm trùng.

Bệnh nhiễm trùng do các loại vi khuẩn, virus, vi sinh vật tấn công vào cơ thể. Đặc biệt, các loại vi sinh vật, virus liên tục phát triển tạo các chủng mới, gây ra nhiều bệnh như: cảm cúm, sốt xuất huyết, covid-19, …

Để phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng này, đặc biệt là trẻ nhỏ nên tăng cường miễn dịch một cách tự nhiên, trong đó dinh dưỡng là chế độ hàng đầu.

Mà các yếu tố vi lượng có vai trò quan trọng trong việc hình thành, kích hoạt hoạt động của hệ miễn dịch, đặc biệt là Sắt và Kẽm.

Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em thiếu Sắt và Kẽm vẫn còn ở mức cao, điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và phòng bệnh của trẻ. Nguyên nhân trẻ thiếu Sắt và Kẽm chủ yếu do chế độ dinh dưỡng nghèo nàn.

Theo một thử nghiệm về sữa được bổ sung nhiều vi chất dinh dưỡng (như một chiến lược cung cấp Kẽm và Sắt) ở trẻ em Ấn Độ. Kết quả cho thấy có sự giảm đáng kể bệnh nặng và tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, tiêu chảy ở trẻ.

1. Vai trò của Sắt và Kẽm đối với sự phát triển của trẻ

Sắt là vi chất cần thiết trong quá trình phát triển của trẻ. Sắt giúp các tế bào hồng cầu vận chuyển ôxy đi khắp cơ thể và hỗ trợ khả năng học hỏi của trẻ. Cơ thể được bổ sung đủ sắt có thể giúp ngăn ngừa nhiều bệnh liên quan đến nhiễm trùng, tăng cường miễn dịch và đảm bảo cơ thể không bị thiếu máu.

Theo khuyến nghị, lượng sắt cần được bổ sung ở trẻ 9 tháng khoảng 11 mg/ngày, 1 đến 5 tuổi khoảng 7 đến 9mg/ngày, 9 đến 18 tuổi là 8 - 15mg/ngày.

Thiếu Sắt và Kẽm có thể tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng ở trẻ - Ảnh 1.

Sắt và Kẽm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ (Ảnh: Internet)

Kẽm rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của cơ quan sinh sản và não bộ, đồng thời đóng một vai trò trong hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch, khứu giác và vị giác và chữa lành vết thương.

Nhu cầu bổ sung Kẽm cho trẻ em tùy vào độ tuổi: Từ 6 tháng tuổi trở lên bổ sung 2mg/ngày, trẻ từ tháng thứ 7 đến 12 tháng tuổi: 3mg/ ngày, từ 4 - 8 tuổi: 5mg/ngày.

Ngoài ra, Kẽm là chất cần thiết cho quá trình phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ, giúp chuyển hóa, hấp thu nhiều nguyên tố vi lượng khác như: đồng, mangan, magie, …

2. Trẻ bị thiếu Sắt và Kẽm có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng

Sắt và Kẽm có nhiều vai trò trong quá trình phát triển và bảo vệ sức khỏe của trẻ. Vì vậy, khi thiếu hụt những dưỡng chất này, trẻ bị ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe như:

- Trẻ bị thiếu Sắt: Thiếu sắt có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và có thể dẫn đến các vấn đề về học tập và hành vi. Nếu thiếu sắt không được khắc phục có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt (giảm số lượng tế bào hồng cầu trong cơ thể), suy giảm hệ miễn dịch, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như cảm, sốt xuất huyết, sốt virus, ...

Ngoài ra, trẻ thiếu sắt còn có thể bị sưng phù tay chân, rối loạn nhịp tim, khó thở. Nguy hiểm hơn, trẻ có thể mắc "hội chứng pica" - một dạng rối loạn hành vi.

Một số triệu chứng phổ biến khi trẻ bị thiếu sắt như da nhợt nhạt, mệt mỏi, tay chân lạnh, thở nhanh,…

Thiếu Sắt và Kẽm có thể tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng ở trẻ - Ảnh 2.

Trẻ thiếu Sắt và Kẽm dễ bị suy giảm miễn dịch, dễ mắc bệnh nhiễm trùng (Ảnh: Internet)

- Trẻ bị thiếu Kẽm: Trẻ thiếu Kẽm có thể giảm tăng trưởng, tăng nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh và nhiễm trùng, suy giảm trí nhớ, mất khả năng học tập và khả năng chú ý kém.

Hơn nữa, ở những trẻ thiếu Kẽm thường biếng ăn, khó ngủ, suy giảm thị lực, rối loạn thính giác hoặc thậm chí có thể mắc bệnh tự kỷ.

3. Cách bổ sung Sắt và Kẽm cho trẻ

Đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ cũng như có tác dụng bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nhiễm trùng, cha mẹ nên bổ sung đầy đủ Kẽm và Sắt cho con qua chế độ ăn uống.

- Một số thực phẩm giàu sắt cha mẹ có thể bổ sung vào chế độ ăn cho con như: thịt đỏ, thịt gà, cá, đậu và rau bina, trứng,… Đối với trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi, nên xay nhuyễn thịt, đậu, ngũ cốc để bé dễ ăn và đủ chất. Với trẻ sơ sinh, mẹ nên ăn nhiều thực phẩm giàu sắt để bổ sung cho con qua nguồn sữa.

Đặc biệt, Vitamin C giúp thúc đẩy sự hấp thụ sắt trong chế độ ăn uống nên bạn có thể giúp trẻ hấp thụ sắt tốt hơn bằng cách cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C như trái cây họ cam quýt, dưa đỏ, dâu tây, ớt chuông, cà chua và các loại rau có màu xanh đậm.

Thiếu Sắt và Kẽm có thể tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng ở trẻ - Ảnh 3.

Bổ sung Sắt và Kẽm cho trẻ qua chế độ dinh dưỡng vừa hiệu quả lại an toàn (Ảnh: Internet)

- Các thực phẩm giàu Kẽm nên thêm vào thực đơn hàng ngày của trẻ như thịt, các loại đậu, hạt khô, sữa, trứng, ngũ cốc nguyên hạt,…

Ngoài ra, để phòng ngừa trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng, ngoài chế độ ăn giàu Sắt và Kẽm, cha mẹ cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất khác cho con, đặc biệt là các loại vitamin C, D, E. Vận động nhẹ nhàng, lối sống khoa học, xây dựng thói quen tốt (rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang) cũng là cách để giúp con có một sức khỏe tốt, tránh các bệnh lây nhiễm.

Thiếu Sắt và Kẽm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng ở trẻ do hệ miễn dịch suy giảm. Hơn nữa, thiếu 2 dưỡng chất này trẻ có nguy cơ phát triển chậm và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Do đó, cha mẹ nên chú trọng bổ sung đầy đủ Sắt và Kẽm, đảm bảo cho sự phát triển bình thường của con trẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn