"Thịt băm cần thìa nhỏ, chan canh cần thìa to" - bài thơ về quy tắc bữa ăn khiến nhiều người thích thú

15:58 | 30/08/2023;
"Ăn một bữa cơm đúng là biết ai được dạy dỗ cẩn thận. Văn hóa của một gia đình nề nếp", một bình luận của dân mạng sau khi đọc hết bài thơ "Dạy con trong văn hóa bữa ăn".

Quy tắc ứng xử trong cuộc sống giữa đồng nghiệp, vợ chồng hay chính các thành viên trong gia đình với hau đều gián tiếp phản ánh một khía cạnh nào đó trong cuộc sống mỗi người. 

Và quy tắc trên mâm ăn là một chủ đề hot. Minh chứng rõ ràng nhất là sự viral của những bài viết xung quanh chủ đề này khi cứ mươi bữa nửa tháng là được cư dân mạng "đào lại". 

Mới đây, dân tình tiếp tục chú ý đến một bài thơ tóm gọn văn hóa ứng xử trên mâm cơm có tựa đề Dạy con văn hóa trong bữa ăn của tác giả Tiến Tộ. Tại đây, tác giả đề cập đến rất nhiều nội dung trong bữa ăn, từ lúc dọn mâm đến lúc ăn uống xong xuôi.

Cụ thể hơn, khi dọn mâm phải chú ý đồ ăn để chọn bát đĩa cho phù hợp, trước khi ăn phải mời ông bà bố mẹ, lúc gắp thức ăn phải để ý đến người xung quanh: "Ăn uống phải nhìn nhau/Chớ gắp lia gắp lịa"... Tất cả những quy tắc ăn uống sao cho lịch sự và tinh tế đều được gieo vẫn điệu rất dễ nhớ như: "Canh không khoắng bằng đũa/Thịt không bới lung tung/Ngồi ăn chớ sát mâm/Và không kêu sột soạt".

Bài thơ còn nhắc nhở người trẻ trong gia đình phải hiếu thuận với ông bà, cha mẹ - những người đã rất vất vả để kiếm tiền vun đắp nếp nhà.

Quy tắc trong bữa bữa ăn được tóm gọn qua một bài thơ, nội dung có gì mà dân tình gật gù? - Ảnh 1.

Câu chuyện xoay quanh mâm cơm luôn được nhiều người quan tâm (Ảnh: Bích Ngân)

Ngay sau khi được đăng tải, bài thơ đã thu hút sự chú ý từ cư dân mạng. Nhiều người đồng tình với những quy tắc mà tác giả đề cập, khẳng định một bữa ăn có thể tiết lộ rất nhiều về mỗi người. Ngoài ra bài thơ được viết theo vấn ngắn, dễ hiểu và dễ nhớ cũng rất phù hợp cho bố mẹ muốn dạy con cái.

Một số ý kiến từ cư dân mạng:

- Thiết thực quá! Rất trân trọng và cảm ơn tác giả bài thơ vì phù hợp với các cháu tiểu học.

- Văn hoá trong bữa ăn là một phần cha mẹ dạy chúng ta thuở thiếu thời. "Học ăn, học nói, học gói, học mở" - bài học đậm tính nhân văn biết chừng nào.

- Nhà mình vẫn vậy. Từ ông bà đến bố mẹ giờ tới vợ chồng mình và các con cũng vậy. Ngồi vào mâm lỡ quên không mời đang cầm đũa lên rồi thấy sao sao nhớ ra là chưa mời. Mời xong ăn mới thấy ổn. Như một thói quen.

- Ăn một bữa cơm đúng là biết ai được dạy dỗ cẩn thận. Văn hóa của một gia đình nề nếp!

- Xưa được bà và mẹ dạy đúng như trong bài thơ và giờ đến mình lại dạy con mình như vậy. Mong các con giữ được nếp này.

- Nếp nhà thời nào thì văn hóa bữa cơm vẫn phải trang trọng và đầm ấm có trước có sau.

Quả thực chuyện ứng xử trong bữa ăn đã được ông bà ta đúc kết từ nhiều đời nay với những câu ca dao tục ngữ như “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”... tất cả đều đề cao sự cẩn trọng và chỉn chu trong ăn uống.

Hơn nữa, nhiều phụ huynh còn phát huy tính giáo dục trong mỗi bữa cơm, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Chẳng hạn như phải mời người lớn ra sao, kính trên nhường dưới thế nào, làm gì để phụ giúp bố mẹ, tập những thói quen tốt khi ăn... Đây cũng là lý do giúp bài thơ đang tiếp tục được chia sẻ rộng rãi trên MXH. 

Nguyên văn bài thơ của tác giả Tiến Tộ: 

DẠY CON VĂN HÓA TRONG BỮA ĂN


Chuẩn bị đến bữa ăn

Rau luộc đơm đĩa bằng,

Xào lăn đơm đĩa trũng

Tô to thời rót canh.


Đứa nhỏ nhanh trải chiếu,

Rồi xuống bưng nồi cơm.

Đứa lớn thì bưng mâm

Bát, đũa so cho đủ.


Thịt băm cần thìa nhỏ,

Chan canh cần thìa to.

Nước mắm nhớ phải cho

Mâm đầy bưng chậm rãi.


Đứa lớn ngồi cạnh nồi

Xới cơm cho thật tơi.

Cơm nóng thời đơm vơi

Đứa nhỏ thời chia đũa.


Mời ông và mời bà,

Mời mẹ và mời cha,

Mời chị em đầy đủ

Bữa cơm thật chan hòa.


Bát canh nóng để xa

Bát mắm bày ở giữa.

Rau xanh gần bố mẹ,

Thịt cá gần ông bà.


Ăn rau trước lót dạ

Thịt phải nhớ gắp sau.

Ăn uống phải nhìn nhau

Chớ gắp lia gắp lịa.


Canh không khoắng bằng đũa,

Thịt không bới lung tung.

Ngồi ăn chớ sát mâm

Và không kêu sột soạt.


Gắp thức ăn vào bát

Không gắp thẳng lên mồm

Nói năng phải ôn tồn

Miệng đầy cơm không nói.


Hắt hơi phải đứng dậy

Ho cũng phải che mồm.

Chan canh nhớ húp luôn

Cơm không rơi, không vãi.


Ăn thêm thì nhớ phải

Đặt đũa xuống dưới mâm.

Hai tay bưng bát không

Cho con xin bát nữa.


Ai ăn xong phải mời

Con xong bảo con thôi.

Ăn phải cho đến nơi

Cơm thời không dính bát.


Hoa quả bày ra đĩa

Trước mời ông bà xơi

Mời bố mẹ đến nơi

Các con cùng ăn quả.


Bố mẹ thời vất vả

Chị em tự dọn mâm

Đứa bé cất nồi cơm,

Đứa lớn thời rửa bát.


Thịt còn đậy cất tủ

Nước mắm úp lồng bàn.

Cơm thừa cho gà, ngan

Đầu tôm cho mèo mướp.


Rác thải từ nhà bếp

Con nhớ phân loại ngay

Vừa tốt cho vườn cây

Môi trường thêm sạch sẽ.


Vỏ củ quả nhớ nhé

Thả thùng ủ gốc cây.

Riêng túi bóng hôm nay

Thả thùng rác đầu ngõ.


Dạy con cho thấu tỏ

Người lớn học làm gương.

Văn hoá từ bữa cơm

Ra ngoài người lịch thiệp.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn